Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em": Kiến nghị nhiều giải pháp bảo vệ trẻ trên môi trường mạng và cuộc sống
Tại phiên thảo luận Tổ của ''Quốc hội trẻ em'' lần thứ nhất năm 2023, diễn ra tại Hà Nội vào chiều 09/9, nhiều ý kiến đại biểu trẻ em kiến nghị cần đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra các giải pháp hữu hiệu phòng, ngừa tai nạn thương tích và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Thảo luận tại Tổ các đại biểu trẻ em nêu thực trạng, tại nạn thương tích và bạo lực xâm hại trẻ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể chất cũng như tinh thần, gây ltổn hại đến trẻ em. Đây đang là vấn đề nhức nhối được toàn xã hội đặc biệt quan tâm.
Qua tiếp xúc cử tri trẻ em tại địa phương, đại biểu trẻ em nêu rõ, bản thân hoặc một số các bạn tại cộng đồng nơi mình sinh sống cũng đã từng bị bạo lực và xâm hại bởi nhiều hình thức khác nhau và các mức độ khác nhau. Trong đó, nhiều tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em chính trong cộng đồng hoặc môi trường sống của các em.
Phòng, chống tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em
Các đại biểu trẻ em nhấn mạnh, thời gian qua, nhờ vào việc triển khai nhiều chính sách, chương trình mà toàn xã hội đã quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Các bậc cha mẹ cũng đã hiểu, lưu tâm nhiều hơn đến vấn đề chăm sóc, giáo dục, trang bị kỹ năng cho các con. Các cơ sở giáo dục chú trọng hơn đến công tác giáo dục kỹ năng cho trẻ em để mỗi trẻ em có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, được bảo vệ và có một môi trường sống an toàn phát triển.
Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu trẻ em chỉ ra rằng, vai trò vô cùng quan trọng của bố mẹ, gia đình trong phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em tai nạn thương tích, đại biểu trẻ em lưu ý, có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, sự bất cẩn của người chăm sóc trẻ và gia đình ít quan tâm đến trẻ em là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn thương tích ở trẻ.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu trẻ em cũng cho rằng, khoảng cách tuổi tác giữa cha mẹ và con lớn, khiến con rất khó chia sẻ với cha mẹ về vấn đề của bản thân. Do cha mẹ không biết cách làm bạn cùng con, thiếu tin tưởng ở con cái, hay định kiến với các hành vi của các con, nhiều cha mẹ kiểm soát con quá mức làm con mất niềm tin ở cha mẹ, không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết phù hợp các vấn đề đang gặp phải.
Bên cạnh đó, đối với một số trẻ em thường có lối sống khép kín, ít cởi mở, ngại khi chia sẻ cùng bố mẹ nhất là trong độ tuổi dậy thì.
Từ việc phân tích thực trạng và nguyên nhân, các đại biểu trẻ em đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em như: Thông qua các trang mạng xã hội, trang thông tin của các ngành cần lồng ghép tuyên truyền một cách thường xuyên về các nội dung phòng chống tai nạn thương tích và bạo lực xâm hại trẻ em; Tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi với cha mẹ học sinh về phương pháp nuôi dạy con, cũng như các kiến thức, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích và bạo lực, xâm hại trẻ em;…
Đồng thời, một số ý kiến cũng đề nghị, các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể cần có những đề xuất, chính sách để gắn trách nhiệm của cha mẹ vào việc giáo dục và bảo vệ trẻ em; tổ chức các mô hình, cuộc thi có sự đồng hành tham gia của phụ huynh và các con nhằm tạo sự chia sẻ, kết nối, hiểu biết, cảm thông giữa bố mẹ và các con.
Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Cũng tại Phiên thảo luận Tổ, các đại biểu trẻ em còn thảo luận, cho ý kiến về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Đề xuất giải pháp liên quan đến nội dung này, các đại biểu trẻ em kiến nghị, các nội dung về phòng chống xâm hại trẻ em đều cần thiết phải giáo dục cho học sinh tại trường học. Trong đó, chủ yếu là cách thức xử lý tình huống khi bị dụ dỗ trên không gian mạng, kỹ năng bảo mật thông tin cá nhân, phòng chống xâm hại trên không gian mạng, biết số điện thoại đường dây nóng khi cần hỗ trợ;…
Theo các đại biểu trẻ em những hoạt động cần được tổ chức để nâng cao kỹ năng phòng chống xâm hại trên không gian mạng bao gồm: Tổ chức các buổi học về kỹ năng sống; Tập huấn kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng; Xây dựng hộp thư “Điều em muốn nói”;…
Song song với những giải pháp nêu trên, các đại biểu trẻ em cũng đề nghị, gia đinh, nhà trường và xã hội giúp trẻ em phòng chống bị xâm hại trên môi trường mạng thông qua việc nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động giúp trẻ em nâng cao nhận thức và kỹ năng sử dụng mạng xã hội; Xây dựng thêm các sân chơi lành mạnh dành cho trẻ em; Cha mẹ nâng cao nhận thức về ảnh hưởng của việc sử dụng mạng xã hội đến con cái; Cộng đồng cần quan tâm, có các chính sách quản lý và hỗ trợ trẻ em sử dụng mạng an toàn;…
Trước đó, để đảm bảo hiệu quả phiên thảo luận tại tổ, các đại biểu trẻ em được hướng dẫn thảo luận theo nhóm về từng nội dung liên quan trực tiếp đến các vấn đề trọng tâm của hai chủ đề về: Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.