12 bị cáo trong đường dây làm giả giấy phép lái xe lĩnh án
Chiều 9/6, TAND TP. Hà Nội xử phạt 12 bị cáo trong đường dây làm giả giấy phép lái xe, về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341, khoản 3, Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo gồm: Lưu Công Mạnh (sinh năm 1993) lĩnh 6 năm tù, Lưu Công Long (sinh năm 1991) lĩnh án 5 năm 6 tháng tù, Đỗ Văn Chính (sinh năm 1993) mức án 5 năm tù đều ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội; Hoàng Văn Phượng (sinh năm 1996) lĩnh 4 năm tù, Phạm Huỳnh Đức (sinh năm 1998) 4 năm tù, Lưu Thành Phúc (sinh năm 1994) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, các bị cáo đều ở huyện Giao Thủy, Nam Định; Hoàng Thị Duyên (sinh năm 2000, ở Lào Cai) 3 năm tù; Đặng Thị Mây (ở huyện Chương Mỹ) và Đỗ Mạnh Thư (sinh năm 2000, ở Nam Định) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Xuân Đức (sinh năm 1991, ở Nam Định) 3 năm tù, Đặng Thị Thiên (sinh năm 2000, ở Hòa Bình) 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Văn Hiền (sinh năm 1994, ở Nam Định) 3 năm tù.
Các bị cáo bị kết án về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341, khoản 3, Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 5/2021, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an phát hiện ổ nhóm do Mạnh và Long cầm đầu đường dây hoạt động sản xuất và mua bán giấy tờ, tài liệu giả với số lượng lớn xảy ra tại nhiều địa bàn các tỉnh, thành trên cả nước.
Quá trình điều tra xác định, năm 2018, khi ở TP.HCM, Mạnh được đối tượng tên Tuấn thuê sản xuất giấy phép lái xe ô tô, mô tô giả. Sau một thời gian nghỉ việc, Mạnh nảy sinh ý định tự sản xuất giấy phép lái xe giả kiếm lời.
Mạnh lên mạng internet đặt mua các loại máy móc, thiết bị. Mạnh cũng quảng cáo và chào bán bằng lái xe giả trên mạng Facebook để tìm kiếm khách hàng. Bị cáo rao bán bằng lái xe giấy phép hạng A1 là 1,1 triệu đồng; hạng A2 là 1,3 triệu đồng; hạng B1, B2 từ 2 - 2,5 triệu đồng hạng C,D,E từ 3-4 triệu đồng. Khách hàng liên hệ với Mạnh qua tài khoản zalo tên “Minh Tiến”.
Quá trình thực hiện, Mạnh thuê Chính làm công với mức lương 40 triệu đồng/tháng. Chính thiết kế, chỉnh sửa thông tin mặt trước các loại giấy phép lái xe và in ra thành phôi để Mạnh in mặt sau của giấy phép lái xe. Ngoài ra, Mạnh còn hướng dẫn Chính làm, in các loại chứng chỉ giả, các biên bản sát hạch, đơn xin sát hạch bằng máy in màu.
Các bị cáo sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh (giao hàng và thu tiền hộ) để giao hàng cho khách.
14h30 ngày 4/10/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội tiến hành kiểm tra hành chính tại khu vực ngõ 89 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, phát hiện Mạnh đang giao 384 giấy tờ giả gồm: 96 giấy phép lái xe giả và 288 giấy tờ giả (chứng chỉ sơ cấp, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch lái xe ô tô, mô tô, giấy khám sức khỏe người lái xe…).
Khám xét khẩn cấp nơi ở của Mạnh tại phòng 501 số 6 ngõ 89 đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã phát hiện và thu giữ: 3 máy in màu, 3 thùng máy tính, 1 laptop, 2 máy in thẻ nhựa, 672 bộ giấy tờ giả là giấy phép lái xe các loại cùng nhiều phôi thẻ, phôi giấy, mực in màu chưa sử dụng (có biên bản thu giữ kèm theo).
CQĐT đã làm rõ, từ tháng 02/2021, nhóm Mạnh làm giả 1.056 giấy phép lái xe giả các loại và giấy tờ, tài liệu giả khác, thu lời 400 triệu đồng. Hiện Mạnh mới nộp lại 50 triệu đồng.
Với nhóm Long, cáo trạng thể hiện, từ tháng 2/2020, Long biết tài khoản zalo tên “Van Hung” (chưa rõ nhân thân) chuyên làm các giấy phép lái xe giả. Long đã quảng cáo, chào bán giấy phép lái xe giả trên mạng Facebook với giá từ 3 - 5 triệu đồng/giấy phép. Long nhận thông tin cá nhân của khách hàng và chuyển cho “Van Hung” với phí 800.000 đồng/giấy phép. Sau tháng 3/2021, Long tự mua máy móc, thiết bị trên mạng để tự sản xuất giấy phép lái xe giả và thuê các bị cáo Phượng, Phúc, Duyên…
Với hành vi trên, từ tháng 3/2021, nhóm Long làm giả 266 giấy phép lái xe, giấy tờ giả, thu lời 560 triệu đồng.
Căn cứ vào thông tin nhân thân thể hiện trên các giấy phép lái xe giả, các giấy tờ giả, CQĐT đã tiến hành ủy thác điều tra đến 62 CQĐT các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành xác minh việc mua bán các giấy tờ, tài liệu giả trên.
Đến nay, CQĐT Công an TP. Hà Nội đã nhận được kết quả của 203/768 trường hợp khách hàng đã gửi thông tin cá nhân hoặc trả chi phí cho các đối tượng để làm hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lái xe mô tô, ô tô mà không cần thi sát hạch. Trong số những trường hợp đã gửi thông tin để làm hồ sơ nêu trên có 54 trường hợp nhận được giấy phép lái xe giả, 14 tài liệu giả về kết quả sát hạch lái xe, 09 chứng chỉ sơ cấp nghề do các đối tượng làm giả gửi đến.
Những cá nhân này đều khai có được thông tin, bài viết quảng cáo về dịch vụ cấp giấy phép lái xe trên mạng xã hội Facebook với nội dung không cần thi sát hạch được áp dụng trong thời gian diễn ra dịch COVID-19, việc cấp giấy phép lái xe có hồ sơ gốc theo quy định, do vậy các cá nhân này đã tin tưởng và gửi thông tin cá nhân, ảnh chân dung cho các đối tượng để được cấp giấy phép lái xe trực tuyến. Các cá nhân này không biết các đối tượng trên đã làm giả giấy phép lái xe, tài liệu về kết quả sát hạch lái xe, chứng chỉ sơ cấp nghề.
Sau khi được CQĐT thông báo, các cá nhân đã tự nguyện giao nộp lại 54 giấy phép lái xe giả, 14 tài liệu giả về kết quả sát hạch lái xe, 9 chứng chỉ sơ cấp nghề giả. Các cá nhân này không bàn bạc, không được hưởng lợi với các đối tượng làm giả nên công an xác định họ không đồng phạm với Mạnh và Long.
CQĐT đã có văn bản kiến nghị đối với 46 Phòng Cảnh sát giao thông các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước đề nghị xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp trên.