Chứng khoán

Khoảng 7% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán

Trang Nhi 10/04/2023 20:45

Tính đến cuối tháng 3/2023, thị trường ghi nhận hơn 7,03 triệu tài khoản chứng khoán, trong đó có gần 7 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước.

Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký 39.802 tài khoản trong tháng 3/2023, qua đó đưa quy mô tài khoản giao dịch toàn thị trường lần đầu vượt mức 7,03 triệu. Trong đó, số tài khoản nhà đầu tư trong nước là hơn 6,99 triệu. Số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài là 43.279.

dau-tu-chung-khoan.jpg
Ảnh minh họa

Với hơn 7 triệu tài khoản - tương đương khoảng 7% dân số, con số này đã vượt xa mục tiêu có 5% dân số đầu tư chứng khoán vào năm 2025 trong đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm.

Với 39.802 tài khoản mở trong tháng 3 đã tiếp tục cho thấy, xu hướng suy giảm số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Theo thống kê, tháng 3/2023 là tháng thứ 7 liên tiếp thị trường không ghi nhận trên 100.000 tài khoản mới. Giảm sâu so với giai đoạn bùng nổ giữa năm 2020. Như cao điểm trong tháng 5/2022 đã ghi nhận kỷ lục hơn 476.000 tài khoản đăng ký mới.

Thiếu vắng nhà đầu tư mới, còn nhà đầu tư đã tham gia thận trọng trong bối cảnh biến động khiến thanh khoản thị trường giảm sâu. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2023, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 11.437 tỷ đồng/phiên, giảm 43,3% so với bình quân năm 2022.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua quý đầu năm 2023 với nhiều biến động, tăng, giảm đan xen do sự tác động mạnh mẽ của nhiều yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế. Dù thách thức vẫn lớn, tuy nhiên, nhiều dự báo cho thấy, thị trường đang có nhiều cơ hội hơn để hồi phục và phát triển ổn định hơn trong thời gian tới

Diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Theo đó, trên thế giới, mặc dù xu hướng tăng lãi suất có dấu hiệu chậm lại, tuy nhiên, kinh tế toàn cầu vẫn dự báo còn nhiều thách thức, khó lường. Trong nước, tăng trưởng kinh tế vĩ mô quý I mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng đã cho thấy sự giảm tốc; đồng thời, sức khỏe doanh nghiệp niêm yết cũng chịu nhiều tác động sau thời kỳ hậu COVID-19 để lại.

Tuy nhiên, nếu xét trong tương quan với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng. Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế vẫn đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Trang Nhi