Thủ tướng: Chính sách tiền tệ phải chắc chắn, linh hoạt, kịp thời hơn nữa
Nội chính - Ngày đăng : 16:54, 31/03/2023
Sáng 31/3, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (1/4/1963-1/4/2023) và đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Cùng dự có đồng chí Lê Minh Hưng, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện một số cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi thư, lẵng hoa chúc mừng.
Góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao và những thành tích xuất sắc mà các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên, người lao động Vietcombank đã đạt được, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của ngành ngân hàng và cả nước.
Với những thành tích xuất sắc, toàn diện đã đạt được, Vietcombank đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Dịp này, Vietcombank tiếp tục vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Theo Thủ tướng, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 còn kéo dài, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, xung đột ở Ukraine vẫn còn căng thẳng; tình trạng lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất, suy giảm tăng trưởng ở nhiều nước, nhất là các đối tác lớn của ta; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế có xu hướng gia tăng.
Nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động rất lớn từ bên ngoài, nhất là về thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ và những vấn đề tồn tại, hạn chế, bất cập nội tại kéo dài từ lâu đã bộc lộ rõ hơn trong khó khăn; trong khi đó dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường, gây hậu quả nặng nề. Bối cảnh đó đặt ra nhiệm vụ rất nặng nề đối với các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là hệ thống ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng ghi nhận và biểu dương tinh thần chủ động, tích cực, sự nỗ lực rất lớn và những kết quả quan trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và toàn ngành ngân hàng trong thời gian qua, nhất là những năm gần đây. Ngành ngân hàng đã cùng các cấp, các ngành, các địa phương luôn đồng hành, chia sẻ, kề vai, sát cánh, nỗ lực cùng nhân dân cả nước và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, những ảnh hưởng tiêu cực "kép" bởi các yếu tố từ bên ngoài cũng như những hạn chế, bất cập bên trong của nền kinh tế kéo dài từ nhiều năm và bộc lộ sâu, rộng hơn sau đại dịch. Ngành ngân hàng đã góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa để tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức trong thời gian tới, nhất là trước bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức như đã nêu; tập trung thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.
Chú trọng một số nội dung trọng tâm
Thứ nhất, thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, tăng cường phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; trong thiết kế, xây dựng và thực hiện các chính sách liên quan, cần lưu ý tìm giải pháp, cách làm, lộ trình phù hợp, hiệu quả để bảo đảm sự cân bằng hài hòa, hợp lý về 4 vấn đề quan trọng: Giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; giữa tình hình bên trong và tình hình bên ngoài.
Thứ ba, rà soát, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, chi phí cho vay, gắn với kịp thời thực hiện các giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; đồng thời rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận tín dụng kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp, người dân.
Thứ tư, bảo đảm tăng trưởng tín dụng kịp thời, hợp lý, hiệu quả gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), góp phần tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội (nhất là lĩnh vực nhà ở xã hội, nhà ở công nhân).
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…; nâng cao năng lực tài chính, quản trị và chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống và an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông, nhất là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Đối với hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, Thủ tướng đề nghị cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được; tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức; kịp thời có giải pháp hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đồng thời thực hiện đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển theo định hướng đã được đề ra trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030: Các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực; hoạt động minh bạch, cạnh tranh, an toàn, hiệu quả bền vững; cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình; dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; năng động, sáng tạo để thích ứng với quá trình tự do hóa và toàn cầu hóa; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng ngày càng gia tăng của nền kinh tế, tiến tới tài chính toàn diện vào năm 2030, bảo đảm mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ tài chính, ngân hàng có chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, các ngân hàng nước ngoài, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.
Riêng đối với Vietcombank, Thủ tướng nêu rõ, cần chinh phục hành trình "Vươn ra biển lớn", hiện thực hóa mục tiêu chiến lược: tiếp tục giữ vững vị trí ngân hàng số 1 Việt Nam, đứng trong số 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á, 300 tập đoàn ngân hàng tài chính lớn nhất thế giới, 1.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.