Sắp xét xử phúc thẩm cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ Phùng Anh Lê

Tin xét xử - Ngày đăng : 14:52, 26/03/2023

Ngày 20/4, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa để xem xét kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê, cựu Đại tá, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội) về tội “Nhận hối lộ”.
719c49cf-e406-4b41-b726-f393e0bfa6c1.jpeg
Các bị cáo Phùng Anh Lê, Nguyễn Đức Châu, Vũ Công Ngọc, Lê Đình Trung (từ trái qua)

Trước đó, ngày 14/8/2022, cựu Đại tá Phùng Anh Lê đã bị TAND TP. Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc bị cáo Lê phải nộp 110 triệu đồng tiền nhận hối lộ để sung công quỹ Nhà nước.

Tuy nhiên, sau đó, bị cáo Phùng Anh Lê đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng bản thân không có tội, bị oan.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 19/9/2016, anh Nguyễn Công Thành (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) tố cáo một nhóm người bắt giữ trái pháp luật rồi hành hung anh. Sau đó, Nguyễn Hữu Tài cùng một số đồng phạm ra đầu thú, do liên quan đến vụ việc trình báo của anh Thành. Quá trình điều tra, Công an quận Tây Hồ tạm giữ Tài 4 ngày.

Khi đó, người thân của Tài đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Phùng Anh Lê) để nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đã đặt vấn đề và được cựu Đại tá Phùng Anh Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện, gia đình nghi phạm phải "chịu chi" 110 triệu đồng.

Tối 22/9/2016, ông Bảy mang tiền đến phòng làm việc của cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ. Sau khi nhận tiền, Phùng Anh Lê chỉ đạo cấp dưới tha người trái pháp luật.

Ngày 22/1/2021, Công an TP. Hà Nội rà soát và lật lại hồ sơ vụ án. Bị đưa ra xét xử, bị cáo Phùng Anh Lê liên tục kêu oan, phủ nhận cáo buộc và lời khai của người liên quan.

Theo HĐXX cấp sơ thẩm, trong vụ án này, người phải chịu trách nhiệm chính là bị cáo Phùng Anh Lê. Đáng lẽ bị cáo phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng vì động cơ, mục đích không trong sáng, vụ lợi, bị cáo đã tha trái pháp luật đối tượng Tài.

Các bị cáo khác làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi. Họ đã tiếp nhận chỉ đạo trái pháp luật của bị cáo Phùng Anh Lê, thực hiện các mệnh lệnh không đúng pháp luật.

Bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng mình bị oan sai, cáo buộc không thuyết phục; bị cáo không nhận tiền hối lộ. Nhưng HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, việc truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.

Theo HĐXX cấp sơ thẩm, để xảy ra vụ án tha nghi phạm trái pháp luật, một số lãnh đạo và cán bộ Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã thiếu trách nhiệm.

Viện KSNDTC đã đánh giá, phân hóa, không xem xét xử lý hình sự, nhưng đề nghị Công an TP. Hà Nội xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng, chính quyền đối với những cán bộ trên là có căn cứ và thỏa đáng.

Ngoài ra, sau khi vụ việc không xử lý đối với Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm bị phát giác, HĐXX thấy rằng, đã có việc sửa chữa, làm thất lạc hồ sơ và tài liệu xác minh ban đầu liên quan đến Tài.

HĐXX kiến nghị Công an TP. Hà Nội và Cơ quan điều tra Viện KSNDTC tiếp tục xem xét, xác minh làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Mạnh Hùng