Phục dựng lễ hội mừng làng mới của đồng bào Vân Kiều – PaKô

Xã hội - Ngày đăng : 08:20, 20/01/2019

Lễ hội mừng làng mới của đồng bào dân tộc Vân Kiều – PaKô sớm đã có từ lâu đời và được giữ gìn phát huy cho đến ngày nay.

Lễ hội mừng làng mới của đồng bào Vân Kiều – PaKô cần được giữ gìn như một nét văn hóa của dân tộc

Ngày thứ nhất: Nghi lễ tế thần, dựng cây nêu

Lễ hội mừng làng mới (Ariêu Pachen vel Tăme) của người Vân Kiều – PaKô đang cư trú tại xã A Xing, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị thường được tổ chức khi người dân trong làng xây dựng nhà mới xong và sau vụ mùa thu hoạch đầu tiên ở trên đất làng mới vào khoảng tháng 11,12 âm lịch tức là kết thúc mùa vụ sản xuất.

Lễ hội diễn ra trong 2 ngày

Lễ hôi sẽ được diễn ra trong 2 ngày, suốt thời gian đó già làng sẽ là người đứng đầu và điều khiển mọi sinh hoạt chung và các buổi tế lễ Yang (Thần), biết bản làng xin vùng đất này để khai hoang lập nghiệp, định cư bản làng.

Sau khi các già làng trưởng bản chọn ngày lành tháng tốt và các lễ nghi đã chuẩn bị kỹ sẽ tiến hành tổ chức lễ Pa Cha Tang, thời điểm lễ này diễn ra khi mọi người trong làng chuẩn bị bắt tay việc chọn đất dựng nhà. Sau lễ Pa Cha Tang sẽ diễn ra Lễ Pa Chiên Đung hay còn gọi lễ tẩy rửa xúi quẩy, nhơ bẩn, đuổi tà ma ra khỏi nhà để gia đình được sống trong ngôi nhà mới được bình yên, hạnh phúc mọi người được sức khỏe, mùa màng bội thu, gia súc gia cầm sinh sôi nảy nở.

Vào buổi trưa, trưởng làng và trưởng mỗi dòng họ ra ngoài cổng làng để đón khách, khách đến ngồi trên chiếu ăn cau trầu, uống nước. Lúc này làng mới tổ chức ca hát, cồng chiêng, hò đối đáp để khách nghe và thưởng thức.

Tiếp đó sẽ thực hiện nghi lễ dựng cây nêu, cây nêu được coi là một nghi lễ trong lễ ăn mừng làng mới của đồng bào Vân Kiều - PaKô, đây được xem như là biểu tượng kết nối con người với Yang. Ngoài ra. còn có lễ cúng qua lễ thần giữ làng, thần giữ đất như thần hoàng của người Kinh. Thầy cúng sẽ dâng lên Yang ước nguyện cầu khẩn cho lễ hội được diễn ra tốt đẹp, vật hiến sinh con trâu, con dê sẽ là của lễ làm đẹp lòng thần linh.

Một bếp lửa được thổi lên ngay giữa sân trung tâm, mọi người tiếp tục hát múa vui mừng ngôi làng mới đang được các đáng thần linh tiếp nhận ban ơn lộc.

Lễ đâm trâu là một nghi thức quang trọng lễ hội

Ngày thứ hai: đâm trâu, đâm dê để cúng tạ thần linh

Từ sáng sớm tất cả mọi người từ các ngôi nhà, mọi ngã đường lũ lượt tiến về trung tâm của làng. Với sắc phục truyền thống thể hiện nét văn hóa mặc của bộ tộc mình.

Thầy cúng và trưởng làng sẽ buộc con trâu vào cây nêu, chuẩn bị cho lễ hiến sinh, việc đâm trâu tế lễ để trình báo lên các Yang về niềm tin vào các thần linh sẽ đón nhận lễ vật hiến sinh qua sát tế con trâu đang sống. Trước khi đâm trâu thì có nghi lễ đâm dê, đơn giản hơn nhưng thực hiện trước một bước cho một nghi lễ lớn khác. Một người được chọn cầm dao đuổi con dê chạy quanh cột, lúc con dê đã thấm mệt, mồ hôi chảy ra nhiều thì tiến hành đâm dê.

Sau khi trưởng làng khấn cầu thần linh xong, ba hồi chiêng trống nổi lên, cồng chiêng cử âm điệu nghi lễ cầu thần, ba người được chọn trong làng cầm sẵn cây lao đầu bịt sắt, cán bằng gỗ hoặc bằng tre, ban đầu chầm chậm, sau nhanh dần lên và thanh niên được cử đâm trâu tìm huyệt để đâm làm sao con trâu mau gục nhất giữa tiếng hò reo của mọi người. Bản làng cùng với thầy cúng, trước sự chứng kiến của quan khách đã dâng lên mâm cúng cho Yang để chứng giám ngôi làng được công nhận là nơi ở mới được chở che của các đấng thần linh và mọi người đoàn kết đồng lòng xây dựng bản làng mới của mình.

Kết thúc lễ hội, mọi người cùng chúc nhau sức khỏe, đoàn kết nhất trí, kết nghĩa anh em và hẹn gặp lại lần sau

Kết thúc lễ hội, mọi người cùng chúc nhau sức khỏe, đoàn kết nhất trí, kết nghĩa anh em và hẹn gặp lại lần sau trong lễ hội Mừng làng mới tại một bản làng khác trong tình làng nghĩa xóm đầm ấm vui tươi của đồng bào Vân Kiều - PaKô.

Lễ hội truyền thống của đồng bào Vân Kiều – PaKô là một phận quan trọng cấu thành di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam là nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hoá nhằm thoả mãn khát vọng trở về cội nguồn tự nhiên. Lễ hội còn là nơi giáo dục tinh thần cho mọi tầng lớp nhân dân biết quý trọng và bảo tồn những tinh hoa quý giá mà cha ông đã tạo nên trong quá trình xây dựng quê hương đất nước.

 Mừng làng mới thể hiện rõ nét tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng tộc người đối với tổ tiên và các vị thần bản địa: thần đất, thần rừng, thần sông, thần suối. Có thể nói đã xuất hiện từ khi hình thành cộng đồng tộc người nhưng do thời gian phôi pha, chiến tranh tàn phá, đời sống người dân khó khăn, phong tục tập quán ảnh hưởng cùng với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, các thế hệ người dân Vân Kiều - PaKô đã dần dần bị mai một… nên lễ hội này không được duy trì tốt.

Quốc Lâm - Kim Tuyền