Điên cuồng khủng bố ngăn chặn Tiếng Chuông Rè
Trên số báo đầu tiên, Tiếng Chuông Rè đã tấn công vào chính sách cai trị ngu dân với bài “Tiếng chuông đầu”. Càng về sau, mức độ phê phán và đả kích chế độ thực dân Pháp càng quyết liệt. Chính lẽ đó, mật thám Pháp đã rình rập, hăm dọa, đàn áp, người bán, người đọc, người giúp in tới người sáng lập.
Theo hồi ký của cụ Nguyễn Thị Minh, năm 1922 khi đang học ở Pháp, cha bà đã toan tính ra tờ báo bằng chữ Quốc ngữ tại Nam Kỳ, nhưng điều này là không thể dưới chế độ thuộc địa thời đó. Trong quyển sách “Nước Pháp ở Đông Dương” do Nguyễn An Ninh viết năm 1924, ông kết luận, muốn ra tờ báo Quốc ngữ thì phải có các điều kiện: Được phép của Toàn quyền Pháp; Nội dung phải được kiểm duyệt tuyệt đối; Cấm nói về chính trị... Trong khi ra báo bằng chữ Pháp chỉ cần một người Pháp làm quản lý và có nhà in bảo lãnh.
Trong bối cảnh như vậy, Nguyễn An Ninh quyết định chọn phương án, nhờ bạn bè người Pháp đứng tên giùm tờ báo tiếng Pháp. Qua mối quan hệ, Nguyễn An Ninh nhờ Eugìne Dejeans De La Bâtie, một người Pháp làm công chức tại Hà Nội bất mãn nên bỏ và vào Sài Gòn sinh sống đứng tên giùm tờ báo. Đồng thời ông cũng chọn chủ nhà in là ông Louis Minh, người cảm mến Nguyễn An Ninh qua những buổi diễn thuyết, nên giúp đỡ hết sức để tờ báo được phát hành.
Sau thời gian chuẩn bị, ngày 10/12/1923, tờ báo tiếng Pháp mang tên La Cloche Fêleé in số đầu tiên, dịch nghĩa là Tiếng Chuông Rè. Với 2 trang khổ lớn, về nội dung, hình thức được đánh giá là “vừa lòng nhà chức trách” Pháp. Bên dưới măng-sét có ghi “cơ quan tuyên truyền những tư tưởng Pháp”. Bên phải trang bìa có trích lời Toàn quyền Albert Sarraut (1872-1962, người hai lần làm Thủ tướng Pháp) nói: “Một nước lớn như nước Pháp của chúng ta, dù đi đến đâu hay hành động trong trường hợp nào đi nữa cũng phải nói cho mọi người và cho riêng mình biết là luôn luôn trung thành với mình. Nước Pháp phải nhìn chính sách thuộc địa của mình như con người muốn soi thẳng vào gương để tự vấn lương tâm”. Địa chỉ đặt mua báo Tiếng Chuông Rè tại số 2 đường Pierre Flandin (Sài Gòn).
Cụ Nguyễn Thị Minh viết: “Về nội dung, số 1 và số 2 một mình ba tôi viết ký tên Cloche Fêlée, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tịnh, NT, Đố Biết…. Số 3 có thêm Dejeans (người đứng hộ quản lý), số 4 có thêm Trung Kỳ và ba tôi thêm biệt hiệu Óctave Fêlé. Nếu còn trống ba tôi trích báo bên Pháp gửi cho để đăng. Sau này còn thêm tin vặt, quảng cáo. Về sau một số giáo sư Pháp có chính kiến tiến bộ viết gửi bài cho La Cloche Fêleé”.
Trên số báo đầu tiên, Tiếng Chuông Rè đã tấn công vào chính sách cai trị ngu dân với bài “Tiếng chuông đầu”. Càng về sau, mức độ phê phán và đả kích chế độ thực dân Pháp càng quyết liệt. Chính lẽ đó, mật thám Pháp đã rình rập, hăm dọa, đàn áp, người bán, người đọc, người giúp in tới người sáng lập. Chưa có tờ nào chịu nhiều khổ ải như báo của Nguyễn An Ninh, chính vì vậy mà tờ báo đón nhận nhiều tình cảm mến mộ sâu đậm của đồng bào, bạn bè trong và ngoài nước.
Theo số liệu từ hồi ký của bà Minh, số báo đầu in 300 tờ, các số sau tăng liên tục lên 400, 500, 600 lên 1000, 2000 tờ đều bán sạch. Các quầy báo ở đường Mạc Đỉnh Chi, Bonnard, Chợ Cũ, Bồn Binh, không có quầy nào ế. Sức chiến đấu trên mặt báo càng quyết liệt thì Tiếng Chuông Rè và Nguyễn An Ninh càng trở thành cái gai trong mắt của chính quyền thuộc địa. Số báo thứ 5 in lại bài “Lý tưởng thanh niên An Nam”, một bài mà Thống đốc Pháp đã từng cảnh cáo, ngay lập tức chính quyền ra lệnh cấm các sạp báo bán.
Chủ nhà in bị chính quyền thực dân mời lên làm việc và dọa đóng cửa. Nhà in không nghe, tiếp tục in bài “Địa ngục Bolchévik” mà thực chất giới thiệu về Lenin và cách mạng Nga. Nhà in bị chính thức niêm phong, Nguyễn An Ninh phải sang nhà in khác, in đến số 9 thì nhà in bị chính quyền thực dân lệnh đóng cửa. Phải nói ít ai có sự nhiệt huyết, sống vì lý tưởng, đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu như Nguyễn An Ninh. Khi chính quyền thực dân Pháp dùng mọi biện pháp ngăn chặn báo phát hành, Nguyễn An Ninh trực tiếp cầm báo đi bán ở các ngả đường Sài Gòn, mục đích để làm sao phổ biến nhiều nhất tư tưởng trong tờ báo đến quần chúng.
Theo hồi ký của cụ Nguyễn Thị Minh, tờ báo phát hành tới số thứ 9 thì mật thám Pháp khủng bố chủ tiệm in, niêm phong nhà in, báo tạm ngưng. Nguyễn An Ninh nhờ cha và người thân góp tiền mua máy in, nhờ luôn ông Ba Ký (anh bạn dì ruột) cho đặt máy in tại nhà số 29 Pierre Flandin (đường bà Huyện Thanh Quan bây giờ). Biết ông Ba Ký là con bà Đốc Phủ nên mật thám Pháp cũng dè dặt.
Báo in lại sau 5 tuần gián đoạn, lần này để không liên lụy, chính Nguyễn An Ninh đã thực hiện tất cả các công đoạn làm báo, kể cả sửa morat, sắp chữ. Số 10 báo Tiếng Chuông Rè tiếp tục in, Nguyễn An Ninh phân trần lý do báo tạm ngưng: “Đồng bào thừa hiểu chúng tôi hy sinh tất cả vì sinh mạng tờ báo. Sự hi sinh của con người có giới hạn, chúng tôi cần sự giúp đỡ của đồng bào. Hãy góp phần ủng hộ bằng cách đặt mua báo dài hạn”.
Nhà in đặt tại nhà ông Ba Ký biết là con ông Đốc Phủ không thể can thiệp thô bạo, mật thám lại dở trò bằng cách làm tố cáo nặc danh, phát tờ rơi lấy cớ người dân xung quanh tố nhà in hoạt động ồn ào, gây mất trật tự xóm làng. Báo in đến số 14 thì phải tạm ngưng 3 tuần, Nguyễn An Ninh và người quản lý giùm là Eugìne Dejeans De La Bâtie phải hầu quan để làm rõ nội dung khiếu nại.
Để ngăn chặn Tiếng Chuông Rè, Thống đốc Nam Kỳ ban hành lệnh: Các công sở, trường học, quân lính, ai đọc báo Tiếng Chuông Rè, công chức thì đuổi việc, học sinh thì đuổi học, binh lính thì đi xa.
Nguyễn An Ninh cho báo in lại từ số 15 đến số 18, đăng các nguồn bài từ Pháp gửi về, trong đó có báo La Paria, người đứng hộ báo Dejeans lại phải ra trình diện hầu kiện. Ngày 14/7/1924, Nguyễn An Ninh tiếp tục cho in báo số 19, nhưng đây là số báo cuối để tạm dừng trước sự khủng bố gắt gao của thực dân. Trong bài “Tiếng chuông cuối cùng”, Nguyễn An Ninh nói: “Đồng bào có thể tin chắc rằng, tôi sẽ hoạt động bằng những phương cách khác có hiệu quả hơn cho việc mưu cầu lợi ích Tổ quốc tôi”.
Tiếng Chuông Rè của Nguyễn An Ninh buộc phải tạm ngưng để giải quyết theo tờ rơi tố cáo nặc danh vì nhà in làm ồn ào.
Kỳ tới: Tập hợp giới trí thức xây ngọn cờ báo chí đấu tranh.