Nhiều người phải nhập viện vì thời tiết thất thường
Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội, số lượng người cao tuổi, có tiền sử mắc các bệnh về đường hô hấp nhập viện có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các khoa nhi cũng ghi nhận số lượng trẻ em tăng đột biến, nhiều phòng kín giường bệnh.
Các chuyên gia y tế cho biết, vào thời điểm giao mùa, nếu không dự phòng cẩn thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có thể tái phát và tiến triển rất nhanh. Trong đó, rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc COPD bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài.
Nguyên nhân phổ biến nhất là những người hút thuốc lá, thuốc lào. Ngoài phổi tắc nghẽn mãn tính, thời điểm này người cao tuổi cũng thường nhập viện do các bệnh lý hô hấp và tim mạch.
Những ngày gần đây số trẻ nhập viện vì viêm phổi, viêm tiểu phế quản, tại nhiều bệnh viện đều tăng khoảng 20 -30% so với bình thường. Đây là thời điểm khiến sức đề kháng của trẻ giảm cùng với mật độ vi khuẩn, virus trong không khí tăng lên.
Thời tiết lạnh vào mùa đông khiến cho sức đề kháng cũng bị suy giảm, càng tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi phát triển mạnh gây bệnh.
Đối với những bệnh nhân từng mắc viêm amidan thì rất dễ bị tái phát lại trong thời điểm này. Khi thời tiết lạnh, mọi người có khuynh hướng ít di chuyển ra ngoài đường. Nhiều gia đình còn đóng kín cửa để tránh gió lạnh xâm nhập khiến không khí không được lưu thông, ngẫu nhiên tạo ra môi trường thuận lợi cho các tác nhân vi sinh vật nếu tồn tại dễ dàng gây bệnh cho các thành viên trong nhà.
Theo các chuyên gia y tế, thời tiết lúc giao mùa thay đổi thất thường khiến cơ thể không thích ứng kịp, dễ bị vi rút, vi khuẩn tấn công gây bệnh như cảm cúm, viêm mũi họng và nguy hiểm hơn có thể làm tái phát các bệnh lý mạn tính. Việc phòng bệnh lúc chuyển mùa là vô cùng quan trọng trong cộng đồng và đối với từng người. Nhất là ở người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ để tránh bệnh diễn tiến nặng.
Để đảm bảo sức khỏe, nên duy trì giấc ngủ đầy đủ từ 7 - 9 tiếng giúp cơ thể được tái tạo năng lượng và luôn giữ được trạng thái tỉnh táo. Giấc ngủ giữ vai trò quan trọng đối với sức đề kháng của cơ thể. Ngủ sớm vào buổi tối, ngủ đủ giấc sẽ giúp các tế bào trong cơ thể hoạt động tốt hơn.
Tiêm chủng phòng ngừa các bệnh lý về đường hô hấp, điển hình như bệnh cúm mùa, lao phổi,... đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp bạn hạn chế được tối đa nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp. Giữ môi trường sống xung quanh sạch sẽ, thoáng mát, chú ý vệ sinh cá nhân như rửa tay, rửa mũi súc họng cũng góp phần phòng ngừa bệnh từ sớm, từ xa.