Giải quyết dứt điểm thiếu điện trong tháng 6/2023
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023.
Tại Văn bản số 225/TB-VPCP ngày 15/6/2023 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, có chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể đảm bảo đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Bên cạnh đó, tập trung triển khai Quy hoạch điện VIII, đẩy nhanh tiến độ Nhà máy điện Quảng Trạch II; phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai dự án truyền tải 500kV từ miền Trung ra miền Bắc.
Phối hợp với Bộ Nội vụ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để khẩn trương hoàn thiện thủ tục điều chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia về Bộ Công Thương trong tháng 6/2023.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở; cơ chế mua bán điện trực tiếp (hoàn thành trong tháng 7/2023).
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong tham gia thực hiện các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tập trung chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm việc thiếu điện trong tháng 6/2023; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong xử lý các vướng mắc phát sinh.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có Tờ trình 3711/TTr-BCT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) về Bộ này, theo đó, Bộ đưa ra 2 phương án chuyển đổi mô hình A0.
Bộ Công Thương cho hay mô hình thị trường điện Việt Nam cũng như tham khảo kinh nghiệm quốc tế tại những quốc gia có xây dựng thị trường điện thì vai trò của A0 (gồm điều độ hệ thống điện - System Operator (SO) và điều hành giao dịch thị trường điện Market Operator (MO)) cùng với vai trò sở hữu lưới điện truyền tải của Tổng công ty truyền tải điện quốc gia - Transmission Owner (TO) là những chức năng có mối quan hệ mật thiết do đây là những dịch vụ cơ bản của hệ thống điện, có tính độc quyền tự nhiên.
Do đó, việc kết hợp giữa ba dịch vụ (TO-SO-MO) sẽ quyết định mô hình tổ chức của A0.
Tuy nhiên, để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ưu tiên chuyển nguyên trạng A0 (SO và MO) về Bộ Công Thương.
Việc chuyển đổi quản lý, chỉ đạo A0 từ EVN về Bộ Công Thương có thể thực hiện theo một trong hai phương án.
Phương án 1: A0 trở thành đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện trực thuộc Bộ Công Thương.
Phương án 2: A0 trở thành Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện 100% vốn Nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương.
Cả hai phương án nêu trên đều đảm bảo các tiêu chí về tính độc lập, khách quan của A0 so với hiện tại, khả năng phối hợp với các đơn vị liên quan và khả năng linh hoạt đổi mới, sáng tạo.
Trong điều kiện hiện nay, để đáp ứng mục tiêu chuyển nguyên trạng A0 về trực thuộc Bộ Công Thương, mô hình đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống điện và điều hành thị trường điện là phù hợp.
Trong giai đoạn tiếp theo, sau khi Luật giá và Luật điện luật sửa đổi được ban hành, có thể xem xét thêm phương án 2.
Về tính đặc thù, tính chất đặc thù của đơn vị mới thành lập trực thuộc Bộ Công Thương là công tác vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện.