Nội chính

Chân lý vĩ đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

ThS Đặng Công Thành (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng) 02/09/2023 - 07:27

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý vĩ đại của đời sống xã hội loài người, một chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” ở thời khắc cực kỳ quan trọng, mang tính bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng này của Người vừa có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, mang giá trị nhân văn sâu sắc, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

chu-tich-ho-chi-minh-doc-tuyen-ngon-doc-lap.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” ngày 02/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được hình thành từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước và là sản phẩm của quá trình tư duy khoa học, xuất phát từ thực tiễn đấu tranh giành độc lập, tự do của Nhân dân ta.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một cống hiến quý báu của Người trong kho tàng lý luận cách mạng của thời đại, là một đóng góp lớn lao trong phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới ở thế kỷ XX.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là mục tiêu, động lực, phương châm chỉ đạo thắng lợi sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tiếng gọi thiêng liêng, giục giã Nhân dân ta không quản hy sinh xương máu để giành và giữ độc lập, để xây dựng cuộc sống tốt đẹp cho chính mình.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là tư tưởng về hòa bình, về hạnh phúc, ấm no, tư tưởng về tiến bộ và công bằng xã hội, sáng ngời tư tưởng nhân văn cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - Tư tưởng về hòa bình của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong quá trình lãnh đạo Nhân dân ta kháng chiến chống xâm lược, rất nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh, nhưng vì bọn thực dân đế quốc xâm lược đất nước Việt Nam, nô dịch Nhân dân Việt Nam, nên người Việt Nam buộc phải đứng lên cầm vũ khí chiến đấu, để giành cho kỳ được tự do, độc lập.

Có hai thời điểm gay cấn, quan trọng của cách mạng nước ta thể hiện tập trung quan điểm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời điểm thứ nhất vào cuối năm 1946, thời điểm thứ hai là năm 1965.

Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt quốc dân đồng bào tuyên bố trước toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thực sự đã thành một nước tự do, độc lập”. Nhưng sau đó, với bản chất đế quốc, thực dân Pháp đã tìm mọi cách tiêu diệt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã tìm mọi cách hòa hoãn để đẩy lùi chiến tranh, giữ cho được độc lập, tự do mà Nhân dân ta mới giành được từ tay Nhật. Nhưng, chúng ta càng hòa hoãn thực dân Pháp càng lấn tới. Khi không thể bằng con đường hòa hoãn, bằng con đường hòa bình thương lượng để giữ vững độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới kêu gọi Nhân dân ta trường kỳ kháng chiến để giành, giữ độc lập, tự do. “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hoà bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh... Cuộc chiến tranh này chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách. Chúng tôi tha thiết với nền độc lập,... Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng. Nhưng cuộc chiến tranh ấy, nếu người ta buộc chúng tôi phải làm thì chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi không lạ gì những điều đang đợi chúng tôi… Việt Nam đã sẵn sàng chịu đựng tất cả, chứ không chịu mất tự do”[1]. “... Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”.

Khi chính sách thực dân mới bị phá sản, Mỹ buộc phải can thiệp trực tiếp vào miền Nam và sau đó mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Trước những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ và những luận điệu xuyên tạc, hăm dọa của nhà cầm quyền nước Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công khai trước dư luận toàn thế giới: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, nhưng hòa bình không thể tách rời độc lập dân tộc. Nhân dân Việt Nam biết rằng muốn có hòa bình thật sự thì phải có độc lập thật sự; và đấu tranh cho độc lập dân tộc tức là đấu tranh bảo vệ hòa bình. Nhân dân Việt Nam quyết không dung thứ cho bọn xâm lược Mỹ phá hoại hòa bình, giày xéo lên độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”[2]. “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, Nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”.

Chân lý, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được rút ra từ nhận thức sâu sắc bản chất xâm lược, hiếu chiến, ngoan cố của chủ nghĩa đế quốc, mà trực tiếp là đế quốc Pháp, Mỹ. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được khái quát từ thực tiễn đấu tranh kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Việt Nam ở thế kỷ XX. Vì muốn có hòa bình thực sự mà Nhân dân Việt Nam phải chiến đấu chống quân xâm lược để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho chính bản thân mình; Nhân dân Việt Nam trường kỳ kháng chiến giành cho được tự do, độc lập cũng là để muốn có hòa bình thực sự. Hòa bình trong độc lập tự do, độc lập tự do là nội hàm của hòa bình; không có độc lập tự do thì hòa bình chỉ là hòa bình giả hiệu, đó là nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thể hiện trong câu nói nổi tiếng của Người “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Không chỉ đấu tranh vì hòa bình thực sự cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một người chiến sĩ kiên cường của phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã nhiều lần khẳng định: “tự do độc lập là quyền trời cho của mỗi dân tộc...”[3]. Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã vượt qua ngoài lãnh thổ Việt Nam, trở thành mục tiêu, phương châm hành động của Nhân dân các nước bị xâm lược, bị nô dịch. Ở đâu có áp bức, bóc lột, bất công là ở đó toả sáng tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và tư tưởng đó đã trở thành khẩu hiệu đấu tranh vì hòa bình của Nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Như vậy, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” còn là tư tưởng về tự do bình đẳng giữa các dân tộc, tư tưởng về độc lập chủ quyền của các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” - Tư tưởng về hạnh phúc, ấm no, tiến bộ và công bằng xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Độc lập, tự do đi cùng với ấm no, hạnh phúc tiến bộ và công bằng xã hội là tư tưởng chủ đạo trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhiều lần khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành...”, “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì...”, ...“Chủ nghĩa xã hội là cái gì? Là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do. Nhưng nếu muốn tách riêng một mình mà ngồi ăn no mặc ấm, người khác mặc kệ, thế là không tốt. Mình muốn ăn no mặc ấm, cũng cần làm sao cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, như thế mới đúng. Muốn như vậy, phải ra sức công tác, ra sức lao động sản xuất”[4].

Độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đó là tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì theo Người, thì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo độc lập cho các dân tộc và tự do cho Nhân dân; chỉ có chủ nghĩa xã hội mới đảm bảo độc lập tự do thực sự; và chỉ có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội nếu độc lập tự do được đảm bảo, nghĩa là không giữ được độc lập thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Đặt độc lập tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội và độc lập tự do là điều kiện tiên quyết để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, có hiểu đầy đủ, trọn vẹn thể hiện sự thấu triệt sâu sắc ý nghĩa tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, xét theo tiến trình lịch sử cách mạng nước ta, là một quá trình liên tục, giành độc lập tự do và đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng đó lại là sự kết hợp biện chứng ngay trong quá trình đấu tranh để giành tự do độc lập đã phải tiến hành những hoạt động nhằm xây dựng những yếu tố của chủ nghĩa xã hội, để sau khi có độc lập là có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta không một phút lơi lỏng nhiệm vụ bảo vệ độc lập tự do. Chủ nghĩa xã hội đã là một động lực để Nhân dân ta đấu tranh giành độc lập dân tộc, vì sau khi có độc lập dân tộc, chúng ta sẽ xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân lao động. Đồng thời, độc lập tự do là một động lực để chúng ta xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, vì chỉ có dưới chủ nghĩa xã hội, độc lập dân tộc mới được vững bền, Nhân dân mới được tự do, ấm no, hạnh phúc.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã là một động lực để Nhân dân ta vượt qua mọi gian khổ hy sinh, đánh thắng các đế quốc to, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn là, và phải là một động lực để chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để đến năm 2030 là nước phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Vì vậy, không nuôi dưỡng, hun đúc, phát huy ý thức về độc lập tự do trong mỗi con người Việt Nam hôm nay, thì chúng ta sẽ không khơi dậy được mọi nguồn lực, không tạo ra được một nội lực tinh thần to lớn để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu, xây dựng đất nước ta “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và mãi mãi chỉ đường cho Nhân dân ta trên con đường xây dựng cuộc sống ấm no, tự do, phồn vinh, hạnh phúc, tiến bộ, dân chủ và công bằng xã hội hiện nay.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 526.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 14, tr. 615.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 9.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr. 593.

ThS Đặng Công Thành (Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)