Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình quán triệt một số nội dung quan trọng tại hội nghị cải cách tư pháp
Nội chính - Ngày đăng : 11:17, 28/02/2023
Kinh nghiệm, trình độ của Thẩm phán được nâng cao
Đánh giá về kết quả Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhận định, về cơ bản, Hội nghị đã hoàn thành các nội dung đề ra với chất lượng cao. Các ý kiến thảo luận tại các Tổ thảo luận và tại hội trường rất dân chủ, chất lượng, thẳng thắn, bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung các dự thảo báo cáo; đồng thời bổ sung, làm rõ thêm nhiều vấn đề, nêu thêm một số kinh nghiệm, cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Đây là dịp rất tốt, hội nghị như lớp tập huấn để học tập, quán triệt, chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời cũng là dịp để Lãnh đạo TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC thu nạp được những hiến kế từ các đại biểu của Tòa án các cấp.
Qua phần thảo luận dân chủ, thẳng thắn của các đại biểu là Chánh án cấp tỉnh, cấp huyện về công tác cải cách tư pháp, sửa Luật Tổ chức TAND, Chánh án cho biết: “Tôi rất vui mừng vì các đồng chí đã đóng góp rất trách nhiệm. Qua phát biểu của các đồng chí thể hiện nhận thức, kinh nghiệm, khả năng diễn đạt, trình bày quan điểm của các Thẩm phán nâng lên rất nhiều. Điều này rất quan trọng trong thời gian tới khi giao thẩm quyền cho các Tòa án cấp huyện”.
“Nếu như tất cả các huyện, các tỉnh đều có đội ngũ lãnh đạo chất lượng như vậy thì có nghĩa chúng ta đã có bước chuẩn bị quan trọng để đảm nhận những nhiệm vụ nặng nề hơn trong tương lai”, Chánh án nhận định.
Về thực hiện các giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng công tác xét xử, Chánh án TAND Nguyễn Hòa Bình nhận xét, số lượng, chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc tiếp tục được nâng lên, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu Quốc hội đề ra. Công tác xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật được tăng cường, góp phần quan trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Tổ chức bộ máy được củng cố, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ chức danh tư pháp trong Tòa án được tăng cường cả về số lượng và chất lượng…Đặc biệt, việc thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ. Qua đó kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, người có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chánh án TANDTC cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót. Do vậy, một nội dung quan trọng của hội nghị lần này là bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử.
Không nhắc lại các giải pháp cụ thể mà hội nghị đã đề ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chỉ lưu ý một số nội dung.
Thứ nhất, về phát triển án lệ. Hiện nay, tốc độ phát triển án lệ hơi chậm so với yêu cầu, mặc dù đã có thành công bước đầu. Đây cũng là lý do mà Chỉ thị năm nay của Chánh án giao chỉ tiêu cho các Tòa án phải phát triển án lệ.
Thứ hai, về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các Tòa án coi đây là hoạt động chính, cũng quan trọng như hoạt động xét xử.
Thứ ba, liên quan đến phiên tòa xét xử trực tuyến, Chánh án TANDTC cho rằng chỉ có nỗ lực của Tòa án là chưa đủ, còn cần sự hỗ trợ của các cơ quan khác như Công an, Viện kiểm sát trong quá trình tổ chức phiên tòa… Để tiến tới việc xây dựng Tòa án điện tử, theo Chánh án, cần phải xây dựng một đạo luật riêng. Ngoài ra, Chánh án TANDTC cũng đề nghị các Tòa án tăng cường sử dụng phần mềm Trợ lý ảo.
Đề cao trách nhiệm người đứng đầu
Đặc biệt, tại hội nghị lần này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình một lần nữa nhấn mạnh việc đề cao kỷ cương, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật trong thực thi công vụ.
“Mỗi một vụ án Thẩm phán, Thư ký vi phạm, tất cả chúng ta đều đau xót, nhức nhối trong tim. Nhưng không chỉ đau xót mà qua đây phải trở thành bài học để chúng ta rút kinh nghiệm toàn hệ thống”- Chánh án nhấn mạnh và cho rằng làm thế nào để dấu hiệu vi phạm không xảy ra trong hệ thống Toà án là mong muốn, nhưng đồng thời cũng là “đích ngắm” của từng cán bộ công tác trong hệ thống.
"Chúng ta có thể xử 1.000 vụ án đúng pháp luật chưa chắc được khen, chưa chắc được nâng lương nhưng 1 vụ vi phạm pháp luật là có thể bị kỷ luật, thậm chí là bị xử lý ngay", Chánh án cho biết.
Lưu ý giải pháp về nêu gương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu là yêu cầu của Đảng nhưng cũng là yêu cầu của ngành, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Người ta nói cán bộ nào, phong trào đó, Chánh án nghiêm, chuẩn chỉ thì anh em cũng nghiêm và chuẩn chỉ. Việc duy trì kỷ cương, kỷ luật của các Tòa án phụ thuộc rất lớn vào trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm của người đứng đầu. Mong tất cả các Chánh án ngồi đây, dù ở cấp nào, cũng xác định đúng vị trí của mình để quyết định chất lượng hoạt động của Tòa án cấp mình”.
Tại hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Chánh án Tòa án các cấp quán triệt các giải pháp nâng cao chất lượng xét xử đến đơn vị mình quản lý.
Các giải pháp bao gồm: Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; Công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND; Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự;
Tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó giao chỉ tiêu tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm tới từng Thẩm phán; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử;
Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện làm việc cho các Tòa án; Làm tốt công tác thi đua khen thưởng…