Ngân hàng ACB "đảo nợ" hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu trong lúc nợ xấu leo thang?
Trong bối cảnh nợ xấu đang tăng mạnh, nhu cầu tín dụng thấp, lãi suất huy động và cho vay đều giảm thì phía Ngân hàng TMCP Á Châu (ngân hàng ACB) lại tích cực mua lại trước hạn trái phiếu cũ, đồng thời phát hành lượng lớn trái phiếu mới.
Ngân hàng ACB đảo nợ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu?
Thời gian gần đây, ngân hàng ACB đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu cũ, đồng thời phát hành lượng lớn trái phiếu mới.
Theo đó, trong tháng 6,7/2023, ngân hàng ACB mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá lên tới 10.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn để thực hiện mua lại đến từ nguồn thu từ các khoản cho vay VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay/đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.
Ở diễn biến khác, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 27/9 vừa công bố ACB phát hành thành công lô trái phiếu ACBL2325006 có tổng giá trị 2.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm. Lô trái phiếu được phát hành và hoàn tất vào ngày 19/9/2023, đáo hạn ngày 19/9/2025.
Đến ngày 12/9, ngân hàng này tiếp tục phát hành thành công lô trái phiếu mã ACBL2325005 có tổng giá trị là 5.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu có thời hạn 2 năm, ngày đăng ký phát hành là 12/9/2023 và ngày đáo hạn là 12/9/2025, được phát hành ở thị trường trong nước và có lãi suất phát hành 6,5%/năm.
Trước đó, ACB cũng đã chào bán thành công lô trái phiếu mã ACBL2325004 với khối lượng 15.000 trái phiếu, tương đương tổng giá trị phát hành là 1.500 tỷ đồng.
Tháng 8/2023, ACB cũng phát hành thành công 3 lô trái phiếu gồm ACBL2325003, ACBL2325002, ACBL2325001 đều kỳ hạn 2 năm với lãi suất 6,5%. Tổng giá trị phát hành lên tới 6.500 tỷ đồng.
Như vậy, kể từ tháng 8/2023 đến nay, ACB đã huy động tổng cộng 15.000 tỷ đồng từ kênh trái phiếu. Trong khi đó, từ tháng 6,7/2023 nhà băng này đã chi ra 10.000 tỷ đồng để mua lại trái phiếu trước hạn.
Trước đó, vào tháng 7/2023, HĐQT Ngân hàng ACB đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 trong năm 2023 với tổng quy mô tối đa 20.000 tỷ đồng.
Ngân hàng này sẽ phát hành tối đa 200.000 trái phiếu trong 20 đợt với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu hoặc bội số của 100 triệu đồng. Giá phát hành bằng mệnh giá.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định suốt thời hạn. Số trái phiếu được phát hành nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đáng nói, ngân hàng ACB đẩy mạnh vay nợ qua kênh trái phiếu trong lúc nợ xấu đang leo thang.
Theo đó, vào cuối tháng 6/2023, số dự nợ xấu của ACB tăng gần 52% lên 4.622 tỷ đồng. Khoảng hơn một nửa trong số này là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) lên tới 2.829 tỷ đồng, tương đương tăng 31% so với đầu năm. Hai nhóm nợ khác đã tăng gấp đôi trong kỳ là nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng tới 90% so với đầu năm, ghi nhận hơn 841 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng vọt 117% lên hơn 950 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu của ACB nhích từ 0,74% vào thời điểm đầu năm lên 1,06% vào cuối quý tháng 6/2023.
Ngân hàng cho biết mặt bằng lãi suất tăng cao từ cuối năm 2022 gây áp lực lên khả năng trả nợ của khách hàng, đã góp phần làm tỷ lệ nợ xấu tăng cao.
Chưa kể, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2 - với khoản vay quá hạn 10-90 ngày) tính đến cuối tháng 6/2023 lên tới 3.780 tỷ đồng, tương đương tăng 61% so với đầu năm.
Nợ nhóm 2 dù chưa được xếp vào nợ xấu nhưng tình trạng dư nợ khoản vay quá hạn tăng cho thấy nhiều người đi vay không có khả năng trả nợ đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu trong tương lai của ngân hàng.
Không riêng gì ACB, thời gian qua, nhiều ngân hàng thương mại cũng tăng phát hành trái phiếu để hút vốn trung và dài hạn, đồng thời mua lại trái phiếu trước hạn.
Vì sao tích cực mua lại, đồng thời phát hành mới trái phiếu?
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài (cùng một số điều kiện khác) là một cách phổ biến để ngân hàng tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng chuẩn mực về quản trị rủi ro theo Basel II. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài cũng giúp ngân hàng cân đối tốt hơn cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa vừa được điều chỉnh từ 34% xuống 30% từ ngày 1/10/2023 tới đây.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ tìm cách mua lại trước hạn các trái phiếu này để có dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm, nhằm tăng giá trị được tính vào vốn tự có cấp 2 nhiều hơn.
Nói một cách khác, việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Bên cạnh yếu tố kỳ hạn của trái phiếu, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng thực hiện đảo nợ trái phiếu cho chính mình cũng nhằm tối ưu hóa chi phí vốn. “Trước đó, một số ngân hàng phải huy động trái phiếu trong giai đoạn lãi suất ở mức cao. Hiện nay, khi mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm, họ sẽ mua lại trái phiếu cũ và thay thế bằng trái phiếu mới có lãi suất phát hành thấp hơn để tiết giảm chi phí vốn”, ông Hiếu nhận định.