Đời sống

Hiệp hội Bảo hiểm: Niềm tin suy giảm bởi... "lùm xùm"!

Nguyễn Trang 25/04/2023 - 10:30

Thông tin về thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 24/4, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tổng doanh thu bảo hiểm 3 tháng đầu năm giảm do 3 nguyên nhân, trong đó có việc niềm tin suy giảm vì những lùm xùm thời gian qua.

img_5375.jpeg
Ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm chia sẻ thông tin tại buổi gặp mặt báo chí định kỳ.

Tại buổi gặp gỡ báo chí thông tin về thị trường BHNT Việt Nam tổ chức ở TP.HCM chiều 24/4, ông Ngô Trung Dũng - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 3/2023, tổng số lượng hợp đồng BHNT ước đạt trên 13,68 triệu hợp đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, so với cuối năm 2022, số lượng hợp đồng có sự suy giảm đáng kể (gần 250.000 hợp đồng). Tổng doanh thu 3 tháng đầu năm ước đạt 37.849 tỷ đồng, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Lý giải về sự suy giảm này, ông Dũng cho rằng, kể cả khi thị trường tăng trưởng tốt, số lượng hợp đồng vẫn có thể giảm vì có nhiều hợp đồng đến thời điểm kết thúc. Tuy nhiên, nguyên nhân cũng có thể là do sự suy giảm niềm tin của thị trường, khiến ít người mua bảo hiểm hơn và có khách hàng mua qua kênh ngân hàng (bancassurance) dừng đóng tiếp.

Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí định kỳ, có nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm có hay không “sự mập mờ” của các đại lý bảo hiểm khi tư vấn khách hàng mua bảo hiểm. Cụ thể như, đại lý không nói rõ phí đóng bảo hiểm trong 3 năm đầu sẽ bị trích tiền hoa hồng cho đại lý và phí cho doanh nghiệp bảo hiểm rất cao. Theo đó, tùy loại bảo hiểm, phí doanh nghiệp bảo hiểm và tiền trích hoa hồng có thể lên đến hơn 50 - 70% cho năm đầu tiên, 20 - 40% cho năm thứ 2 và 10 - 15% cho năm thứ 3; thậm chí có gói bảo hiểm được trích hoa hồng từ tiền phí khách hàng lên đến 5 năm. Do đó, nhiều khách hàng sau khi mua bảo hiểm không nắm rõ thông tin, do cần tiền đã xin huỷ hợp đồng và rút lại tiền đã đóng mới “té ngửa” số tiền thực nhận chỉ chiếm 10 - 20% trên tổng số tiền đã đóng.

Về ý kiến này, ông Dũng cho rằng: "Cá nhân tôi thấy lúc này là giai đoạn khủng hoảng lớn nhất về mặt niềm tin của thị trường. Ngân hàng có thể không bán bảo hiểm nữa thì khách hàng của họ vẫn còn đó. Còn công ty bảo hiểm thì có thể sẽ không bán được nữa”.

Ngoài ra, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết đã có những buổi làm việc với từng bộ phận và kênh phân phối của các công ty BHNT. Một số cam kết tính đến hiện nay đã có. Có thể kể đến như rà soát hoạt động đào tạo, cải thiện quy trình tư vấn bán hành, tăng quy trình kiểm soát nội bộ để hạn chế tranh chấp, khiếu nại, hỗ trợ xử lý khiếu nại của khách hàng nhanh chóng và minh bạch, tăng cường tuyên truyền giáo dục để khách hiểu rõ hơn, cải thiện chất lượng, hình thức tiếp cận để bảo giúp bảo hiểm trở nên đơn giản, dễ hiểu hơn với người dân...

Phó Tổng thư ký hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũngnêu những khó khăn chung của nền kinh tế cùng những thắc mắc của người dân về BHNT gần đây có thể gây ra một số lo lắng cho khách hàng. Hiệp hội cam kết hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp bảo hiểm nâng cao chất lượng tư vấn, dịch vụ chăm sóc khách hàng để củng cố niềm tin của khách hàng và người dân.

Thực hiện chỉ đạo của Cục quản lý, Giám sát bảo hiểm, Hiệp hội đã có những buổi làm việc chặt chẽ với từng bộ phận và kênh phân phối của các công ty BHNT trong thời gian vừa qua và đã có những thống nhất như cam kết tiến hành rà soát hoạt động đào tạo, đảm bảo tuân thủ đúng chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm đã ký kết với Bộ Tài chính.

Nguyễn Trang