Thủ tướng: Xây dựng khu công nghiệp kiểu mẫu của tỉnh Thái Bình
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại kết quả cân đong đo đếm được", xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái thành khu công nghiệp kiểu mẫu, là công cụ xúc tiến, thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh Thái Bình.
Sáng 27/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi khảo sát tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, và dự lễ khánh thành Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, kiểm tra khu công nghiệp này, sau lần thứ nhất vào tháng 5/2022.
Cùng đi có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh Thái Bình.
Thủ tướng phấn khởi trước khu công nghiệp đang hình thành và hoàn thiện nhanh chóng, thay đổi mạnh mẽ so với cách đây gần một năm, khi đó hầu như còn chưa có gì. Hiện tiến độ giải phóng mặt bằng đã đạt 99%, thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục phát huy tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, mang lại kết quả cân đong đo đếm được", xây dựng Khu công nghiệp Liên Hà Thái thành khu công nghiệp kiểu mẫu, là công cụ xúc tiến, thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh Thái Bình.
Thủ tướng nhấn mạnh các quan điểm thu hút đầu tư: "Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro" giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân; không thu hút đầu tư bằng mọi giá, ưu tiên thu hút các dự án lớn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, các dự án công nghiệp hỗ trợ, kết nối với các doanh nghiệp trong và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng lưu ý, cần phát triển khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ (giao thông, điện, nước, viễn thông…); bảo đảm an ninh trật tự; quan tâm vấn đề quy hoạch, xây dựng nhà ở công nhân với các hình thức mua, thuê mua, thuê…, cùng hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa; chú trọng xử lý vấn đề vệ sinh môi trường, nước thải.
Thủ tướng lưu ý, Thái Bình về lâu dài vẫn là tỉnh nông nghiệp, cho nên vẫn phải coi trọng phát triển nông nghiệp, nhưng phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; quy hoạch các khu công nghiệp phù hợp tiềm năng thế mạnh, tập trung làm tốt đầu tư đường cao tốc Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình. Việc quy hoạch các khu công nghiệp phải bài bản ngay từ đầu với các dịch vụ về ngân hàng, khu vực thực hiện thủ tục hải quan, các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa…
Công ty đã mang vốn, công nghệ và quản trị tới đây, Thủ tướng đề nghị tiếp tục góp phần cùng các cấp chính quyền trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong nước, nâng cao tỉ lệ nội địa hóa và tham gia chuỗi cung cứng toàn cầu; tiếp tục giới thiệu với các đối tác, nhà đầu tư khác đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, sản xuất chip…
Khu kinh tế Thái Bình có vị trí kết nối của vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội- Hải Phòng-Quảng Ninh, có tuyến đường cao tốc ven biển và tuyến đường ven biển chạy qua suốt chiều dài Khu kinh tế, kết nối từ Quảng Ninh, Hải Phòng xuống đến Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Tuyến đường ven biển có quy hoạch 8 làn (hiện đang xây dựng 2-4 làn). Ngoài ra, Khu kinh tế còn có hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường quốc lộ 37, quốc lộ 39, quốc lộ 10, đường Thái Bình-Hà Nam. Khu công nghiệp Liên Hà Thái (Green IP-1) với diện tích 588,84 ha được phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 8/2/2023, là dự án trọng điểm và tiên phong của Khu kinh tế Thái Bình. Khu công nghiệp có vị trí giao thông thuận lợi để kết nối với các thành phố lớn, sân bay quốc tế, cảng nước sâu của Hải Phòng khi nằm tiếp giáp “đường ven biển” và tuyến “cao tốc ven biển”, tiếp giáp quốc lộ 39, quốc lộ 37, tỉnh lộ 456.