Cảnh báo nguy cơ dịch HIV quay trở lại vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo nguy cơ dịch HIV quay trở lại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Hội nghị trực tuyến với 14 địa phương trong vùng, diễn ra chiều 28/6.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cảnh báo nguy cơ dịch HIV quay trở lại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Hội nghị trực tuyến với 14 địa phương trong vùng, diễn ra chiều 28/6.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù trong nhiều năm qua, tình hình HIV/AIDS tại khu vực ĐBSCL đã được khống chế nhưng trong 3 năm gần đây, tình hình lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang gia tăng nhanh và số ca phát hiện ở khu vực này chiếm 30% tổng số ca phát hiện trên cả nước.
Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh trong khu vực quan tâm, đầu tư kịp thời để ngăn chặn sự gia tăng của dịch HIV/AIDS. Về chuyên môn kỹ thuật, Bộ Y tế sẽ cố gắng tối đa huy động nguồn lực quốc tế và cử các đoàn chuyên gia hỗ trợ tập huấn cho các tỉnh, nhưng các địa phương phải chủ động nguồn nhân lực và tài chính.
Đối với công tác điều trị Methadone và xác định tình trạng nghiện ma túy, do tình hình các chất ma túy ngày càng đa dạng, nhiều loại ma túy mới thẩm lậu vào Việt Nam, nên việc xác định tình trạng nghiện ngày càng khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá cao các tỉnh ĐBSCL có trên 70% số xã có khả năng xác định được tình trạng nghiện tại trạm y tế xã, trong đó có 4 địa phương đã đạt được 90% số xã bảo đảm xác định được tình trạng nghiện.
Khu vực ĐBSCL mới chỉ điều trị Methadone cho 2.620 người nghiện tại 30 cơ sở điều trị, chiếm 5% số người đang điều trị Methadone trên toàn quốc (51.000 người).
Một trong những khó khăn của khu vực ĐBSCL hiện nay là người điều trị Methadone phải đến cơ sở y tế uống thuốc hằng ngày, dễ dẫn đến bỏ điều trị hoặc tái điều trị nhiều lần, đồng thời tạo gánh nặng cho các cơ sở y tế.
Chế độ chính sách hỗ trợ ngoài lương cho nhân viên y tế tham gia cung cấp dịch vụ điều trị Methadone còn hạn chế hoặc không có nên có xu hướng xin thôi việc, ảnh hưởng đến công tác duy trì hoạt động điều trị Methadone.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương bảo đảm nguồn ngân sách cho hoạt động y tế dự phòng-điều kiện cần để thực hiện tốt hoạt động phòng chống dịch ở mỗi địa phương.
Các địa phương cần phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế để mở rộng việc điều trị Methadone, mở rộng danh sách các cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện nếu nhu cầu cao hơn khả năng đáp ứng của địa phương.
Cần có kế hoạch tầm soát HIV
Phát biểu tại hội nghị sau khi đi khảo sát thực tế tại các cơ sở điều trị HIV/AIDS và ma túy tại Cần Thơ và Hậu Giang và nghe báo cáo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói ông rất lo lắng khi tỉ lệ nhiễm HIV tại ĐBSCL chiếm đến 30% cả nước, chủ yếu tập trung ở giới trẻ.
Trong chuyến khảo sát tại Trung tâm Y tế quận Cái Răng, TP. Cần Thơ sáng 28/6, ông đã tận mắt chứng kiến một bạn còn rất trẻ đến điều trị HIV. Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có kế hoạch tầm soát HIV để bảo vệ người nhiễm HIV, hạn chế nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng.
Về cai nghiện ma túy, Phó Thủ tướng cho rằng con số nghiện thực tế có thể cao hơn 200.000 người đã thống kê được như hiện nay, do sự xuất hiện của nhiều loại ma túy mới, vì thế Bộ Y tế cần tích cực tìm hiểu, học tập, chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế để nâng cao năng lực xác định tình trạng nghiện.
Việc xác định được tình trạng của người nghiện để đưa vào các cơ sở cai nghiện có ý nghĩa rất quan trọng, trong bối cảnh tỉ lệ người sử dụng các loại ma túy tổng hợp tăng nhanh, khiến người sử dụng bị "loạn thần" và "ngáo đá", dễ gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn, với nhiều vụ trọng án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân.
Phó Thủ tướng gợi ý Bộ Y tế ban hành quy định làm cơ sở cho các địa phương điều chuyển có thời hạn một số nhân viên y tế về làm việc tại các cơ sở cai nghiện theo hướng phân quyền cho địa phương trong việc xác định mức độ phụ cấp và thời gian điều chuyển phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Gợi ý nêu trên được Phó Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh các cơ sở cai nghiện đang đối mặt với tình trạng thiếu cán bộ y tế, vì thế cần có sự phối hợp, hợp tác chia sẻ giữa các cơ sở cai nghiện ma túy và các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn để tận dụng và phát huy tối đa hiệu quả thiết bị, nhân lực y tế sẵn có.
Đối với 3 địa phương, gồm Hậu Giang, Kon Tum và Đắk Nông chưa có cơ sở cai nghiện, Phó Thủ tướng nhấn mạnh các địa phương này phải chủ động chuẩn bị quỹ đất, chuẩn bị dự án để khi tìm được nguồn đầu tư có thể bắt tay vào triển khai xây dựng cơ sở cai nghiện ngay nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận, điều trị người nghiện. Tỉnh Hậu Giang có nguyện vọng muốn gửi 300 người nghiện vào cai nghiện tại cơ sở cai nghiện của TP. Cần Thơ nhưng không thực hiện được do cơ sở không đủ năng lực tiếp nhận.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý các địa phương ĐBSCL quan tâm bố trí quỹ đất gần các cơ sở cai nghiện để đào tạo, hướng dẫn người cai nghiện làm kinh tế nông nghiệp.
Qua thống kê, số người sử dụng trái phép chất ma túy trên cả nước là 50.962 người, giảm 15.325 người so với năm 2021; có 15.455 người bị quản lý sau cai nghiện, tập trung ở các thành phố lớn và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung.
Hiện cả nước có 110 cơ sở cai nghiện may túy, trong đó có 97 cơ sở cai nghiện công lập, hầu hết đều trong tình trạng quá tải và xuống cấp trầm trọng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu.