Nội chính

Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

V.T 02/09/2023 - 08:18

Trong những năm qua, Đảng ta đã kế thừa và phát huy những quan điểm, nội dung trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Người cũng từng nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

tu-tuong-chu-tich-ho-chi-minh-ve-cong-tac-can-bo.jpg

Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Trong Di chúc của Bác viết năm 1969, Người căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc đến những vấn đề căn cốt nhất bảo đảm cho Đảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo và trách nhiệm cầm quyền, đó là thực hành dân chủ rộng rãi, giữ gìn đoàn kết trong Đảng như “giữ gìn con ngươi của mắt mình”, thực hiện tự phê bình và phê bình, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vừa “hồng”, vừa “chuyên”, không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân...

Theo đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, với vai trò lãnh đạo cách mạng Đảng ta đã sớm nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và rộng hơn là đối với toàn bộ sự nghiệp đổi mới.

Vấn đề này đã được Đảng ta nhấn mạnh trong nhiều văn kiện. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi người đứng đầu cấp ủy ở một số nơi nhận thức còn giản đơn, chưa thật sự chăm lo, quan tâm sâu sắc, chưa đầu tư đúng mức cho xây dựng đội ngũ cán bộ, thậm chí có cả biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan làm công tác tổ chức, cán bộ… thì tính thời sự của vấn đề này càng trở nên cấp thiết hơn.

Thực tế cho thấy, trong cùng một điều kiện, hoàn cảnh như nhau nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị khác nhau là do chất lượng đội ngũ cán bộ. Bởi vậy, trên cơ sở kế thừa và phát huy những quan điểm, nội dung trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Đảng ta luôn đặt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là một trọng tâm rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, là vấn đề hệ trọng của Đảng, quyết định đến thành bại của sự nghiệp cách mạng, sự tồn vong của chế độ.

Đảng ta luôn quán triệt nguyên tắc về quan hệ giữa đường lối chính trị và đường lối cán bộ; quan điểm giai cấp và chính sách đại đoàn kết rộng rãi trong công tác cán bộ; xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó, tiêu chuẩn là chính; giữa “xây” và “chống,” trong đó “xây” là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa “đức” và “tài,” trong đó, đức là gốc; giữa tính phổ biến và đặc thù; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Xây dựng đội ngũ cán bộ được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của các cấp ủy, tổ chức đảng mà nòng cốt là các cơ quan tham mưu của Đảng, nhất là cơ quan tổ chức, cán bộ. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thận trọng, thường xuyên, có hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Đấu tranh không khoan nhượng với nạn tham nhũng

Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng tiêu cực như vụ chuyến bay giải cứu hay vụ Việt Á... đã bị đưa ra ánh sáng, pháp luật xử lý. Nhiều cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, tư lợi cá nhân, lợi ích nhóm đã bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc.

bac-ho-ve-tham-vinh-phuc.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) về công tác quy hoạch ruộng đất, ngày 25/01/1961. Ảnh tư liệu

Có thể nói, công tác đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian vừa qua đã có sự tham gia tích cực của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm toán; được triển khai quyết liệt, đồng bộ với nhiều biện pháp và đã mang lại những kết quả tích cực, nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, không có vùng cấm, nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, trong đó có cán bộ cấp cao đã bị kỷ luật, thậm chí bị truy tố. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn tiêu cực để tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng và tôn nghiêm của pháp luật Nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, thực tế cho thấy, thời gian qua có một bộ phận cán bộ rơi vào vòng xoáy quyền lực, nên Bộ Chính trị đã có các Quy định kiểm soát quyền lực.

“Nhưng theo tôi, đáng lẽ việc kiểm soát quyền lực này phải ra đời phải sớm. Tôi thấy giải pháp của ta vẫn thụ động, che chắn, giải quyết tình thế; sự việc đã xảy ra rồi ta mới đi xử lý”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

Lấy ví dụ việc chống tham nhũng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang xử lý rất nghiêm khắc những vụ việc cũ và mới đã rất mệt rồi. Đặt câu hỏi sau khi Đảng ta quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực liệu có giảm không? PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng có giảm nhưng nó biến tướng cũng có. Thế nên tham nhũng rất đa dạng và dưới nhiều hình thức vận động trong xã hội.

Lenin ngày xưa đã từng nói: "Cái tôi và người cầm quyền” và thử thách cao nhất là lúc người được cầm quyền, có quyền lực liệu có công tâm hay không hay lại là "Chân lý là ý thủ trưởng". Bởi sau khi có quyền lực, anh không tự rèn dũa mình sẽ dễ dẫn đến hành vi "ban ơn" cho mọi người. Và từ đó rất dễ dẫn đến tham nhũng quyền lực. Trước kia ta thường gọi là tham ô, nay gọi đúng bản chất là tham nhũng. “Tham ô có thể hiểu theo nghĩa là ăn cắp, nhưng tham nhũng là hình thức ăn cắp có quyền lực, sử dụng quyền lực để ăn cắp, vơ vào cho mình”, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

Theo đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, việc xử lý kỷ luật đối với những cán bộ lãnh đạo, quản lý vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước là hết sức đau lòng. Tuy nhiên, đây là việc làm rất cần thiết để góp phần chỉnh đốn Đảng. Loại bỏ những người không đủ năng lực, uy tín, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, có biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa,” tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ra khỏi bộ máy lãnh đạo, quản lý không hề tạo “khoảng trống” trong đội ngũ cán bộ bởi lẽ đại đa số cán bộ, đảng viên đều có đức, có tài, có lập trường tư tưởng vững vàng, luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Chỉ có một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, biến chất. Điều này đã được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng.

Coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức

Tăng cường giáo dục, rèn luyện, thực hành đạo đức cách mạng phải đi đôi với kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bệnh cơ hội, thực dụng,“lợi ích nhóm”.

Đây là yêu cầu không thể thiếu để các giá trị đạo đức cách mạng trở thành nền tảng tinh thần bảo đảm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, bởi chủ nghĩa cá nhân đối lập với đạo đức cách mạng, tạo ra nguy cơ đẩy Đảng vào con đường suy thoái. Những người bị chi phối bởi chủ nghĩa cá nhân chỉ quan tâm đến quyền lợi cá nhân, ích kỷ mà cố tình quên mất nghĩa vụ. Họ tìm mọi cách thoái thác nghĩa vụ, trách nhiệm, kể cả vi phạm trật tự, kỷ cương, kỷ luật, bàng quan trước phản ứng, chỉ trích của dư luận, vô cảm trước khổ đau của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem “Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”; nó “là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”. Người cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Cảnh báo của Người đã trở thành hiện thực khi nhìn lại bài học đảng cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu vào những năm 1989 - 1991 đã đánh mất địa vị cầm quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ, mà trong đó có một nguyên nhân quan trọng bắt nguồn từ suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo cao cấp của đảng. Không riêng gì các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, ngay kể cả những quốc gia đề cao chủ nghĩa cá nhân cũng đã phải trả giá khi các giá trị xã hội bị hủy hoại, các kết cấu xã hội bị rạn nứt.

Đã có không ít ý kiến phê phán và hình thành các trào lưu xã hội phản kháng trước mô hình phát triển không có lương tâm khi tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân mà hy sinh các lợi ích công cộng, khi tối đa hóa các mục tiêu vật chất mà làm biến thái các hệ giá trị xã hội, khi theo đuổi nhu cầu tiêu dùng vô hạn độ trước mắt mà bất chấp cả khả năng phát triển của các thế hệ tương lai.

Viện dẫn trên đây càng cho thấy tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về coi trọng xây dựng Đảng về đạo đức, xem giá trị đạo đức cách mạng là một thuộc tính của chủ nghĩa xã hội đối lập với tôn sùng chủ nghĩa cá nhân.

Người khẳng định: “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Vì vậy, xây dựng đạo đức mới, đạo đức cách mạng không thể tách rời với kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống lại những thói hư, tật xấu.

Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phải được tiến hành bằng tất cả các biện pháp tư tưởng, chính trị và tổ chức. Công tác giáo dục tư tưởng, chính trị phải được đổi mới, giúp phân biệt rõ giữa lợi ích chính đáng của con người với chủ nghĩa cá nhân đi ngược lại lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của nhân dân. Công tác lý luận trong tình hình mới phải tích cực tổng kết thực tiễn, góp phần lý giải những biến đổi thang giá trị trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, để từ đó đề xuất bổ sung, phát triển các chuẩn mực đạo đức mới, nhân cách lãnh đạo tiến bộ, phù hợp. Xây dựng văn hóa trong chính trị, làm cho văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm cho cái tốt đẹp ngày càng nảy nở, cái xấu, cái ác ngày càng bị đẩy lùi, dẹp bỏ.

Báo chí luôn đi tiên phong trong cổ vũ gương “người tốt, việc tốt”, đồng thời phê phán, đấu tranh với “gương xấu” sa vào chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa vị kỷ. Luôn xem cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là một bộ phận của đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn chủ nghĩa cơ hội, bởi cơ hội chính trị có xuất phát điểm từ chủ nghĩa cá nhân, ban đầu chỉ lợi dụng cơ chế, chính sách, môi trường để trục lợi cá nhân, rồi sau thì “kiến nghị”, “đề xuất” thay đổi cơ chế, chính sách, pháp luật theo hướng có lợi cho cá nhân, cho “nhóm lợi ích”, kể cả vi phạm những vấn đề mang tính nguyên tắc, xa rời bản chất cách mạng.

Do đó, cần tích cực sửa “lỗ hổng” trong các cơ chế, chính sách, đồng thời nâng cao tinh thần cảnh giác và đấu tranh không khoan nhượng với các biểu hiện cơ hội chính trị hướng lái cơ chế, chính sách, pháp luật xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Làm trong sạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý là để tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

V.T