Chánh án người H’re vận dụng hiệu quả Trợ lý ảo với công nghệ 4.0
Nội chính - Ngày đăng : 13:06, 31/03/2023
Năm 2022, TAND huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) đã thụ lý 150/152 vụ (đạt tỷ lệ 99%); thực hiện công bố 27 bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử (11 vụ hình sự, 6 vụ dân sự và 10 vụ hôn nhân); Phiên tòa rút kinh nghiệm thực hiện được 4 phiên tòa/Thẩm phán/năm (đạt 100%).
Ông Đinh K’Lít (người H’re), Chánh án TAND huyện Sơn Hà chia sẻ: “Đối với lĩnh vực tòa án, đơn vị rất khó khăn, trang thiết bị và cơ sở vật chất vô cùng hạn chế. Nhiều năm qua, đơn vị thường xuyên kiến nghị hỗ trợ của ngành và địa phương nhưng chưa được quan tâm kịp thời. Vượt qua khó khăn trước mắt, tập thể đã nỗ lực hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ được giao”.
Huyện Sơn Hà có trên 85% người đồng bào thiểu số (H’re, Kor và Cadong), đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn khi thu nhập kinh tế dựa vào nông nghiệp, trồng rừng sản xuất, đặc biệt là đồng bào cách xa trung tâm thị trấn Di Lăng.
Địa phương có 3 dân tộc thiểu số sinh sống, các phong tục truyền thống vẫn tồn tại và ngại tiếp xúc với đời sống văn minh, do đó nhận thức pháp luật và dân trí vẫn còn hạn chế.
Mặc dù trang thiết bị, cơ sở vật chất trong hoạt động Tòa án còn hạn chế nhưng TAND huyện Sơn Hà không ngừng nỗ lực, bám theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác cải cách tư pháp.
Song song đó, TAND huyện Sơn Hà từng bước khắc phục, vận dụng công nghệ 4.0, tích cực thực hiện nhiệm vụ, ứng dụng phần mềm Trợ lý ảo để hỗ trợ cho Thẩm phán về chỉ dẫn văn bản pháp luật, án lệ; hướng dẫn xử lý tình huống pháp lý cụ thể; tham khảo các bản án, quyết định tương tự; hỗ trợ hoạt động tố tụng và đưa ra đoán định tư pháp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Trần Văn Luật – Bí thư Huyện ủy Sơn Hà (Quảng Ngãi) cho biết: “Trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Huyện ủy Sơn Hà đã chỉ đạo, triển khai thực hiện sâu sát, thường xuyên và tăng cường giám sát của cả hệ thống chính trị đến từng cơ sở. Nhờ đó, cải cách tư pháp ở địa phương ngày càng được nâng cao toàn diện, đặc biệt địa phương tăng cường công tác xét xử lưu động nhằm tuyên truyền, răn đe cá nhân có ý định vi phạm pháp luật và đưa tư pháp gần hơn với nhân dân”.
Bí thư Huyện ủy Sơn Hà Trần Văn Luật nhấn mạnh, trong quá trình hoạt động của TAND huyện, đơn vị cần hỗ trợ phần nào để bổ sung, khắc phục khó khăn trong hoạt động cải cách tư pháp thì đề xuất địa phương sẽ kịp thời hỗ trợ.
Huyện Sơn Hà đã tích cực, nỗ lực góp phần xây dựng chiến lược cải cách tư pháp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới hiện nay.
Trong năm 2022, huyện Sơn Hà tiếp nhận 43 đơn/40 vụ việc phản ánh, kiến nghị, tố cáo, khiếu nại; trong đó đủ điều kiện xử lý 40 đơn/37 vụ việc (gồm 38 đơn/35 vụ việc kiến nghị - phản ánh, 1 đơn/1 vụ tố cáo và 1 đơn/1 vụ khiếu nại không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, đã giải quyết xong).
Kết quả giải quyết khoảng 85% đơn thư, đem lại niềm tin cải cách tư pháp đến nhân dân địa phương và không xảy ra đơn thư phức tạp kéo dài.
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, TAND huyện Sơn Hà còn thiếu nhân sự, với 3 Thẩm phán nhưng có 1 Thẩm phán biệt phái, 1 Thẩm phán tạm dừng để làm thủ tục tái bổ nhiệm từ tháng 12/2021 đến nay. Hiện nay, mọi vụ án đều do Chánh án Đinh K’Lít trực tiếp xét xử.
Chèo lái con thuyền tư pháp ở vùng cao, Chánh án Đinh K’Lít cùng tập thể TAND huyện Sơn Hà nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với cống hiến không ngừng, TAND huyện vinh dự đạt danh hiệu “Cờ thi đua TAND” liên tục 4 năm 2018-2021 và các năm khác đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”.
“Thời gian tới, mong các cấp kịp thời hỗ trợ trang thiết bị trực tuyến, khắc phục cơ sở vật chất dần xuống cấp, bổ sung nhân sự, hỗ trợ giải quyết các vụ án được kịp thời hơn”, Chánh án Đinh K’Lít bày tỏ.