Y tế

Quảng Bình ghi nhận hơn 1.360 ca mắc sốt xuất huyết Dengue

Trang Nguyễn 28/11/2023 - 16:11

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình cho biết, do tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, nên dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue có chiều hướng gia tăng trong các tháng 10 và 11 tại địa phương.

Theo đó, từ ngày 18-27/11, tại địa phương đã ghi nhận thêm 159 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 7 huyện, thị xã, thành phố với trên 60 xã, phường có bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong đó, ngày 21/11 ghi nhận 43 ca, ngày 22/11 ghi nhận 27 ca và ngày 24/11 có 31 ca…

Mới đây, Quảng Bình đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong, đây là ca tử vong đầu tiên do mắc sốt xuất huyết kể từ đầu năm 2023 đến nay tại địa phương.

Theo đó, trường hợp tử vong do mắc sốt xuất huyết là nữ (56 tuổi), ở xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch. Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue, tăng huyết áp, suy tim, viêm phế quản.

Bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên vào Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Sau 4 ngày điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân tiên lượng rất nặng nên được gia đình xin về với chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn tiêu điểm tiêu hóa, sốt xuất huyết Dengue, suy đa tạng và đã tử vong tại nhà.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận hơn 1.360 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó 1 trường hợp tử vong; sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Các địa phương có số ca mắc cao: Bố Trạch 398 ca, Quảng Ninh 247 ca; TP. Đồng Hới 218 ca, Lệ Thủy 150 ca…

z4922031456659f3c0e8f079961a506dcf673b404702d1-1701145328639136522252.jpeg
Sốt xuất huyết Dengue có chiều hướng gia tăng tại Quảng Bình - Ảnh: VGP/Lưu Hương

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh giám sát ca bệnh hằng ngày tại cơ sở y tế, đặc biệt chú ý giám sát ca bệnh tại cộng đồng; tổ chức giám sát, theo dõi biến động tại địa phương nguy cơ nhằm lập kế hoạch và huy động người dân triển khai chiến dịch diệt muỗi, bọ gậy kịp thời.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường truyền thông nguy cơ về sốt xuất huyết Dengue cho cộng đồng và hướng dẫn cụ thể cách thức tìm, diệt loăng quăng, bọ gậy tại dụng cụ chứa nước ở hộ gia đình; tổ chức đoàn đi kiểm tra, giám sát phòng, chống sốt xuất huyết Dengue tại vùng có dịch và có nguy cơ xảy ra dịch cuối năm; giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn.

Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh sốt xuất huyết Dengue; bố trí phòng khám, thời gian khám ca bệnh sốt xuất huyết Dengue vào các khung giờ phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh sốt xuất huyết Dengue và người bệnh khác; tư vấn, giải thích, hướng dẫn cho người bệnh hiểu để an tâm điều trị đúng tuyến, theo dõi phát hiện kịp thời dấu hiệu cần khám, hạn chế quá tải các tuyến, sắp xếp không để người bệnh nằm ghép.

Mặt khác, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập bảo đảm việc đáp ứng đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và chế phẩm của máu, lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, đặc biệt là dung dịch cao phân tử để chống sốc; thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng muỗi đốt cho người bệnh…

Trang Nguyễn