Tháng An toàn thực phẩm 2023: Bắt nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, trong Tháng an toàn thực phẩm 2023, lực lượng chức năng cùng lúc phát hiện hàng ngàn sản phẩm không rõ nguồn gốc và giả các nhãn hiệu.
Theo đó, kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh P.V.T (ở thôn Đan Loan, xã Nhân Quyền, huyện Bình Giang), lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương phát hiện hơn 8.000 sản phẩm là kem đánh răng mang nhãn hiệu P/S, CLOSE UP và dầu gội đầu mang nhãn hiệu CLEAR. Tất cả đều có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.
Cụ thể, các sản phẩm kem đánh răng có đặc điểm là dãy ký tự số ngày tháng năm và lô sản xuất cố định; màu sắc bao bì sản phẩm hình ảnh nhòe, không sắc nét; nhãn hiệu P/S và CLOSE UP được in trực tiếp trên từng sản phẩm.
Đối với các sản phẩm dầu gội đầu có đặc điểm dãy ký tự số ngày tháng năm và lô sản xuất cố định; không có rãnh cắt bên cạnh gói; nhãn hiệu CLEAR được in trực tiếp trên từng sản phẩm.
Chủ hộ kinh doanh là ông P.V.T (SN1984) đã không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số hàng hóa trên và thừa nhận mua toàn số hàng trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu được mua về để bán kiếm lời.
Trước đó, ngày 19/4, Đội QLTT số 2 Tuyên Quang đã phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự, Kinh tế, Ma túy - Công an huyện Hàm Yên và Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang, tiến hành dừng và khám phương tiện vận tải đối với xe ô tô mang BKS 23B-003.82, đang lưu thông hướng Hà Giang đi TP. Tuyên Quang, tại thôn Ao Vệ, xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên.
Thực hiện việc khám phương tiện, lực lượng chức năng phát hiện bên trong cốp xe có 700 gói hướng dương có giá trị khoảng 10.000.000 đồng được chứa trong 20 thùng bìa carton.
Toàn bộ 700 gói hướng dương nêu trên không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa, hàng hóa không có thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp với hàng hóa.
Lái xe Đ.Q.V, sinh năm 1976, trú tại TP. Tuyên Quang không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến lô hàng. Tổ công tác sau đó đã tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh làm rõ.
Cũng trong các ngày 16/3 và 23/3, Đội QLTT số 7 phối hợp cùng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế Công an quận Hải An (TP. Hải Phòng), tiến hành kiểm tra đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn K (địa chỉ: số 385 đường Cát Bi, phường Cát Bi, quận Hải An, TP. Hải Phòng) và khám kho chứa hàng, địa chỉ tại Khu Đồng Xá 2, phường Thành Tô, quận Hải An, cũng do ông K làm chủ. Quá trình kiểm tra và khám kho, lực lượng chức năng phát hiện gần 6.000 đôi giày, dép các loại mang các nhãn hiệu “NIKE”, “CONVERSE”, “LOUIS VUTTON”, “ADIDAS”, “CROS”, “PUMA”, “MLB”…có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Qua quá trình thẩm tra và xác minh vụ việc, lực lượng chức năng xác định toàn bộ số hàng hóa trên là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 1,5 tỷ đồng.
Hiện, toàn bộ tang vật và hồ sơ tài liệu có liên quan đã được Đội QLTT số 7 bàn giao cho Công an quận Hải An để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm; cũng như cần thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm là điều kiện bắt buộc phải có đối với những đối tượng phải xin giấy phép; Nếu thuộc đối tượng phải xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm mà không xin giấy phép thì sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật (nếu bị cơ quan thẩm quyền phát hiện) và sản phẩm, doanh nghiệp không được người tiêu dùng tin tưởng.
Theo quy định tại Khoản 01, Điều 11 Nghị định 15/2018/NĐ-CP về việc cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm: Tất cả Cơ sở sản xuất kinh doanh ngành thực phẩm phải có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ trường hợp tại khoản 01, Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP .
Nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và nâng cao mức chế tài xử phạt vi phạm, người tiêu dùng tẩy chay những cơ sở kinh doanh, cửa hàng buôn bán các loại thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các cơ quan truyền thông lên tiếng, chúng ta sẽ hạn chế được việc kinh doanh, vận chuyển, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ. Có như vậy sức khỏe của người dân mới được bảo vệ một cách an toàn.