Netflix gỡ nội dung sai sự thật về Việt Nam trong phim tài liệu về MH370
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản nghiêm khắc yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật trên bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích”.
Liên quan đến bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” (MH370 -The Plane That Disappeared) được cung cấp trên dịch vụ của Netflix tại Việt Nam có xuất hiện những nội dung phản ánh không chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 mất tích của Malaysia được báo chí đề cập, sau khi nghiên cứu các ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, ngày 11/4/2023, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có văn bản nghiêm khắc yêu cầu Công ty Netflix gỡ bỏ những nội dung vi phạm pháp luật trên bộ phim tài liệu nêu trên.
Ngay trong ngày 12/4/2023, Công ty Netflix đã báo cáo việc thực hiện rà soát các nội dung phản ánh không chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn máy bay MH370 mất tích và đã thực hiện gỡ bỏ toàn bộ tập 1 Bộ phim tài liệu “MH370: Chiếc máy bay mất tích” (MH370 -The Plane That Disappeared) trên kho nội dung của Netflix tại Việt Nam.
Việc thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của Chính phủ Việt Nam là vi phạm quy định tại Khoản 8, Điều 9 Luật Báo chí hiện hành.
Trường hợp, trong thời gian tới, Công ty Netflix tiếp tục vi phạm những quy định bị cấm theo pháp luật Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan xử lý nghiêm theo quy định.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 6/4, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng tuyên bố phim tài liệu về MH370 phản ánh không đúng nỗ lực tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam, yêu cầu hãng sản xuất gỡ bỏ hoặc sửa nội dung không phù hợp.
"Bộ phim tài liệu MH370 - Chiếc máy bay biến mất đưa ra những nhận định khi không có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng là sai sự thật, không có cơ sở, không phản ánh đúng nỗ lực của Việt Nam và khiến dư luận Việt Nam bất bình", phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói nhấn mạnh.
"Những nỗ lực của Việt Nam vào thời điểm đó đã được cộng đồng quốc tế cũng như báo chí trong và ngoài nước ghi nhận", bà Hằng nói. "Chúng tôi yêu cầu công ty sản xuất và nhà làm phim phản ánh chính xác những đóng góp của Việt Nam trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn máy bay MH370 của Malaysia, cũng như gỡ bỏ, sửa đổi những nội dung không phù hợp".
Chiếc Boeing 777-200ER mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines chở 239 người cất cánh từ Kuala Lumpur ngày 8/3/2014, dự kiến tới thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc cùng ngày.
Máy bay mất liên lạc chưa đầy một tiếng sau khi cất cánh và tín hiệu radar xuất hiện ở khu vực trên vịnh Thái Lan. MH370 xuất hiện trên radar quân sự Malaysia lần cuối khi đang ở biển Andaman, phía tây bắc nước này.
Sau khi nhận tin chuyến bay MH370 mất tích, Việt Nam điều lực lượng tìm kiếm gồm 10 tàu và 11 máy bay. Lực lượng Việt Nam trong hơn một tuần hoạt động trên khu vực rộng hơn 100.000 km2, song không phát hiện dấu vết của máy bay. Việt Nam sau đó dừng tìm kiếm và thông báo các lực lượng cứu hộ nước ngoài rời khỏi vùng biển của Việt Nam.
Chính phủ Malaysia ngày 24/3/2014 cho biết theo phân tích trên tín hiệu vệ tinh, MH370 bay lệch hàng nghìn km so với đường bay định sẵn về phía nam Ấn Độ Dương. Hành trình của MH370 kết thúc ở tây nam thành phố Perth của Australia. Malaysia tháng 1/2015 tuyên bố chuyến bay MH370 gặp nạn, toàn bộ 239 hành khách và phi hành đoàn đã thiệt mạng.
Giới chức Malaysia, Trung Quốc và Australia tháng 1/2017 thông báo đình chỉ tìm kiếm MH370, kết thúc chiến dịch kéo dài gần ba năm trên vùng biển có diện tích khoảng 120.000 km2. Tới nay, chưa rõ nguyên nhân máy bay MH370 mất tích.