Cựu Chủ tịch Vijasun khai bị yêu cầu nộp tiền khi xin cấp phép chuyến bay
Gần cuối giờ chiều nay (11/7), phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” đã khép lại phần công bố cáo trạng của đại diện VKS, HĐXX tiến hành xét hỏi với các bị cáo.
Tại phiên tòa chiều nay, HĐXX đã tập trung làm rõ hành vi “Đưa hối lộ”.
Là người đầu tiên khai báo, bị cáo Đào Minh Dương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun) cho biết, bị cáo đã nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay tại Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao.
“Trong quá trình làm thủ tục, bị cáo không liên hệ với cá nhân nào để xin được cấp phép. Tuy nhiên, bị cáo bị ép đưa tiền”, bị cáo Dương nói .
Theo lời khai của cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Vijasun, trước đây, công ty bị từ chối cấp phép chuyến bay rất nhiều lần. Bên Cục Lãnh sự chỉ cấp phép sát ngày tổ chức chuyến bay đúng 1 ngày, bị cáo bị đưa vào tình thế khó khăn.
Sau khi bị gây khó khăn, bị cáo Dương khai xin gặp Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) để nói chuyện. Tại cuộc gặp, bị cáo "bị quát" và yêu cầu phải nộp 150 triệu đồng/chuyến. Tổng cộng, bị cáo đã đưa cho Kiên 1,1 tỉ đồng.
Trong vụ án này, VKS truy tố bị cáo Đào Minh Dương tội “Đưa hối lộ”. Tại Tòa, bị cáo Dương xin nhận tội và đã nộp lại 1 tỉ đồng. Theo bị cáo Dương, số tiền này là của bị cáo Kiên đã chuyển trả cho Công ty.
Cũng giống như bị cáo Dương, bị cáo Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Sao Hà Nội) bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”.
Theo đó, cáo trạng xác định, qua các mối quan hệ cá nhân, Mai đã liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ cho 7 cá nhân có thẩm quyền và được cấp phép 15 chuyến bay cho Công ty Sao Hà Nội và 2 Công ty Việt Phát, Việt Nhật (do Mai mượn pháp nhân).
Khai trước Tòa, bị cáo Mai cho biết đã liên hệ với bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế)…
Theo lời khai của bị cáo Mai, theo quy trình, bị cáo nộp hồ sơ đầu tiên bên Cục Lãnh sự. Sau khi được bên đó cấp phép, bị cáo nhận được thông tin của bên Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nhắn là không thấy doanh nghiệp liên hệ.
Sau đó, bị cáo được người bên Cục Lãnh sự cho số của Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh) để lên gặp Tuấn, và được Tuấn nói rằng các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay phải có "chi phí cảm ơn".
Ngoài ra, lời khai của bị cáo Mai còn thể hiện việc bị cáo này đưa cho Phạm Trung Kiên 600 triệu đồng theo yêu cầu của Kiên, với mục đích để "xét duyệt" chuyến bay.
Liên quan đến số tiền 25.000 USD đưa cho bị cáo Tô Anh Dũng, theo bị cáo Mai, thấy hồ sơ chưa được cấp phép, trong khi số lao động ở nước ngoài nhiều nên tìm cách liên hệ với Cục Lãnh sự tạo điều kiện và có xin gặp bị cáo Dũng để gửi tiền "cảm ơn".
Trái với lời khai của 2 bị cáo trên, bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G19) khai rằng, trong quá trình xin cấp phép chuyến bay, bị cáo có liên lạc với Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh - Bộ Công an. Bên Cục Lãnh sự, bị cáo gặp Đỗ Hoàng Tùng, bên Bộ Y tế có gặp Phạm Trung Kiên, ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh gặp Vũ Anh Tuấn.
Bị cáo Hạnh cho rằng, bản thân và doanh nghiệp của mình không bị ai làm khó, tất cả đều giúp đỡ và ủng hộ. Ngoài ra, họ đều từ chối quà mà bị cáo đưa. Theo lời khai của bị cáo Hạnh tại Tòa, bị cáo đã liên lạc với Nguyễn Thị Hương Lan và Đỗ Hoàng Tùng với mong muốn "đưa quà" nhưng đều bị từ chối.
Liên quan đến việc đưa 400 triệu đồng cho bị cáo Tô Anh Dũng, bị cáo Hạnh cho biết chỉ là để “cảm ơn, thực sự là tình cảm, hoàn toàn tự nguyện” nhưng "họ đều từ chối và nói không cần phải gửi quà".
Trong vụ án này, bị cáo Hạnh khai đã đưa cho Phạm Trung Kiên 1,2 tỉ đồng, đưa cho Vũ Anh Tuấn 1,4 tỉ đồng. Tại Tòa, bị cáo Hạnh cũng xác nhận đã được Kiên trả lại 400 triệu đồng và bị cáo đã nộp lại để khắc phục hậu quả.
Cuối lời khai, bị cáo Hạnh cho biết đến thời điểm này, bản thân đã nhận thức đó là hành vi hối lộ, nhưng thời điểm thực hiện, bị cáo chỉ nghĩ đó là quà cảm ơn, vì mọi người làm việc quá vất vả.
8h sáng ngày mai (12/7), phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc.