Nhớ về hoạ sĩ Bùi Xuân Phái

Văn hóa - Nghệ thuật - Ngày đăng : 13:36, 24/06/2022

Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội thập niên 50, 60, 70. Ngắm tranh của ông, người xem sẽ thấy những kỉ niệm, hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ...

Sáng 24/6, nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn và hoạ sĩ Bùi Thanh Phương (con trai cố họa sĩ Bùi Xuân Phái) tổ chức trưng bày các tác phẩm của hoạ sĩ Bùi Xuân Phái nhân dịp kỷ niệm ngày mất của cố hoạ sĩ (24/6/1988 - 24/6/2022) tại bảo tàng tư nhân Trần Hậu Tuấn, quận Tân Bình, TPHCM.

Hoạ sĩ Bùi Xuân Phái (sinh ngày 1/9/1920, mất ngày 24/6/1988), quê gốc  ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Ông tốt nghiệp khoa Hội họa Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1945.

Bùi Xuân Phái từng tham gia kháng chiến, tham dự triển lãm nhiều nơi. Năm 1952, ông về Hà Nội, sống tại nhà số 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi mất. 

Họa sĩ Bùi Thanh Phương (áo xanh), con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái trao một số kỷ vật của cố họa sĩ cho nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn

Bùi Xuân Pháinổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội. Tranh phố của ông vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60, 70. Các mảng màu trong tranh Phái thường có đường viền đậm nét, phố không những trở thành chính nó mà còn gần hơn với con người, từ bề mặt đến cảnh quan đều có chiều sâu bên trong.

Hoạ sĩ Bùi Thanh Phương con trai họa sĩ Bùi Xuân Phái (áo xanh)

Ngắm tranh phố cổ của ông, người xem nhận thấy họa sĩ đã gửi gắm những kỉ niệm, hoài cảm cùng nỗi buồn man mác, tiếc nuối bâng khuâng trên từng nét vẽ, như điềm báo về sự đổi thay và biến mất của từng mái nhà, từng con người mang hồn phách xưa cũ.

Ngoài phố cổ, Bùi Xuân Pháicòn vẽ các mảng đề tài khác như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... rất thành công. Nhiều tranh của Bùi Xuân Phái đã được giải thưởng trong các cuộc triển lãm của thủ đô và toàn quốc.

Tranh phố của Bùi Xuân Phái vừa cổ kính lại rất hiện thực, thể hiện rõ hồn cốt của phố cổ Hà Nội những thập niên 50, 60, 70

Điều đặc biệt, ông vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo khi không có đủ nguyên liệu và ông dùng nhiều phương tiện hội họa khác nhau như sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì…

Các tác phẩm của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính cách nhân bản và lòng yêu chuộng tự do, óc hài hước, đậm nét bi ai và khốn khổ. Ông đã góp phần rất lớn vào lĩnh vực minh họa báo chí và trình bày bìa sách, được trao tặng giải thưởng quốc tế (Leipzig) về trình bày cuốn sách "Hề chèo" (1982).

Trần Hợp Minh