Câu chuyện pháp đình

Những điểm nhấn tại phiên tòa xét xử vụ "chuyến bay giải cứu"

Mạnh Hùng 26/07/2023 15:55

Sau 10 ngày xét xử, HĐXX vụ án "chuyến bay giải cứu" đã bước vào nghị án, dự kiến tuyên án vào ngày 28/7. Đây là đại án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng được dư luận quan tâm, theo dõi. Trong quá trình tranh tụng tại Tòa, nhiều vấn đề cơ bản đã được làm sáng rõ.

Tham nhũng dưới hình thức “văn hóa phong bì”, “văn hóa cảm ơn”

Nhìn chung, trong suốt 10 ngày xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi bị truy tố và chỉ trình bày về hoàn cảnh dịch bệnh, việc cấp phép chuyến bay không có quy trình cụ thể, chưa từng có tiền lệ. Các bị cáo đề nghị được xem xét thêm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ngoài các tình tiết đã được các cơ quan tố tụng ghi nhận.

Bào chữa cho các bị cáo, các luật sư đưa ra nhiều lý do như: hành vi nhận tiền hối lộ của thân chủ là không có sự hứa hẹn, thỏa thuận. Việc nhận hối lộ là do các bị cáo nhóm tội “Đưa hối lộ” chủ động đưa để bày tỏ sự cảm ơn, chia sẻ lợi nhuận.

Cá biệt, đối với một số bị cáo bị xác định và thừa nhận có việc đòi hỏi, gợi ý hoặc gây khó dễ để doanh nghiệp buộc phải đưa tiền thì luật sư bào chữa theo hướng thay đổi tội danh, cho rằng chủ thể của tội “Nhận hối lộ” không thỏa mãn nên không cấu thành tội danh này.

Trước các quan điểm nêu trên của các luật sư, bị cáo, khi đối đáp, đại diện VKS nhấn mạnh, các bị cáo nhận hối lộ là người có chức vụ quyền hạn, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền của người đưa hối lộ nhằm tạo điều kiện cấp phép các chuyến bay theo yêu cầu của người đưa tiền.

Hành vi đưa, nhận tiền diễn ra xuyên suốt trong thời gian dài, giai đoạn từ đầu năm 2020 đến tháng 01/2022. Các bị cáo đưa, nhận hối lộ không quen biết nhau, không có mối quan hệ công việc làm ăn hay góp vốn kinh doanh gì với nhau nên không thể có những món quà “cảm ơn” có giá trị rất lớn và bất thường nếu như không làm việc gì đó theo yêu cầu của người đưa tiền.

Theo VKS, việc hứa hẹn giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ là “ngầm định”, mặc định, được xác định là “cơ chế cảm ơn” theo lời khai của các cá nhân đại diện doanh nghiệp và các tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Các bị cáo có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình, biết rõ hành vi đưa - nhận hối lộ là vi phạm pháp luật, bị pháp luật nghiêm cấm nhưng vẫn thực hiện hành vi phạm tội là “cố ý” chứ không phải “vô ý”.

Hành vi của các bị cáo nhận hối lộ đã gián tiếp buộc cho doanh nghiệp đưa hối lộ phải nâng cao giá vé máy bay và các chi phí khác để bù đắp vào việc “bôi trơn”. Người phải chịu thiệt thòi ở đây là những công dân Việt Nam ở nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn và mong muốn được về nước.

fd44114a-4f05-440f-beb6-2afd3ea0f5e8.jpeg
Đại diện VKS trong phần tranh tụng tại phiên tòa

Nhìn nhận về hành vi phạm tội, VKS cho rằng các bị cáo có hành động trục lợi từ chính sách đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước, tạo ra cơ chế “xin - cho”, tạo ra “liên minh lợi ích” để kiếm tiền trong sự khó khăn cùng cực của người dân.

''Đây là một hình thức tham nhũng rất nguy hiểm'', VKS khẳng định. Thậm chí đối với quan điểm bào chữa của luật sư cho bị cáo Phạm Trung Kiên còn bị VKS đánh giá là lệch lạc, vô cảm trước những đau khổ, mất mát to lớn của đồng bào.

VKS nhấn mạnh, hành vi của các bị cáo là phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Cáo trạng đã quy kết là có căn cứ, đúng pháp luật.

Áp dụng nhiều biện pháp điều tra

Từ đầu phiên tòa tới khi HĐXX nghị án, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ Công an) liên tục khẳng định mình bị oan… Bị cáo Hưng bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với khoản tiền 800.000 USD khi 2 bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn (Công ty Blue Sky) nhờ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) tìm người giúp ''chạy án''.

Trong phần đối đáp của mình, VKS nhấn mạnh việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với bị cáo đã được Cơ quan ANĐT và VKS thực hiện hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, đúng các quy định của pháp luật.

VKS dẫn chứng 3 lần ghi lời khai của bị cáo trước khi khởi tố, sau khi bắt tạm giam đã 8 lần hỏi cung, 2 đối chất và trong giai đoạn truy tố phúc cung 2 lần. VKS đã đánh giá trên toàn bộ hệ thống chứng cứ, do việc bị cáo Tuấn đưa tiền cho bị cáo Hưng chỉ có 2 người biết. Trong khi bị cáo Tuấn đã khai nhận, bị cáo Hưng không khai nhận nên đã áp dụng nhiều biện pháp điều tra, qua đó có thể tổng hợp các hành vi khách quan của bị cáo Hưng để xác định ý thức chủ quan của bị cáo.

Theo VKS, bị cáo Sơn, Tuấn, Hưng bị tạm giam ở 3 nơi cách xa, bị cáo Hằng được tại ngoại nhưng lời khai của bị cáo Hằng, Sơn, Tuấn đều phù hợp với nhau, phù hợp với diễn biến điều tra vụ án. Đặc biệt, có những thông tin liên quan đến quá trình điều tra vụ án nếu Hưng không nói thì Tuấn, Hằng, Sơn không thể biết.

Tại phiên tòa, VKS cũng đã công bố dữ liệu camera cho thấy bị cáo Hưng đã nhận chiếc cặp số do bị cáo Tuấn chuyển đến rồi đưa lên xe ô tô đang chờ sẵn.

VKS cho rằng, bị cáo Hưng quanh co, chối tội, có thái độ không phù hợp, xúc phạm CQĐT, VKS, gây áp lực với bị cáo khác… Từ đó, VKS giữ nguyên quan điểm luận tội và đề nghị HĐXX đánh giá toàn diện, xem xét thái độ, mức độ phạm tội và cân nhắc ra một bản án nghiêm minh đúng pháp luật.

Đề nghị giảm nhẹ tội cho một số bị cáo

Sau quá trình tranh tụng tại Tòa, VKS đã chỉnh mức án đối với 1 số bị cáo nhận hối lộ so với đề nghị ban đầu.

Theo đó, đề nghị giảm 1 năm tù so với đề nghị ban đầu với 4 bị cáo. Cụ thể, bị cáo Trần Văn Dự (cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh) bị đề nghị còn 8-9 năm tù, Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) 7-8 năm tù, Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) 3-4 năm tù và Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) 3 - 4 năm tù.

Ngoài ra, VKS đề nghị cho 4 bị cáo Môi giới hối lộ được hưởng án treo. Cụ thể, Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt) 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Phạm Bá Sơn (nhân viên CTCP Xây dựng Thái Hòa) 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Công đoàn đường sắt) 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Trần Quốc Tuấn (cựu Giám đốc CTCP xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam) 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

VKS cũng đề nghị giảm 1 năm cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an TP. Hà Nội) so với đề nghị ban đầu. Bởi theo VKS, sau lời luận tội của VKS, bị cáo đã tác động gia đình khắc phục toàn bộ hậu quả. VKS đề nghị trả lại cho Nguyễn Anh Tuấn số tiền 210.000 USD, 146 cây vàng, đề nghị hủy bỏ phong tỏa tài khoản có số tiền 1 tỷ đồng ở ngân hàng.

Đối với Lê Hồng Sơn (TGĐ Công ty Blue Sky), Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky) phạm tội “Đưa hối lộ”, VKS cho rằng đối với số tiền 800.000 USD là tiền dùng vào việc chạy án nên không có căn cứ để trả lại cho bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng như ý kiến đề nghị của luật sư và các bị cáo khác tại Tòa.

Ân hận muộn màng

Trước khi nghị án, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, nêu hoàn cảnh gia đình và những đóng góp cho xã hội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục phần lớn số tiền nhận hối lộ.

Các bị cáo đều mong HĐXX xem xét khung lượng hình để hưởng mức án nhẹ nhất, sớm trở về với gia đình, có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhiều bị cáo bật khóc gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, người dân và gia đình. Họ cho rằng, những sai phạm mà bản thân gây ra đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của đất nước trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

f262528f-7772-4c6d-b62e-0aaa77100a28.jpeg
Các bị cáo tại phiên xét xử

Bị cáo Nguyễn Quang Linh cho biết đã nhận thức rõ hành vi nên thành khẩn khai báo từ sớm.

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đau đớn, tủi hổ khi đứng trước tòa, gửi lời xin lỗi nhân dân vì sai phạm của mình, mong HĐXX xem xét động cơ, mục đích cũng như bối cảnh đại dịch, cho bị cáo và các thuộc cấp của mình được được hưởng khoan hồng.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao) hối hận: “Phiên tòa này sẽ kết thúc trong một vài tuần nữa. Tuy nhiên, sẽ có một phiên tòa, một Tòa án lương tâm sẽ phán xét bị cáo trong suốt cả cuộc đời. Sẽ phán xét bị cáo tại sao lại làm như vậy để ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, Nhân dân, lòng tin của đồng nghiệp. Tại sao phải làm vậy để đến bây giờ bị cáo cũng như cả gia đình đã mất hết tất cả”.

Còn bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) tiếp tục xin nhận tội trước HĐXX về hành động sai trái của mình, cho biết, “đây sẽ là bản án rất nghiệt ngã cho gia đình và cuộc đời bị cáo. Bị cáo không muốn bị rời khỏi cuộc sống này trong khi mới chỉ hơn 40 tuổi”. Bị cáo Kiên nhiều lần bật khóc, mong HĐXX xem xét đến gia cảnh để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, đây là sai phạm rất nghiêm trọng làm sụp đổ toàn bộ quá trình 29 năm công tác, mất đi toàn bộ nỗ lực của bị cáo. Theo bị cáo Dũng, sau đây, dù Tòa có tuyên án thấp với sai phạm của bị cáo thì từ nay đến hết cuộc đời, là phán xét của lương tâm.

Bị cáo Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) nói, điều bị cáo tiếc nuối nhất là đã nhận quà cảm ơn bằng tiền của doanh nghiệp và thấm thía hành vi vi phạm của mình. “Tôi đã rất thấm thía hành vi phạm tội của mình và ngay từ đầu tôi đã viết bản kiểm điểm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả”, bị cáo Tân nói.

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội) xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an Hà Nội, cán bộ Công an Hà Nội, vì sai lầm của bị cáo làm xấu đi hình ảnh của lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, bị cáo mong HĐXX xem xét đến hoàn cảnh của bị cáo khi bản thân đang bị bệnh hiểm nghèo, cân nhắc cho bị cáo có cơ hội được chăm sóc mẹ già.

Trước đó, trong phần tranh luận, nhiều bị cáo và luật sư bào chữa cũng đưa ra các tình tiết giảm nhẹ để mong HĐXX cân nhắc khi lượng hình. Trong vụ án này, hầu hết các bị cáo đều có ý thức khắc phục một phần hoặc toàn bộ số tiền sai phạm.

Mạnh Hùng