Y tế

Đắk Lắk: Nâng cao ý thức phòng bệnh Whitmore và các bệnh truyền nhiễm

N.M 18/06/2023 13:46

Vừa qua trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong vì bệnh Whitmore.

Cụ thể, bệnh nhi V.T.Y.N (SN 2021, ở xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) được gia đình mua kem cho ăn. Sau khi ăn, bé có biểu hiện sốt kèm tiêu chảy nên người thân cứ nghĩ do bé ăn kem, vài ngày sẽ hết nên không đưa đi khám, điều trị. Tuy nhiên, sau đó bé chuyển nặng, gia đình đưa bé nhập viện khám và điều trị được ít ngày thì bé tử vong.

Theo lời mẹ bệnh nhi N, khi nghe bác sĩ nói con tử vong vì mắc bệnh Whitmore thì cũng không ai biết đây là bệnh gì. “Cán bộ y tế có giải thích rằng bệnh do một loại vi khuẩn gây ra, nếu không giữ vệ sinh, tắm rửa, ăn uống ở nguồn nước bẩn thì dễ mắc bệnh”, mẹ bé N cho biết.

Sau khi bệnh nhi tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk (CDC Đắk Lắk) phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Ea Súp đã nhanh chóng tổ chức điều tra, phân tích dịch tễ, phân tích nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore cũng như các bệnh truyền nhiễm khác cho người dân.

0112_20230616200756-1-.jpg
Đoàn kiểm tra của CDC kiểm tra nguồn nước sinh hoạt nơi có bệnh nhân tử vong vì bệnh Whitmore. Ảnh: Báo Đắk Lắk

Qua kiểm tra, giám sát, đoàn công tác của CDC Đắk Lắk nhận định môi trường sống của người dân tại nơi mắc bệnh Withmore sinh hoạt bằng nguồn nước giếng đào; xung quanh nhà có các mương nước và nhiều vũng nước đọng gây mất vệ sinh. Theo bác sĩ Trần Kim Long, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm (CDC Đắk Lắk), qua kiểm tra tại nơi có trường hợp bệnh nhi tử vong cho thấy nguồn nước người dân sử dụng chưa đảm bảo vệ sinh, nhận thức của người dân về công tác phòng, chống bệnh Whitmore nói riêng và các bệnh truyền nhiễm nói chung chưa cao.

Đoàn kiểm tra của CDC Đắk Lắk kiểm tra nguồn nước sinh hoạt nơi có bệnh nhân tử vong vì bệnh Whitmore.

Theo thống kê của CDC Đắk Lắk, năm 2022, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore tại các huyện Krông Pắc, Cư Kuin và Ea Súp. Từ đầu năm 2023 đến ngày 06/6, ghi nhận một trường hợp mắc bệnh tại huyện Ea Súp và cũng là trường hợp tử vong.

Trước diễn biến của bệnh, CDC Đắk Lắk đã kịp thời chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp nhằm chủ động phòng, chống hiệu quả bệnh Whitmore, hạn chế thấp nhất tử vong xảy ra.

Theo đó, các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh Whitmore tại cơ sở y tế và tại cộng đồng, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và các đối tượng nguy cơ cao để phát hiện sớm các trường hợp mắc và xử lý điều trị, nhất là tại địa phương đã có ca bệnh Whitmore. Đồng thời yêu cầu các địa phương khi phát hiện có ca mắc hoặc nghi mắc bệnh Whitmore phải thông báo ngay cho CDC, tổ chức điều tra, phân tích về dịch tễ, phân tích nguy cơ và triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore.

Các trung tâm y tế cần chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, trang thiết bị, tổ chức thu dung, cấp cứu bệnh nhân, điều trị tích cực để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh Whitmore; đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ mắc và các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Whitmore là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh do vi khuẩn B. pseudomallei gây nên; đây là loại vi khuẩn sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da có vết thương hở khi tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn.

Đến nay, chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch…

Để phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng.

Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Khi cơ thể có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng, cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm.

Những người có bệnh mãn tính như: tiểu đường, suy giảm miễn dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

N.M