Giáo dục

Hơn 20 triệu học sinh bước vào năm học 2023-2024

PV 05/09/2023 07:55

Sáng nay (05/9), hàng triệu học sinh trên cả nước hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2023-2024.

Năm học này được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn nhận định là năm học nhiều khó khăn và thách thức với ngành giáo dục, khi vừa phải tiếp tục cùng cả nước khắc phục, nỗ lực vượt qua khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19, vừa phải củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo.

2-1693873806491.jpeg
Học sinh Trường Tiểu học Tân Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) (Ảnh: GDTĐ)

Năm học 2023-2024, ngành giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025...

Theo Bộ trưởng Bộ Nguyễn Kim Sơn, năm học 2023 - 2024, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục, đặc biệt là việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Hiện nay, chương trình GDPT đã được triển khai đồng bộ trên khắp cả nước, ở tất cả cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường.

Năm học 2022 - 2023, Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được triển khai đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tiếp tục lộ trình này, năm học 2023 - 2024, khối lượng công việc ngành cần thực hiện sẽ rất lớn, bao gồm: Vừa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện Chương trình GDPT 2018 với các lớp đã triển khai; triển khai mới với lớp 4, lớp 8, lớp 11 và chuẩn bị điều kiện cho 3 lớp cuối cấp.

Đặc biệt, việc chuẩn bị SGK cho lớp cuối cấp với yêu cầu, đòi hỏi lượng công việc nhiều hơn nữa. Phạm vi đổi mới rộng, lượng công việc nhiều, tầm quan trọng lớn, năm học 2023 - 2024 đòi hỏi sự quan tâm, tập trung cao độ để hoàn thành công việc, tạo đà hoàn thành lộ trình đổi mới GDPT.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, không chỉ triển khai chương trình mới trên diện rộng, bao phủ 3 cấp học, năm học này, hoạt động đổi mới cần đi vào chiều sâu, ở từng nội dung giáo dục, từng môn học, hoạt động. Kèm theo đó là đòi hỏi chuẩn bị nhiều hơn các điều kiện dạy học, giáo viên cần được hỗ trợ hơn nữa về phương pháp, kỹ năng… để bảo đảm có thể đổi mới theo chiều sâu và tăng cường chất lượng đổi mới.

Ngoài ra, năm học 2023 - 2024 là năm triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục. Ngành Giáo dục tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trong đó lưu ý các vấn đề thực tiễn phát sinh cần điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục và đào tạo.

Về nội dung này, có thể nói đến những công việc quan trọng như tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT - nhìn nhận lại chặng đường 10 năm đổi mới, đánh giá thực trạng, kết quả đạt được, từ đó đề xuất các định hướng chỉ đạo lớn tầm Trung ương cho chặng đường đổi mới tiếp theo.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT chuẩn bị xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội vào năm 2024; rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học và những văn bản dưới luật có liên quan…

e2348b1f7952900cc943.jpg
Học sinh tiểu học ở Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2023-2024. Ảnh: Thanh Hùng/VNN

Năm học 2023 - 2024 cũng quan trọng với giáo dục mầm non khi triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.

12 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024

1. Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

2. Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

3. Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

4. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. 5. Tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh.

6. Tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học; bảo đảm an toàn trường học, chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh.

7. Quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực.

8. Hội nhập quốc tế trong giáo dục.

9. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành.

10. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

11. Tiếp tục thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành.

12. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Tại Hà Nội, học sinh các trường tập trung và nhà trường tổ chức đón học sinh đầu cấp từ 7h.

Lễ khai giảng tại các trường bắt đầu với việc chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca và bao gồm các hoạt động như: Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường; các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian...).

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, lễ khai giảng được các trường tổ chức gọn nhẹ, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.

Tại TP.HCM lễ khai giảng được tổ chức ở đồng loạt các trường với tất cả học sinh được tham dự.

Theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn trong khoảng 45 phút, với những hoạt động văn nghệ chào mừng, đón học sinh đầu cấp, cắt băng khánh thành (đối với trường mới), diễn văn khai giảng của hiệu trưởng, đánh trống khai trường, trao học bổng...

Sau phần lễ, các trường tổ chức phần hội để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho học sinh.

Đối với giáo dục mầm non, các trường tổ chức ngày hội “Bé vui đến trường”, tận dụng không gian để tổ chức trò chơi vận động, hoạt động phát triển thẩm mỹ, trò chơi dân gian, xem xiếc, múa rối…

Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu tất cả học sinh các trường phải tham dự lễ khai giảng. Trong trường hợp nhà trường không đủ điều kiện phải đảm bảo học sinh đầu cấp, cuối cấp tham dự phần lễ và tất cả học sinh được tham dự phần hội.

PV