Chánh án Nguyễn Hòa Bình chủ trì hội nghị giải đáp vướng mắc về nghiệp vụ xét xử
Ngày 24/4, TANDTC tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức TAND và TAQS các cấp. PGS. TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến, theo phương thức Tòa án địa phương đặt câu hỏi có tình huống pháp lý nảy sinh trong quá trình thực tiễn xét xử, luật chưa quy định, hoặc quy định chưa rõ ràng, hay tình huống có sự đan xen phức tạp của luật, và TANDTC trả lời.
Tại điểm cầu trung tâm có các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, đại diện lãnh đạo, công chức là Thẩm tra viên, Thư ký viên Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, các Vụ Giám đốc kiểm tra.
Tại các điểm cầu các đơn vị có Giám đốc, Phó giám đốc Học viện Tòa án; Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký viên tại các đơn vị Vụ Công tác phía Nam, TAND cấp cao, TAND địa phương, TAQS các cấp.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều câu hỏi với nội dung thiết thực, bám sát thực tế và những câu giải đáp, hướng dẫn cụ thể từ TANDTC.
Tại điểm cầu TAND TP.HCM, ông Phùng Văn Hải, Phó Chánh án TAND TP.HCM đặt câu hỏi: Tình huống bị cáo có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại thông qua hợp đồng dân sự có công chứng, đối sánh các giấy tờ, tài liệu (bị làm giả). Tuy nhiên, cơ quan tiến hành tố tụng không truy tố công chứng viên, thì có phải buộc công chứng viên liên đới trách nhiệm dân sự (bồi thường) cho bị hại không?
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trả lời, phân tích: Bị cáo thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền của bị hại, nguyên tắc ai chiếm đoạt thì người đó phải bồi thường. Quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra xác định, công chứng viên không hề hay biết hành vi phạm tội của bị cáo, do đó không có yếu tố đồng phạm. Văn phòng công chứng thực hiện công chứng theo quy định pháp luật, không thể biết được thủ đoạn gian dối của bị cáo để chiếm đoạt tiền của bị hại. Do đó, không thể buộc trách nhiệm liên đới của văn phòng công chứng bồi thường cho bị hại.
Tình huống pháp lý liên quan đến hoạt động chứng khoán, vấn đề thời sự thời gian qua cũng được điểm cầu TAND TP.HCM đặt ra: Theo đó, chủ thể của tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán tại Điều 209 Bộ luật Hình sự có bao gồm đối tượng là người thực hiện giao dịch mua, bán chứng khoán không?
Vấn đề này, đại diện TANDTC giải đáp: Tại khoản 1, Điều 209 Bộ luật Hình sự quy định, người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động, kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt….. (tại các điểm quy định cụ thể).
Như vậy, chủ thể của tội phạm này là những người có trách nhiệm trong việc công bố thông tin về chứng khoán hoặc pháp nhân thương mại có trách nhiệm công bố thông tin về chứng khoán. Từ phân tích trên, đại diện TANDTC khẳng định, những người tham gia giao dịch mua, bán chứng khoán không phải là chủ thể của tội phạm này.
Một câu hỏi khác cũng được đại diện TAND quận Tân Bình đặt ra: Bị cáo là nhân viên thu tiền điện thoại, tiền cước viễn thông, thực hiện việc thu tiền của khách hàng cho công ty, nhưng sau đó đã chiếm đoạt số tiền này, không trả cho công ty. Hành vi của của bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hay tội tham ô tài sản?
Đại diện TANDTC trả lời: Bị cáo là người được giao thực hiện nhiệm vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, có trách nhiệm quản lý tài sản nhưng lợi dụng nhiệm vụ để không nộp về công ty mà dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý. Hành vi của bị cáo phạm tội tham ô tài sản theo khoản 2, Điều 352 BLHS, được hướng dẫn tại khoản 5, Điều 2 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
Không chỉ đơn thuần đặt câu hỏi và trả lời, các đại biểu tham dự hội nghị còn bàn bạc, tranh luận sôi nổi về các tình tiết, tình huống pháp lý mang tính đóng góp, xây dựng.
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, đây là hội nghị có ý nghĩa, được các cán bộ, công chức viên chức trong hệ thống Tòa án mong chờ, nhận được sự đánh giá tích cực, thiết thực. Theo Chánh án, Hội nghị nhằm hỗ trợ các cán bộ, công chức, viên chức Tòa án rất nhiều trong công tác nghiệp vụ, phạm vi hội nghị không chỉ nằm trong hệ thống Tòa án mà các Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cũng rất quan tâm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nhận thức pháp lý phải đồng đều thì việc áp dụng pháp luật mới được thống nhất trong việc đánh giá chứng cứ, định hướng điều tra, truy tố, tránh các kháng nghị không cần thiết. Vì vậy, hội nghị nên mở rộng thành phần tham dự thêm điều tra viên và kiểm sát viên.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, qua nghiên cứu, Chánh án các nước trên thế giới đánh giá việc tổ chức hội nghị giải đáp vướng mắc nghiệp vụ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật là việc làm sáng tạo của TANDTC Việt Nam. Sau những hội nghị trên, TANDTC thường xem xét ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ theo từng lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại… để áp dụng vào thực tiễn xét xử trong hệ thống Tòa án. Bên cạnh đó, nội dung hội nghị cũng có giá trị cao đối với người nghiên cứu, thực hành pháp luật.
Tổng kết hội nghị, Chánh án Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh Tòa án các cấp đã gửi câu hỏi, đóng góp ý kiến để hội nghị diễn ra thành công tốt đẹp. Đại diện TANDTC cho biết sẽ tiếp tục ghi nhận những câu hỏi của các Tòa địa phương gửi về Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học (TANDTC) để tổng hợp.