Môi trường

Dịch tả lợn đang diễn biến rất phức tạp tại miền Trung

Lương Văn 28/11/2023 - 17:51

Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng lan rộng, các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan, dập dịch, đảm bảo nguồn cung thịt vào dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Hiện nay, tại tỉnh Quảng Trị đã xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn của 23 xã, thị trấn của 5 huyện, thị xã. Trong đó, huyện Triệu Phong có 18 xã, thị trấn; huyện Đakrông có 2 xã; huyện Hướng Hóa có 1 xã; huyện Cam Lộ có 1 xã và thị xã Quảng Trị có 1 xã.

Dự báo tình hình DTLCP biến hết sức phức tạp, có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến hoạt động chăn nuôi lợn, gây tổn thất lớn về kinh tế, tác động lớn đến môi trường, đời sống người dân.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành chỉ thị về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống DTLCP.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đang có ổ dịch DTLCP khẩn trương huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

tri-1701158306095819797768.jpeg
Chi cục chăn nuôi và thú y tăng cường kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi lợn. Ảnh: VGP/Minh Trang

Đối với địa phương chưa có dịch, địa phương có nguy cơ cao, tăng cường công tác giám sát, kịp thời phát hiện các trường hợp lợn có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng bao gồm cả đàn lợn đã được tiêm vắc xin nhưng đã hết hoặc sắp hết thời gian miễn dịch, bảo đảm tỉ lệ đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vaccine.

Ngay trong chiều 27/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị đã có đoàn kiểm tra tại huyện Triệu Phong, chỉ đạo tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh ở vùng chăn nuôi lợn tập trung trên địa bàn, các trại chăn nuôi lợn; hướng dẫn các biện pháp phòng, chống và cam kết báo cáo ngay khi phát hiện dịch bệnh trên đàn lợn, không giấu dịch.

* Tại Thừa Thiên-Huế, với tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP. Huế trực tiếp chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch (nếu có), tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, lợn chết, chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh, vứt xác lợn chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hoá chất khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ cao; đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn lợn như lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển, tụ huyết trùng bao gồm cả đàn lợn...

Sở NN&PTNT tập trung chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng, chống dịch bệnh DTLCP; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, bảo đảm phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

* Tại Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi đã và đang xảy ra tại 19 cơ sở chăn nuôi của 17 thôn thuộc 13/173 xã, phường, thị trấn của 3 huyện Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Trà Bồng với tổng số heo chết 253 con, đã ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của tỉnh.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản yêu cầu sở ban ngành và các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống bệnh DTLCP, nhất thời điểm giáp Tết.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn heo như dịch tả heo châu Phi, đảm bảo tỷ lệ đạt trên 80% diện tiêm. Chủ động vật tư, dụng cụ, hóa chất sát trùng, vôi bột, vaccine, kịp thời bao vây dập tắt các ổ dịch ngay khi mới xảy ra trong diện hẹp.

Chi cục chăn nuôi và thú y tăng cường kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y tại các cơ sở con giống, chăn nuôi, giết mổ, buôn bán thịt heo trên địa bàn tỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm quy định.

Tổ chức thực hiện việc kiểm dịch tận gốc, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển, buôn bán heo và sản phẩm từ heo vào địa bàn, nhất là vận chuyển heo và sản phẩm tươi sống từ heo nhập tỉnh không rõ nguồn gốc, nhiễm bệnh...

Lương Văn