Một cá nhân ở Quảng Ninh dùng “sổ đỏ” giả làm tài sản bảo đảm
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:30, 04/04/2023
Ngày 17/12/2022, bà Đoàn Thị Quý (sinh năm 1988, thường trú tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) có đơn tố giác tội phạm gửi đến Phòng trực ban Hình sự - Công an huyện Tiên Yên về việc bà Trần Thị Bích, SN 1992, cùng trú tại địa phương có hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Tiếp đó, Báo Công lý cũng nhận được đơn của bà Đoàn Thị Quý tố cáo bà Trần Thị Bích với các hành vi nêu trên.
Theo nội dung đơn, từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022, vợ chồng bà Quý cho bà Trần Thị Bích (quan hệ họ hàng và cùng thôn) vay nhiều đợt, với tổng số tiền là 406.000.000 đồng và tài sản bảo đảm là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CO 313220, địa chỉ tại căn hộ số 1720, tòa B, Chung cư Greenbaygreden, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Tháng 2/2022, do không có khả năng trả nợ, bà Bích đề nghị đối trừ công nợ, tất toán toàn bộ khoản vay bằng việc ký kết Hợp đồng đặt cọc mua căn hộ trên với giá trị chuyển nhượng là 800.000.000 đồng. Số tiền 406 triệu đồng mà bà Bích vay, chuyển thành tiền cọc của bà Quý căn hộ nói trên là 400 triệu đồng.
Đến ngày hẹn, bà Bích đã không thực hiện thủ tục sang tên mà thông báo với bà Quý rằng, căn hộ trên có người muốn mua giá cao hơn nên muốn hủy Hợp đồng đặt cọc và đề nghị đền tiền phạt cọc cho bà Quý số tiền là 200.000.000 đồng. Nhưng, bà Bích yêu cầu bà Quý phải bàn giao lại Giấy chứng nhận căn chung cư để bà Bích thực hiện thủ tục chuyển nhượng thì mới có tiền trả. Tuy nhiên, bà Quý không đồng ý trả sổ.
Bà Quý đợi hoài cũng không thấy người mua căn hộ đến để thanh toán số tiền cọc và phạt cọc trên cho bà như đã hứa. Sau nhiều lần thúc giục, ngày 03/10/2022, bà Bích đề nghị chuyển 200.000.000 đồng tiền phạt cọc theo thỏa thuận thành tiền đặt cọc lần 2. Tháng 10/2022, hai bên ký kết hợp đồng đặt cọc lần 2 với số tiền đặt cọc là 600.000.000 đồng; thời hạn chuyển nhượng là 3 tháng.
Nhận thấy những biểu hiện bất thường của bà Bích trong việc luôn trốn tránh trách nhiệm thực hiện thủ tục sang tên căn hộ chung cư trên cho mình. Bà Quý đã tìm đến địa chỉ căn hộ ghi trên “sổ đỏ” mà Bích thế chấp thì phát hiện căn hộ đó không phải của Bích mà của một người chủ khác hiện đang sinh sống.
Nghi ngờ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã nhận “làm tin” là “giả”, nên ngày 17/12/2022, bà Đoàn Thị Quý đã đến trực tiếp Phòng trực ban Hình sư - Công an huyện Tiên Yên để trình báo về sự việc trên.
Trong quá trình giải quyết tin tố giác, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Yên đã tiến hành lấy lời khai và trưng cầu giám định đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CO 313220.
Ngày 23/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tiên Yên gửi Thông báo kết luận giám định đến bà Quý với nội dung xác định Giấy chứng nhận trên của bà Trần Thị Bích là “giả”.
Bà Quý cũng cho biết thêm, thời điểm trước khi thế chấp “sổ đỏ” căn hộ để vay tiền, Bích thường xuyên sang nhà bà Quý và tỏ vẻ thân thiết, kể về chuyện làm ăn, mua nhà đất,… để tạo niềm tin. Bích cũng là người chủ động khoe việc mới mua căn hộ chung cư số 1720, tòa B, Chung cư Greenbaygreden, phường Hùng Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và đưa “sổ đỏ” cho bà cầm để làm tin rồi vay tiền. Trong quá trình vay nợ, bà Bích cũng đã trả cho bà Quý khoảng 100 triệu đồng tiền lãi.
Sau khi phát hiện Giấy chứng nhận mình hiện cầm là giả, bà Quý có nhắn tin với bà Bích về vấn đề này thì bất ngờ nhận được lời đe dọa từ phía bà Bích sẽ kiện ngược lại. Ngoài ra, bà Quý cũng thường xuyên nhận được điện thoại của một vài đối tượng đe doạ nếu bà Quý đưa vụ việc ra cơ quan Công an…, bà Quý lo lắng phân trần.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công an huyện Tiên Yên cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận tin tố giác tội phạm và tiến hành trưng cầu giám định. Ngày 23/3 vừa qua đã có kết luận giám định về “sổ đỏ” nói trên là giả. Hiện vụ việc đang trong quá trình điều tra xác minh.
Đánh giá về tính chất pháp lý của vụ việc, TS. LS Nguyễn Quang Anh, Công ty Luật TNHH Sao Việt, Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định: Một người có hành vi sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả đã cấu thành tội danh được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017) về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”; “Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Còn về hành vi vay tiền và cam kết “bán khống” căn hộ chung cư, được chia làm 2 tình huống: Tình huống 1: Việc sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất giả để đảm bảo cho quan hệ vay nợ không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của giao dịch dân sự vay nợ giữa hai bên. Việc sử dụng sổ đỏ giả chỉ khiến biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự bị vô hiệu, khoản vay từ có tài sản bảo đảm thành khoản vay không có tài sản bảo đảm. Giao dịch vay tài sản giữa hai bên vẫn là tự nguyện, có hiệu lực đầy đủ và vẫn phát sinh nghĩa vụ trả nợ của bên vay (hành vi giả tạo, gian dối để vay tiền chứ không phải để chiếm đoạt tài sản). Do mất khả năng trả nợ, người vay mới có thủ đoạn sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả, số CO 313220, để cam kết “chuyển nhượng nhà khống” cho bà Quý. Tại thời điểm này, ý thức chiếm đoạt tài sản của họ mới phát sinh và tài sản của bà Quý bị chiếm đoạt là 406.000.000 VNĐ. Hành vi đó cấu thành tội danh theo khoản 3 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản). Bên cạnh đó, nếu trường hợp quan hệ vay tài sản và quan hệ chuyển nhượng căn hộ là một chuỗi hành vi thống nhất do người vay dự tính từ ban đầu nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì việc “chuyển nhượng khống” căn hộ chung cư chỉ là một trong những chuỗi thủ đoạn người vay sử dụng nhằm mục đích chiếm đoạt được tài sản. Tình huống 2: Nếu người vay đã sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối dưới một chuỗi hành vi đi từ quan hệ vay tài sản, để dẫn đến quan hệ buộc bà Quý phải đồng ý với cam kết “nhận chuyển nhượng khống” căn hộ với mục đích cuối cùng là chiếm đoạt khoản tiền vay, thì hành vi đó có thể cấu thành “Tội lừa đảo chiểm đoạt tài sản” theo khoản 3, Điều, 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. |