Hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm
Thông tư số 21/2023/TT-BTC quy định: Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân. Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/5 năm.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 21/2023/TT-BTC quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm.
Thông tư số 21/2023/TT-BTC quy định: Mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng bình quân 300.000 đồng/ha/năm. Đối với khoán bảo vệ rừng ven biển, mức hỗ trợ tối đa bằng 1,5 lần mức hỗ trợ bình quân. Kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng 50.000 đồng/5 năm. Việc hỗ trợ kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng chỉ thực hiện 1 lần trước khi tiến hành khoán bảo vệ rừng.
Hỗ trợ bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng cụ thể như sau: Công ty lâm nghiệp: 300.000 đồng/ha/năm; ban quản lý rừng, UBND cấp xã: 100.000 đồng/ha/năm; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, tổ chức được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên: 300.000 đồng/ha/năm.
Theo Thông tư, đối tượng hỗ trợ là cộng đồng dân cư thuộc vùng đệm của các khu rừng đặc dụng bao gồm các cộng đồng dân cư thôn, bản cư trú hợp pháp trong khu vực có ranh giới tự nhiên tiếp giáp với rừng đặc dụng, hoặc nằm trong rừng đặc dụng.
Nội dung hỗ trợ gồm: Hỗ trợ hoạt động nâng cao năng lực phát triển sản xuất như khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống cây, giống con; hỗ trợ thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ; hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng thôn, bản như công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa và các công trình khác.
Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản/năm.
Cộng đồng dân cư tự tổ chức thực hiện các nội dung kế hoạch, dự toán hỗ trợ kinh phí được duyệt. Đối với các nội dung cộng đồng dân cư không tự tổ chức thực hiện được, đề nghị UBND xã hoặc Ban quản lý rừng đặc dụng hỗ trợ thực hiện.
Cộng đồng dân cư có trách nhiệm thực hiện theo đúng kế hoạch, dự toán được duyệt. Trường hợp có nhu cầu điều chỉnh kế hoạch, kinh phí hỗ trợ, cộng đồng dân cư đề nghị Ban quản lý rừng đặc dụng, UBND cấp xã xem xét điều chỉnh. Ban quản lý rừng đặc dụng có trách nhiệm gửi kế hoạch điều chỉnh cho UBND cấp xã để theo dõi.
Về khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, Thông tư nêu rõ, mức hỗ trợ đối với khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là 3 triệu đồng/ha/6 năm.
Hỗ trợ thực hiện trồng cây phân tán, mức hỗ trợ: 5 triệu đồng/ha trồng cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha).
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2023.