Nội chính

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực: Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

PV 19/06/2023 14:28

Sáng 19/6, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

z4444360365528cca0ae1452df2d0dc4a8a2c5e84bea84-1687146899797430400061.jpg
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6

Thực hiện đồng bộ 4 mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng

Theo ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), để thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, đòi hỏi các Ban Chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh phải tích cực phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế; tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC và các kết luận của BCĐ Trung ương và của Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây.

Chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, nhất là những quan điểm, chủ trương, quy định của Đảng về công tác này. Tiếp tục chỉ đạo phổ biến, tuyên truyền nội dung, giá trị cốt lõi của tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư, Trưởng BCĐ Trung ương Nguyễn Phú Trọng; tạo sự thống nhất cao trong nội bộ và nhân dân về nhiệm vụ phải tiếp tục đẩy mạnh PCTNTC; biến những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC nêu trong Tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư thành hành động cụ thể, đem lại kết quả rõ ràng hơn, thiết thực hơn trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực tại các địa phương.

Cần tiến hành đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp PCTNTC, cả phòng ngừa, cả phát hiện, xử lý; thực hiện đồng bộ 4 mục tiêu "không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng. Đặc biệt chú trọng giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính chất khép kín, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm trên địa bàn.

Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự các hành vi tham nhũng, tiêu cực

BCĐ Trung ương nhấn mạnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, nhất là các vụ án, vụ việc BCĐ cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo và BCĐ Trung ương giao cho các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.

z4444360443434dc5ee1e6d7e63d3baca1ef1bc1a0ae27-16871469203691723156443.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị

Thường xuyên rà soát để đưa vào diện BCĐ cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; đồng thời chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới.

Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc "Tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó; không có vùng cấm; đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử; xử lý nghiêm minh nhưng phải nhân văn; có quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể khi xem xét xử lý sai phạm; v.v..". Chỉ đạo nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Chỉ đạo, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTNTC. Tập trung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Tăng cường phối hợp, kịp thời công khai, cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về PCTNTC. Chú trọng thông tin, tuyên truyền đầy đủ về quan điểm, chủ trương PCTNTC của Đảng và Nhà nước; gương người tốt, việc tốt; đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người tố cáo tham nhũng, những người làm báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

"Khẩn trương tham mưu cấp ủy có giải pháp chỉ đạo nhằm khắc phục nhanh chóng tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm", ông Võ Văn Dũng nhấn mạnh.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện Quy chế làm việc; xây dựng, ban hành các quy trình, quy định nghiệp vụ, bảo đảm hoạt động của BCĐ thực sự khoa học, nề nếp, hiệu quả; các thành viên BCĐ phải trong sạch, gương mẫu, có bản lĩnh, có dũng khí chống tham nhũng, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai, thực sự công tâm, khách quan. Quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy để nâng cao năng lực, hiệu quả tham mưu, phục vụ hoạt động BCĐ.

PV