Bảo hiểm nhân thọ: Mua để an tâm hay rước thêm lo lắng?
Sau ồn ào câu chuyện liên quan đến việc mua bảo hiểm của nữ diễn viên Ngọc Lan và nghệ sĩ Kim Tử Long, nhiều vấn đề bất cập trong các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng được dần hé lộ khiến nhiều khách hàng lo lắng, hoang mang.
Rước bực vào người vì… bảo hiểm
Tình huống đại lý bảo hiểm sau khi bán được hợp đồng bảo hiểm, lấy tiền hoa hồng rồi nghỉ việc khiến cho khách hàng nhiều phen tá hỏa, không biết cậy nhờ vào ai, đã không còn là chuyện quá xa lạ đối với nhiều người. Có khách hàng thậm chí còn cho biết, sau khi tư vấn viên nghỉ việc, họ mới phát hiện ra những hứa hẹn, cam kết mà tư vấn bảo hiểm nói lúc đầu với thực tại dường như khác xa nhau.
Trường hợp của chị T. (Cầu Giấy, Hà Nội) khách hàng mua bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) là một điển hình. Chị T. kể: “Tôi mua một gói bảo hiểm nhân thọ của FWD hơn 18 triệu đồng/năm, đến nay là năm thứ 2. Ban đầu thì các bạn tư vấn viên chăm sóc khá là tốt, bẵng đi đến năm thứ 2 thì mới phát sinh ra nhiều vấn đề. Khi tôi có nhu cầu đổi gói bổ trợ bảo hiểm mới biết bạn tư vấn viên ngày trước bán bảo hiểm cho tôi đã nghỉ việc”.
“Tôi đã phải nói khó để nhờ bạn hỗ trợ tôi được đổi gói sản phẩm bổ trợ nhưng vẫn không thành công. Lúc đó bạn tư vấn bảo tôi “giờ cứ nộp tiền” (kỳ hạn năm 2023) thì bạn sẽ làm hồ sơ để tôi chuyển đổi gói bổ trợ sau, nhưng sau này tôi mới biết sản phẩm bổ trợ của tôi không hề được thay đổi mà đã bị xóa sổ một cách trắng trợn”, chị T ấm ức cho hay.
Cũng theo chị T., sau nhiều lần gửi mail, gọi điện lên tổng đài nhờ tư vấn hỗ trợ về gói hợp đồng bảo hiểm và yêu cầu sắp xếp tư vấn viên mới cho gói hợp đồng của mình, gần 3 tháng sau chị T. mới được bảo hiểm FWD gửi mail thông báo hợp đồng bảo hiểm của mình gồm những danh mục gì. Còn về việc sắp xếp tư vấn viên để hỗ trợ thì đến nay FWD vẫn không hồi âm lại, để mặc khách hàng băn khoăn không biết tình trạng hợp đồng của mình giờ đang ra sao, và nếu có chuyện gì khi sử dụng đến bảo hiểm thì cũng không biết phải hỏi ai!
“Thật sự quá thất vọng và tốn tiền, lại rước bực vào người. Sau hạn hợp đồng năm nay, tôi sẽ không mua bảo hiểm FWD thêm nữa. Họ làm việc quá vô trách nhiệm và coi thường khách hàng của mình”, chị T. bức xúc nói.
Tương tự trường hợp chị T., anh Đ. (Quảng Ninh) cũng phải lắc đầu ngán ngẩm cho biết: “Sau vụ ầm ĩ của Ngọc Lan, tôi cũng phải đi xem lại hợp đồng của mình thì thấy ngày đáo hạn hợp đồng là năm 2093, mà ngày tôi ký hợp đồng là năm 2021, tức là tôi phải đóng 72 năm hay sao? Mua chỗ người quen thành ra tôi cũng chỉ nghe và tin tư vấn hơn là đọc hợp đồng”.
Theo anh Đ., một khách hàng của bảo hiểm Manulife, cứ mỗi lần có các tranh chấp, tố cáo liên quan đến các sản phẩm bảo hiểm, vợ chồng anh cũng giật mình và lại mở tủ ra để đọc lại hợp đồng. “Việc này là để kiểm tra các điều khoản hợp đồng có đúng như những yêu cầu của mình đưa ra khi thiết kế gói sản phẩm đầu tư liên kết, bảo hiểm sức khoẻ (bệnh hiểm nghèo, phẫu thuật, chi phí viện phí…)”, anh Đ. Chia sẻ.
Anh Đ. cũng cho hay, hết hạn hợp đồng năm nay anh cũng sẽ dừng gói bảo hiểm này, vì tư vấn ban đầu và thông tin trong hợp đồng có nhiều vấn đề không giống nhau khiến anh khá thất vọng.
Luật sư cũng “ngán” tư vấn bảo hiểm!
Từ góc nhìn pháp lý với đề tài hợp đồng bảo hiểm đang “ầm ĩ” trên mạng xã hội thời gian qua, một luật sư chia sẻ: “Đây cũng cũng không phải câu chuyện của riêng ai. Bản thân tôi khi mua bảo hiểm cũng đóng tiền xong, 20 ngày sau họ mới gửi hợp đồng sang. Khi đọc xong bản hợp đồng cứng này tôi mới biết một số bệnh chỉ được bồi thường 20%, chứ không phải 100% như lúc nhân viên tư vấn. Bản thân tôi là luật sư cũng từng gặp phải trường hợp không đúng với tư vấn nên tôi đã bỏ tiền, không đóng nữa. Khách hàng hoàn toàn có thể dừng hợp đồng giữa chừng”.
Tuy nhiên, luật sư này cũng lưu ý, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cũng là hợp đồng dân sự, nên khi khách hàng tự nguyện ký vào bản hợp đồng này cũng có nghĩa là khách hàng phải chịu trách nhiệm với những gì mình đã ký. Hợp đồng chỉ có thể vô hiệu trong trường hợp khách hàng bị lừa dối, đe dọa, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục...
Ông cho biết thêm, bản thân ông đã từng nhận nhiều vụ liên quan đến vấn đề bảo hiểm nhân thọ. Các vấn đề tranh chấp chủ yếu là do khách hàng không đọc kỹ hay đọc hết hợp đồng, hoặc là chữ ký trong hợp đồng không phải là chữ ký chính mà là chữ ký điện tử. Thường là khi khách hàng đóng tiền xong, mấy chục ngày sau công ty bảo hiểm mới gửi hợp đồng qua và chữ ký đó là chữ ký điện tử in ra.
Thời gian qua, trên mạng xã hội rất nhiều luồng thông tin về vấn đề hợp đồng bảo hiểm nhân thọ từ vụ diễn viên Ngọc Lan "tố" bảo hiểm nhân thọ MVI, nghệ sĩ Kim Tử Long cũng mất trắng 100 triệu vì bảo hiểm đã phần nào phản ánh những bất cập, hạn chế của ngành bảo hiểm nhân thọ. Điều này khiến nhiều người vốn có cái nhìn thiếu thiện cảm với bảo hiểm, thì nay càng mất niềm tin, e dè khi cân nhắc tham gia các sản phẩm bảo hiểm. Không chỉ tồn tại nhiều vấn đề về hợp đồng, ngành bảo hiểm còn đang bị mất điểm trong mắt khách hàng vì hệ thống đại lý thiếu chuyên nghiệp.
Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhấn mạnh, trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cần thận trọng, đọc kỹ từng trang trong hợp đồng khi mua bảo hiểm nhân thọ. Thực tế, khi mua bảo hiểm, đa số người mua thường chỉ quan tâm tới quyền lợi mà đôi khi không để ý tìm hiểu những điều khoản, điều kiện ràng buộc. Trong khi đó, những điều khoản này sẽ quyết định việc người tham gia có được nhận quyền lợi hay không khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Sau nhiều thông tin nóng về vấn đề bảo hiểm, mới đây Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng ban hành Công văn số 453/QLBH-NT về việc tăng cường kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm. Đồng thời, nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật.