Doanh nghiệp

PV OIL Thái Bình: Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận “tí hon”, thu ngắn hạn tăng mạnh

Trang Nguyễn 03/10/2023 - 09:46

PVOIL Thái Bình ghi nhận doanh thu nhảy vọt, song lợi nhuận lại hết sức khiêm tốn, chỉ quanh quẩn ở mức 1 tỷ đến gần 3 tỷ đồng. Hơn nữa, hiệu quả sinh lời quá thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình (PV OIL Thái Bình – mã: POB) là công ty con của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL sở hữu 68% cổ phần), từng bị Kiểm toán Nhà nước điểm tên vì để phát sinh các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, công nợ tạm ứng tồn đọng lâu ngày…

Đáng chú ý, năm 2021, UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với PVOIL Thái Bình với mức phạt 170 triệu đồng vì hành vi chiếm đất nông nghiệp và chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.

pvoil-thaibinh.jpeg
Cây xăng của Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Thái Bình xây dựng trên đất nuôi trồng thủy sản. (Ảnh minh họa)
Qua tìm hiểu, PVOIL Thái Bình tiền thân là Xí nghiệp Dầu khí Thái Bình, được thành lập vào năm 1994. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán, kinh doanh sản phẩm dầu mỏ và sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước uống đóng chai. POB trở thành công ty đại chúng vào tháng 5.2017. Hiện, POB vận hành nhiều cửa hàng xăng dầu tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình và Hưng Yên.

Tính đến 31/12/2022, ban lãnh đạo của PVOIL Thái Bình hiện nay gồm ông Đoàn Duy Công - Chủ tịch HĐQT, ông Trần Minh Tuấn - thành viên HĐQT và ông Quách Văn Sơn - thành viên HĐQT kiêm Giám đốc, người đại diện pháp luật, ông Ngô Văn Tuân - Phó Giám đốc.

Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận "khiêm tốn"

Theo báo cáo tài chính (BCTC) đã kiểm toán năm 2022 cho thấy, doanh thu thuần tại POB đạt hơn 2.038 tỷ đồng, tăng 108% so với năm 2021. Lãi gộp đạt 54,9 tỷ đồng. Doanh thu tài chính đạt hơn 1,5 tỷ đồng, trong khi năm 2021 chỉ ở mức 548 triệu đồng.

Theo thuyết minh BCTC, doanh thu tại POB chủ yếu từ kinh doanh xăng dầu đạt hơn 1.976 tỷ đồng, tiếp đến là doanh thu kinh doanh phân đạm hơn 5,5 tỷ đồng; doanh thu kinh doanh thương mại và dịch vụ hơn 52 tỷ đồng, kinh doanh dầu nhớt hơn 4 tỷ đồng.

Về các khoản chi phí, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 27% và 18% so với năm 2021, đạt mức 41,3 tỷ đồng và 11,5 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ các loại chi phí, lợi nhuận sau thuế tại POB đạt hơn 2,7 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với năm 2021.

Trước đó, dù có doanh thu nhảy vọt song lợi nhuận tại POB hết sức khiêm tốn, chỉ quanh quẩn ở mức 1 đến gần 3 tỷ đồng giai đoạn 2016-2021.

pvoil-thai-binh-chungkhoan.png
Kết quả kinh doanh tại POB (ĐVT: triệu đồng)

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của POB liên tục giảm, từ mức 6,52% năm 2015 xuống còn 4,76% năm 2019 và tăng lên 6% năm 2020. Tuy nhiên, năm 2021, biên lợi nhuận gộp giảm xuống ở mức 4,65%, thậm chí đến năm 2022 giảm xuống ở mức 2,69%.

Còn biên lãi ròng của POB cũng tương đối thấp. Cụ thể, năm 2015, biên lãi ròng của POB ở mức 0,08% đến năm 2020 còn âm 0,13%. Tuy nhiên, đến năm 2021 đạt mức 0,27% nhưng kết thúc năm 2022 giảm còn 0,13%. Trong khi đó, biên lãi ròng trung bình của các doanh nghiệp cùng ngành dao động từ 14 - 17% trong giai đoạn 2015 đến nay.

Như vậy, trong nhiều năm qua, POB đều ghi nhận kết quả kinh doanh cũng như hiệu quả sinh lời quá thấp.

loi-nhuan-rong-pv-oil.png

Khoản phải thu ngắn hạn chiếm 32% tổng tài sản

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của POB đạt 155 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021. Trong đó, tài sản ngắn hạn ghi nhận hơn 76 tỷ đồng và tài sản dài hạn đạt gần 79 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản của POB là tài sản cố định dài hạn ghi nhận mức 69,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn của POB tính đến 31/12/2022 ghi nhận hơn 50 tỷ đồng, tăng 28% so với đầu năm, chiếm tới 32% tổng tài sản. Trong đó, phải thu của khách hàng ghi nhận hơn 47 tỷ đồng gồm của CTCP Xăng dầu Dầu khí Hà Nội hơn 11 tỷ đồng; CTCP Vật tư Xăng dầu miền Bắc gần 10 tỷ; Cửa hàng xăng dầu Tây Sơn hơn 3 tỷ; CTCP Petrol Euro gần 5 tỷ và các khoản phải thu khách hàng khác gần 18 tỷ đồng.

pvoilthaibinhsanchungkhoan.png
Nguồn: BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 tại POB

Ngoài ra, PVOIL Thái Bình có hơn 2,6 tỷ đồng khoản phải thu khác, bao gồm: CTCP Xăng dầu Dầu khí PVOILL Hải Phòng (897 triệu đồng), Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại XNK Hoàng Minh (581 triệu đồng), CTCP Xăng dầu Dầu khí Sài Gòn (360 triệu đồng),…

Về nguồn vốn, kết thúc năm 2022, vốn chủ sở hữu của POB đạt mức 113,2 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức 41,8 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 41 tỷ đồng.

Theo số liệu từ BCTC các năm về trước, từ năm 2016 trở lại đây, vốn chủ sở hữu của POB trồi sụt liên tục. Cụ thể, năm 2016 vốn chủ sở hữu của POB là 110 tỷ đồng đến năm 2018 vốn chủ sở hữu của POB nhích lên 112,9 tỷ đồng. Tới năm 2020, vốn chủ sở hữu của POB tụt sâu hơn về mức 109 tỷ đồng. Đến năm 2021 tăng nhẹ, đạt 111,8 tỷ đồng và kết thúc năm 2022 với 113 tỷ đồng.

pv-oil-pob.png

Trang Nguyễn