Thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam
Ngày 28/11, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng ký Quyết định số 959 về việc cho phép thành lập Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Theo Quyết định thành lập, Đây là tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội vụ phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các Bộ ngành có liên quan đến lĩnh vực Hiệp hội hoạt động theo quy định pháp luật.
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tự bảo đảm kinh phí, trụ sở và phương tiện hoạt động theo quy định.
Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam được thành lập với kỳ vọng tạo nên mối liên kết thành chuỗi ngành hàng, là cơ sở để hạn chế tình trạng thiếu liên kết giữa các khâu cung cấp vật tư đầu vào, sản xuất và tiêu thụ như thời gian qua. Từ đó, giúp hài hoà lợi ích các bên trong chuỗi ngành hàng lúa gạo, cùng nhau phát triển theo hướng bền vững.
Trước thời điểm thành lập Hiệp hội Nghành hàng lúa gạo Việt Nam vài ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng đã ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg ngày 27/11/2023 phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đề án được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long với diện tích một triệu héc-ta.
Đề án hướng tới mục tiêu tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt 50%, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%. Xây dựng thương hiệu lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.