Cảnh giác lừa đảo “dịch vụ” rút tiền bảo hiểm xã hội

Bạn đọc - Ngày đăng : 16:50, 08/03/2023

Thời gian vừa qua, lợi dụng người dân có nhu cầu rút tiền bảo hiểm xã hội nhưng không rành thủ tục, các đối tượng tự xưng cán bộ bảo hiểm rồi giả mạo trang Facebook của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân.

Mạo danh cơ quan bảo hiểm xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Ngày 24/2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đưa ra cảnh báo hiện tượng mạo danh cơ quan BHXH nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Theo đó, mới đây cơ quan bảo hiểm đã nhận được thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương về việc có một số đối tượng giả danh trang Facebook của BHXH Việt Nam để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể vào ngày 6/02/2023, do cần rút tiền BHXH trước thời hạn nên chị Nguyễn Thị V. (SN 1992, quê Hải Dương) sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn V.” để bình luận vào một bài viết trên trang Facebook có tên “Bảo hiểm xã hội” và được hướng dẫn liên hệ trực tiếp với bộ phận tiếp nhận hồ sơ có tên Facebook là “Nhàn Thanh”.

Sau khi liên hệ qua Messenger cùng đối tượng tự xưng “Nhàn Thanh” thì chị V. được tư vấn và hướng dẫn: Không mất tiền phí, chỉ cần làm hồ sơ để rút tiền và nộp số tiền 1.000.000 đồng/1 hồ sơ.

Ngày 10/02, chị V. có nhờ “Nhàn Thanh” làm hộ hai bộ hồ sơ để rút tiền cho chị và chồng của mình là anh Nguyễn Văn T. với tổng số tiền hai vợ chồng được nhận sẽ là 202 triệu đồng.

Không chút nghi ngờ, chị V. làm theo hướng dẫn của “Nhàn Thanh” và đã chuyển tổng số tiền trên 109 triệu đồng đến số tài khoản do các đối tượng này chỉ định để “làm thủ tục”.

Kết quả, chị V. vẫn chưa rút được tiền và mất luôn số tiền cả trăm triệu đồng đã chuyển. Sau khi chuyển tiền, chị V. không liên lạc được với “Nhàn Thanh” nên mới biết mình bị lừa và đến công an trình báo.

Còn anh N.T.A (Bắc Giang) bị lừa hai lần với số tiền tổng cộng hai triệu đồng. Làm công nhân tại Bắc Giang, sau 6 tháng nghỉ việc, anh A đọc được tư vấn từ các đối tượng cò mồi về việc mua - bán sổ BHXH trên mạng xã hội.

"Họ nói thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, khỏi đi làm thủ tục ở cơ quan BHXH mất công sức và thời gian. Tôi đã chủ động liên hệ với một Facebook có tên Nguyễn Minh Tú để hỏi về cách làm" - anh A. nói.

Sau khi gửi toàn bộ thông tin về sổ BHXH và nhân thân cho đối tượng Tú, anh cũng nhận được email tính toán số tiền được hưởng hơn 30 triệu đồng. Đối tượng lừa đảo lập tức gọi điện xác nhận và yêu cầu anh chuyển hai lần, mỗi lần 01 triệu đồng “phí giao dịch với cơ quan BHXH”.

Không chút nghi ngờ, anh A. làm theo, nhưng chờ mãi không thấy Tú liên hệ để trả “chế độ” như đã nói. Vài ngày sau, anh gọi điện thì đã không liên lạc được. Lúc này, anh A. mới biết mình đã bị lừa.

BHXH Việt Nam cho biết đây không phải lần đầu tiên xuất hiện tình trạng các page Facebook giả mạo cơ quan BHXH hoặc cán bộ cơ quan BHXH để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

Trước đó, tại một số địa phương như TP.HCM, tỉnh An Giang… cũng đã có những vụ việc lừa đảo về hồ sơ hưởng BHXH để chiếm đoạt tài sản tương tự như những vụ việc nêu trên.

Các đối tượng lừa đảo này yêu cầu người lao động cung cấp quá trình đóng BHXH trên ứng dụng “VssID - BHXH số” để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sau đó các đối tượng sẽ giúp người lao động làm thủ tục giải ngân trong hai ngày và lấy phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền người lao động nhận được, số tiền này phải thanh toán trước. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền cho đối tượng này, người lao động không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào và bị chiếm đoạt số tiền dịch vụ 5% đã thanh toán trước cho đối tượng.

Ngoài ra, nhiều tài khoản trên các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo) đã công khai đăng thông tin chào mời mua lại, cầm cố sổ BHXH của người lao động. Các tài khoản này còn cung cấp cả số điện thoại, tên người giao dịch cho người có nhu cầu liên hệ. Hầu hết các đối tượng đều lợi dụng tâm lý muốn nhận tiền “một cục” của người dân để kêu gọi người lao động bán, cầm cố sổ BHXH để giải quyết khó khăn trước mắt.

Lợi dụng tâm lý ngại tới cơ quan BHXH làm thủ tục nhận trợ cấp một lần trong khi đang cần tiền ngay của người lao động, các đối tượng mua lại sổ BHXH của người bán với giá thấp, sau đó dùng sổ BHXH này và giấy ủy quyền để nhận tiền trợ cấp một lần từ cơ quan BHXH. Số tiền người bán sổ nhận được sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền thực lĩnh từ cơ quan BHXH.

Cảnh giác lừa đảo “dịch vụ” rút tiền bảo hiểm xã hội
BHXH Việt Nam phát đi cảnh báo về việc đối tượng mạo danh cơ quan này lừa đảo người dân. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Cầm cố, mua bán sổ BHXH là trái với quy định của pháp luật

Sổ BHXH được coi là hồ sơ duy nhất làm căn cứ lập các thủ tục kê khai và xét hưởng các chế độ, chính sách, trợ cấp BHXH. Từ năm 2016, người lao động được quyền giữ sổ BHXH, giúp họ an tâm hơn khi nắm trong tay cơ sở chứng minh toàn bộ quá trình tham gia BHXH của bản thân.

Việc mang sổ BHXH đi cầm cố, mua bán để lấy tiền tiêu là những hành động vi phạm nghiêm trọng trách nhiệm bảo quản sổ BHXH của người lao động được quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật BHXH. Theo quy định tại khoản 2 Điều 97 Luật BHXH, cơ quan BHXH không quy định cấp lại đối với trường hợp cầm cố, mua bán sổ BHXH.

Nếu cơ quan BHXH phát hiện người lao động mang sổ BHXH đi cầm cố, mua bán sau đó lại đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ BHXH với lý do bị mất, hỏng, thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” đối với hành vi kê khai không đúng sự thật.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự, sổ BHXH không phải là tài sản nên không có giá trị mua bán, cầm cố, trao đổi hay thế chấp. Việc người lao động chuyển sổ BHXH cho người khác có thể tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật và gây bất ổn trong xã hội. Ngoài ra, khi có tranh chấp về pháp luật, người lao động sẽ chịu thiệt thòi.

BHXH Việt Nam khuyến cáo người dân, người lao động, các đơn vị, tổ chức không nên tìm hiểu thông tin tại các page Facebook, các diễn đàn… không chính thống, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, lừa đảo. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, người dân, người lao động có thể báo ngay cho cơ quan Công an để được hỗ trợ xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Hà Mai