Tin xét xử

Xét xử vụ "chuyến bay giải cứu": Cựu học trò bào chữa cho thầy

Mạnh Hùng 18/07/2023 17:23

Bào chữa cho thân chủ của mình là cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến cho biết, ông từng là học trò của bị cáo Dũng.

f341d329-3af0-401b-a788-8b3c4d1234d1-1-.jpeg
Các bị cáo tại phiên toà

Trong phần tự bào chữa trước HĐXX chiều ngày 18/7, bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội xin được trình bày 2 vấn đề: Cách ly và nhận tiền.

Bị cáo Dũng nói, bản thân có hơn 25 năm công tác, khi nhận nhiệm vụ tại UBND TP bị cáo phụ trách khối văn, xã; sau đó phụ trách công tác phòng, chống dịch của Hà Nội.

Theo bị cáo Dũng, công tác phòng, chống dịch là công việc khó, chưa có tiền lệ, không chỉ khó cho người trong ngành y, chuyên gia, mà đối với bị cáo là người “ngoại đạo” lại càng vô cùng khó. Nhưng bị cáo mới nhận nhiệm vụ, đã tập trung trí tuệ, công sức để làm tốt công việc. Trong đó, làm tốt công tác cách ly. Bị cáo ý thức được việc này, nếu làm tốt sẽ cách ly được nguồn bệnh.

“Quy mô của Thủ đô, với nhiều cơ quan ngoại giao, áp lực rất lớn, không thể để xảy ra sai sót; có những quyết định khi xong thì thấy đơn giản, nhưng cũng có quyết định khi xong nhìn đi nhìn lại chỉ có mấy anh em. Nếu quyết định mà chỉ nghĩ tới bản thân mình thì không làm được”, bị cáo Dũng trình bày.

“Bị cáo xác định mình là người có tội, đứng ở đây thực sự là đau đớn. Trong quá trình chống dịch, bản thân bị cáo đã góp phần nhỏ bé, nhưng hôm nay đứng ở đây đã trở thành tội đồ của thành phố, tội đồ trong phòng, chống dịch. Bị cáo mong HĐXX, các cơ quan tố tụng mở rộng khoan hồng, giúp cho bị cáo sớm trở lại với xã hội, giảm gánh nặng cho gia đình”, bị cáo Chử Xuân Dũng đau xót nói.

Cũng trong phần tranh luận, luật sư của bị cáo Chử Xuân Dũng đã đưa ra các căn cứ, luận cứ bào chữa cho thân chủ, đồng thời đề nghị HĐXX xem xét hành vi và bối cảnh thời điểm đó để giảm nhẹ hình phạt dưới mức đề nghị của đại diện VKS trước đó.

Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh (bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng) cho biết, hoàn toàn đồng thuận với quan điểm luận tội của đại diện VKS, nhưng luật sư mong Tòa xem xét về bối cảnh phạm tội của bị cáo Dũng, đề nghị xem xét thêm mức độ hành vi, bởi theo luật sư, bị cáo Dũng không làm trái quy định và chủ trương yêu cầu cách ly.

37a87c02-2e1d-4843-a679-03b4f0cfd02c.jpeg
Luật sư Trịnh Văn Tuyến bào chữa cho thân chủ cũng là thầy giáo cũ của mình

Cũng là người bào chữa cho bị cáo Chử Xuân Dũng, luật sư Trịnh Văn Tuyến (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, việc nhận tiền của bị cáo Dũng là thụ động “đưa bao nhiêu, biết bấy nhiêu”.

Theo luật sư Tuyến, thân chủ của mình không hề có sự thỏa thuận, yêu cầu hay gây khó dễ để doanh nghiệp phải chung chi tiền bạc trong việc ký ban hành văn bản chấp thuận chủ trương cho công dân về nước cách ly tại Hà Nội.

Việc đưa và nhận tiền giữa các bị cáo liên quan với bị cáo Dũng hoàn toàn chỉ chỉ mang tính “được chăng hay chớ”. Luật sư Tuyến cho rằng, tại phiên tòa sáng 14/7, khi trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho Trần Minh Tuấn, bị cáo Dũng đã khái quát hành vi phạm tội của mình rằng: “Nếu không phải là người quen gửi quà cảm ơn thì chắc chắn tôi đã không phải đứng trước phiên tòa này”.

Luật sư Tuyến cho rằng, điều đó càng cho thấy, mặc dù bị cáo Dũng nhận thức được việc nhận tiền cảm ơn là sai trái nhưng lại không nhận thức được một cách đầy đủ, đúng đắn cũng như tính chất nghiêm trọng của hành vi nhận tiền liên quan đến việc duyệt chủ trương cách ly.

Kết thúc phần bào chữa, luật sư Trịnh Văn Tuyến chia sẻ, ông là một trong những học trò đầu tiên, “đầu tay” của bị cáo Chử Xuân Dũng.

Năm 1994, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội, bị cáo Dũng được phân công về Trường THPT Sóc Sơn công tác, giảng dạy. Tại đây, bị cáo Dũng chính là người tiên phong đưa “ánh sáng” tin học, công nghệ thông tin về cho học trò ở một vùng quê nghèo ngoại thành Hà Nội.

b22bc8df-6689-4427-9953-d2fb5c4bf286.jpeg
Các luật sư tham gia bào chữa 

Kể từ thời điểm đó cho đến trước khi vụ án xảy ra (trong 26 năm giảng dạy và làm quản lý về giáo dục), bị cáo Dũng đã góp phần dạy dỗ, đào tạo ra lớp lớp thế hệ học trò ở Thủ đô. Trong số ấy, không ít người hiện là sĩ quan Công an, sĩ quan Quân đội, giảng viên đại học, bác sĩ, kỹ sư, cán bộ công chức Nhà nước và doanh nhân…

“Với riêng cá nhân tôi, khi tham gia vụ án này, ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc, làm việc với ông Dũng tại Trại tạm giam B14 đã nhận được một câu nói rất đau lòng và bày tỏ sự xấu hổ khi gặp lại học trò”, luật sư Tuyến nói và cho hay, đây có thể là “bản án” nữa vô cùng hà khắc đối với bị cáo Dũng.

Từ đó, luật sư Tuyến đề nghị HĐXX xem xét kỹ lưỡng, thấu đáo và khách quan hơn nữa, toàn diện hơn nữa về hành vi phạm tội của bị cáo Chử Xuân Dũng.

Trước đó, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Chử Xuân Dũng mức án từ 4 - 5 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Bản luận tội của VKS nêu rõ: Bị cáo Chử Xuân Dũng, trong quá trình duyệt, ký chủ trương cho doanh nghiệp được đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước cách ly trên địa bàn TP. Hà Nội, Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng.

Lời khai nhận tội của bị cáo Chử Xuân Dũng phù hợp với lời khai của các bị cáo Lê Thị Ngọc Anh, Trần Minh Tuấn, Phạm Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Hiền, Phạm Bá Sơn phù hợp với lời khai của ông Lê Hải An, Đặng Đình Tuyến, Đinh Quốc Hùng phù hợp với công văn của UBND TP. Hà Nội, sổ nhật ký ra vào cổng UBND TP. Hà Nội, trích xuất dữ liệu điện tử và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án.

Do vậy, có đủ căn kết luận: Từ ngày 16/6/2021 - tháng 10/2021, Chử Xuân Dũng đã nhận hối lộ 7 lần, tổng số hơn 2 tỷ đồng (800 triệu đồng và 54.000 USD) của Lê Thị Ngọc Anh và Trần Minh Tuấn.

Mạnh Hùng