Không dùng tiền mặt để hạn chế lạm thu ở trường học
Giải pháp "các khoản thu không dùng tiền mặt" để hạn chế lạm thu ở trường học được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nêu trong buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 09/9.
Chiều 09/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.
Tại buổi họp báo phóng viên đặt câu hỏi với đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giải pháp tránh lạm thu đầu năm học và giải pháp bảo kinh phí duy trì hoạt động tái đầu tư các trường đại học.
Trả lời phóng viên về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, biện pháp tránh lạm thu ở các trường đầu năm học mới, đối với giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn. Quan trọng là văn bản đã có, các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề này. Đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý để quy định bắt buộc việc này.
Đối với các trường đại học, Bộ GD&ĐT không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Việc này thanh tra kiểm tra thuộc các cơ quan quản lý trực tiếp.
Với các trường đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra. "Chúng tôi rất mong báo chí có thông tin kịp thời nếu phát hiện trường nào có khoản thu trái pháp luật hoặc không công khai minh bạch. Bộ GD&ĐT quy định rất rõ về công khai minh bạch, đặc biệt trong tuyển sinh, công khai các khoản thu cho năm học thứ nhất và cả khóa học, trường nào không thực hiện đúng cam kết này thì sẽ xử lý", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đề nghị.
Về vấn đề kinh phí để duy trì tái đầu tư các trường đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho hay, kinh phí đến từ 3 nguồn chính: Học phí đào tạo; ngân sách nhà nước; hợp tác với doanh nghiệp, tài trợ từ các tổ chức, cá nhân.
Bộ GD&ĐT có vai trò chủ yếu giao xây dựng quy định về học phí đối với các trường đại học công lập trình Chính phủ ban hành. Trong những năm qua, trần học phí không tăng dẫn đến khó khăn cho các trường đại học trong việc duy trì hoạt động cũng như tái đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81, xin ý kiến bộ, ngành, đang trong quá trình hoàn thành thủ tục để xin ý kiến các thành viên Chính phủ. Nghị định được thông qua sẽ góp phần giúp các trường đại học tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo.
Nguồn kinh phí thứ hai từ ngân sách nhà nước qua các kênh, cơ quan quản lý trực tiếp. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 34 trường đại học, còn các trường đại học khác trực thuộc các bộ, ngành, địa phương. Kinh phí này từ hai nguồn ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư. Qua đây, Bộ GD&ĐT đề nghị các bộ, ngành quan tâm có chi phí thường xuyên, chi phí đầu tư để tăng cường đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn thứ ba phụ thuộc nhiều vào các trường đại học, năng lực, sự năng động của lãnh đạo các trường về hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đội ngũ cựu sinh viên, các nhà hảo tâm để có thể huy động thêm nguồn lực này.