Chuyện tình Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang

Xã hội - Ngày đăng : 18:37, 19/01/2020

Đồng chí Nguyễn Kim Vang công tác và chiến đấu tại địa bàn tỉnh Phú Yên trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Đồng chí đã cùng với tập thể chiến đấu góp phần bảo vệ an toàn căn cứ, bảo vệ cán bộ lãnh đạo, bảo vệ hành lang cửa khẩu, vận chuyển lương thực, vũ khí phục vụ cho cuộc chiến đấu.

13-w748-h420.jpg

Tượng Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang trong khuôn viên trường Tiểu học Nguyễn Kim Vang

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã trôi qua gần 50 năm, những vết thương của chiến tranh thì còn dai dẳng, âm ỷ khó lành, nhất là những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp can dự vào nó. Chiến tranh không chỉ là những diễn biến khốc liệt, ghê rợn của tiếng xe tăng, máy bay gầm rú, tiếng bom đạn réo sôi, chết chóc tang thương mà còn bao gồm cả những âm hưởng lắng sâu trong đời sống tinh thần của con người. Song hành cùng chiến tranh là hận thù và đan xen tình yêu được ươm mầm trong xa cách, chia ly. Những người con trai ra chiến trận không hẹn ngày về và cả người con gái hoặc là chung chiến tuyến hoặc là ở hậu phương cũng ngã xuống hoặc sống lại một mình với những bức thư, dòng nhật ký, kỷ niệm lưu lại những chuyện tình đẹp như cổ tích chứa đầy vết cắt hoắm sâu.

Tôi vinh dự được mời đến dự lễ dâng hương anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang lần thứ 46, nhân ngày mất của anh (26/1/1972 - 26/1/2018), do thầy trò Trường Tiểu học Nguyễn Kim Vang tổ chức. Buổi lễ diễn ra long trọng, nhiều quan khách địa phương, gia đình, quí thầy cô giáo và học sinh về dự với tâm trạng thành kính và biết ơn sâu sắc. Trong số khách đông đúc đó, có một người phụ nữ đã lớn tuổi đã làm cho tôi đặc biệt chú ý, chị có khuôn mặt lộ rõ nét từng trải nhưng vẫn chứa ẩn nhiều nét xinh đẹp, phúc hậu. Chị lo lắng tất bật nhiều công việc, tôi lân la hỏi thì biết được chị là Nguyễn Thị Xuân Kỳ, người đã có mối tình đầu dài hơn 5 năm với anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang.

Tôi tìm gặp chị vào một chiều cuối mùa đông, mưa bay lất phất; buổi gặp ấy và những lần sau nữa đã để lại trong tôi nỗi day dứt, ám ảnh, đắng xót tiếc thương thân phận của những con người trải qua chiến tranh.

Chị “Xuân Kỳ”, sinh ra ở miền quê nghèo ven biển, nơi đây có vịnh Xuân Đài thơ mộng, có truyền thống đánh giặc quật cường. Trời phú cho Xuân Kỳ cô gái của làng biển Xuân Cảnh nhan sắc xinh đẹp, mạnh khỏe và rất thông minh. Sớm giác ngộ tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Năm 1964, Xuân Kỳ 14 tuổi tham gia cách mạng, đấu tranh ở các mũi biểu tình, phá cầu, phá đường tiêu thổ kháng chiến. Đầu năm 1965, Xuân Kỳ được cách mạng đưa lên núi học lớp y tá. Sau khóa học về công tác tại cơ quan Tài Mậu, tỉnh Phú Yên. Hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên hết lòng tin tưởng, Xuân Kỳ được Tỉnh ủy Phú Yên lựa chọn đào tạo lớp học đặc biệt “Nữ biệt động thành”. Lớp học đặc biệt nên tuyển chọn hết sức khắt khe: Phải trải qua thử thách chứng tỏ lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, là người có sắc đẹp, sức khỏe, tháo vát, có năng khiếu vận động quần chúng, “tuyên truyền đặc biệt” thuyết phục binh lính địch bỏ ngũ về phía ta…

12-w960-h540.jpg

Trường tiểu học mang tên Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Kim Vang

Bấy giờ, Xuân Kỳ như một bông hoa rực rỡ vừa chớm nụ giữa núi rừng bao la. Đồng đội cơ quan tôn vinh những người con gái đẹp nhất khu kháng chiến Phú Yên ở An Lĩnh là “Tứ đại mỹ nhân”, đó là: “Nhất Kỳ - Nhì Diệu - Tam Ngọc - Tứ Bình”, để ca ngợi về sắc đẹp của họ. Lớp nữ biệt động thành được đào tạo trong thời gian hơn hai tháng. Giáo viên là những sĩ quan có tài năng, kinh nghiệm trong chiến đấu. Với yêu cầu cấp bách, thầy và trò không quản ngày đêm vượt nắng, thắng mưa, dưới làn bom đạn chiến tranh và sự thiếu thốn về mọi mặt. Giữa thời buổi chiến tranh ít ai nghĩ đến tình yêu đôi lứa của riêng mình, tất cả như đang dành hết thảy cho tình yêu Tổ quốc. Nhưng quy luật cuộc sống vốn chứa đựng nhiều phép nhiệm màu giúp tình cảm bản năng vươn lên ngang bằng lý trí. Tình yêu đôi lứa vốn là thứ tình cảm mà trời đất đã ban phát riêng cho con người, chi phối ý thức con người đến mãnh liệt vô bờ. Chị Xuân Kỳ đã gặp giải phóng quân Nguyễn Kim Vang, anh là Chính trị viên Đại đội an ninh vũ trang Phú Yên, tăng cường làm giáo viên lớp đào tạo đặc biệt đó, và tình yêu đã đến với họ.

Nguyễn Kim Vang sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng và hiếu học ở Quảng Ngãi. Năm 1954, theo gia đình tập kết ra miền Bắc, những năm học phổ thông Nguyễn Kim Vang đã thể hiện là một học sinh thông minh, một cán bộ đội, cán bộ đoàn năng động. Năm 1963 đến năm 1965 theo học và tốt nghiệp sĩ quan Biên phòng. Với mong ước nhanh chóng giải phóng quê hương, thống nhất nước nhà, anh xung phong vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Chiến trường Phú Yên bước vào năm 1967 vô cùng ác liệt, là Chính trị viên Đại đội an ninh vũ trang, anh đã luôn thể hiện là cán bộ có bản lĩnh, gan dạ, mưu trí, lập nên nhiều chiến công xuất sắc, xây dựng nên tập thể Đại đội anh hùng LLVT.

11-w819-h546.jpg

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC cùng đoàn công tác thăm và tặng quà tại trường Tiểu học Nguyễn Kim Vang

Năm 1967, anh Nguyễn Kim Vang được giao kiêm nhiệm làm giảng viên lớp “Nữ biệt động thành” phụ trách các môn “ba mũi giáp công”, chính trị, quân sự, binh vận. Lớp học 11 học viên, thầy trực tiếp giảng dạy lý thuyết và huấn luyện võ thuật, chiến thuật. Những buổi học trong lán tranh, bãi tập giữa rừng đã nhen lên một tình yêu không hẹn trước. Cô học viên Xuân Kỳ đã thầm thương, trộm nhớ và đã bén duyên với người thầy Nguyễn Kim Vang. Bằng linh cảm của người thanh niên Kim Vang cũng đã sớm nhận biết tình yêu trong sáng mà người con gái trong trắng tinh khôi dành cho mình. Đôi trai tài, gái sắc đã yêu nhau trong gian khổ, thiếu đói, ác liệt của chiến tranh.

Một tình yêu lãng mạn và đẹp đẽ biết bao, một cú đánh của anh tập cho chị học võ, đỡ không đúng cách đau quá là giận hờn, bỏ ra suối không ăn cơm, thầy giáo (người yêu) phải năn nỉ mới chịu. Anh đi mũi về, chị biết tin ra vạt sắn núp nhìn trộm bước chân anh trên đường về cứ là vui, là hạnh phúc, khỏe khoắn lắm rồi. Có dịp về hậu cứ thì giá nào anh cũng ghé gặp chị cho bằng được, chỉ nhìn thấy chị thôi là anh lại yên tâm lên đường chiến đấu. Có lần Đại hội Đại biểu Đoàn thanh niên toàn tỉnh, đến giờ giải lao anh hát bài “Con cua đá”, vừa hát vừa thể hiện bằng hành động của ‘lính ta” và “chú cua”, áo quần anh lấm lem. Thanh niên reo hò cổ vũ, riêng chị lại không bằng lòng bỏ đi, thế là anh tự kết thúc tiết mục đầy cao hứng của mình. Tình yêu thật cao thượng, lắm lúc cũng có những ích kỷ đến dễ thương, tình yêu đó được hai người giữ kín đến mấy năm sau. Thơ chị viết : “Nhìn nhau ánh mắt nụ cười/ Hiểu nhau một chút riêng tư chúng mình/ Sống cho trọn đạo, chung tình/ Chiến tranh ác liệt cuộc tình chơi vơi”.

Tháng 10/1971, chị được cử đi học lớp y sĩ ở Trà Mi, Quảng Nam. Biết tin, anh tìm đến thăm chị, anh không nói gì nhiều nhưng qua khuôn mặt và ánh mắt chị biết anh buồn nhiều lắm. Thật may mắn, trước lúc đi học chị được gặp anh đang dự hội nghị an ninh tỉnh, hai người được tâm sự với nhau bên bờ suối khoảng năm phút. Trời đất như đã biết nên cho gió, lá rừng và dòng suối ngừng lao xao, róc rách, chim ngừng hót để lắng nghe lời lứa đôi trao nhau, họ ước mơ về một ngày mai tươi đẹp, sau giải phóng cưới nhau, hạnh phúc bên nhau với cuộc sống bình dị trên mảnh đất Phú Yên yêu dấu. Phút tạm biệt chị trao cho anh chiếc nhẫn để làm tin, bất ngờ anh cầm tay chị và cắn một nhát thật đau “cắn cho đỡ nhớ”, đến cả tuần sau vết cắn vẫn còn tím bầm, và đó cũng là lần cuối cùng anh được gặp chị.

Anh chị vẫn tiếp tục nhiệm vụ với tất cả lòng nhiệt huyết, họ chỉ đến với nhau bằng những lá thư hiếm hoi của đồng đội chuyển về, động viên nhau chiến đấu giỏi, công tác tốt giữ vững niềm tin, chung thủy với tình yêu hẹn ngày chiến thắng. Tình yêu của họ đã trải qua hơn 5 năm, đã chắp cánh cho họ có thêm nguồn sức mạnh bay lên vượt qua muôn ngàn thử thách của chiến tranh.

Một chiều tháng 5, miền Tây Phú Yên nắng như đổ lửa, chị nhận được tin sét đánh ngang tai: “… Anh Vang hi sinh rồi!...”. Ngày 26/01/1972, trên đường đi công tác, bị địch phục kịch, anh ngã xuống dưới chân núi Chóp Chài, bên bàu sen “Bửu Liên” giữa làng hoa Liên Trì đang khoe sắc, tỏa hương tiễn đưa linh hồn người anh hùng về với đất mẹ. Nhận tin anh mất, chị không tin, không muốn tin, không dám tin đó là sự thật. Tôi hỏi: “Nhận tin anh mất, chị khóc nhiều không?”, chị trả lời: “Chị không khóc!, thật đấy, em tin không!”. Chị cũng chẳng hiểu vì sao, trong 5 năm yêu thương nhau chị khóc rất nhiều nhưng khi nhận được tin bốn người thân lần lượt ra đi: Ba chị tập kết mất 1967, em chị hy sinh 1971, mẹ chị (Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Hợp) hi sinh 1972, đến anh Vang hi sinh 1972. Chị không khóc được, hình như nước mắt đã cạn rồi, chảy hết vào bên trong rồi. Tâm hồn như tê dại vì chứng kiến quá nhiều những đau thương tang tóc trên quãng đường đời chị đã qua. Nhận tin anh hi sinh, lòng chị khô héo vì chị yêu anh dữ lắm, và chị biết anh cũng vậy. Chị mang võng xuống bờ suối nằm, cho đến khi sương xuống, trăng lên mới vào lán, sáng ra đơn vị báo thức tập thể dục chị vẫn nằm, đau đớn, mỏi mệt. Nhưng cuộc đời cái gì qua thì cũng cứ phải qua, phải cố lên để vết thương còn lành. Đúng là không chỉ “đáy sông còn đó bạn tôi nằm” mà còn nhiều lắm, trên mảnh đất Việt Nam này và kể cả phía bên kia chiến tuyến cũng vậy còn hàng triệu người đã và đang chịu những vết đau thương chưa thể lành lại được. Chiến tranh quả là khủng khiếp!...

14-w664-h540.jpg

Lưu bút của đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ (nguyên Chánh án TANDTC) khi đến thăm trường Tiểu học Nguyễn Kim Vang

Những năm sau đó chị mang bóng hình người yêu đã hi sinh tiếp tục hành quân theo cuộc chiến, chị tham gia trao trả tù binh Mĩ năm 1973, phục vụ giải phóng Buôn Mê Thuột ngày 20/10/1975; tiếp quản bệnh viện Cam Ranh cứu chữa thương bệnh binh ở các mặt trận cho đến ngày giải phóng.

Sau giải phóng chị vẫn là một cô gái đẹp người, đẹp nết được nhiều người theo đuổi, nhưng hình như tâm hồn thì như đã chai sạn, thật khó tìm lại cái cảm giác yêu thương của thời son trẻ. Anh Nguyễn Kim Vang với những chiến công và đóng góp to lớn của mình đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang, anh là hình tượng cao đẹp của người lính xả thân hi sinh vì đất nước. Có hai ngôi trường được mang tên anh một ở xã Hành Đức, Nghĩa Hành, Quãng Ngãi quê hương anh; một trường ở xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên nơi anh ngã xuống. Hằng ngày thầy và trò của hai ngôi trường đó đang lấy anh làm tấm gương để học tập phấn đấu vươn lên trở thành con ngoan, trò giỏi. Anh là một hình mẫu của người giải phóng quân tiêu biểu để các thế hệ hôm nay và mai sau noi gương học tập.

Thời gian đã trôi qua gần 50 năm, chị giờ cũng đã có gia đình hạnh phúc, những đứa con thành đạt, những đứa cháu ngoan hiền. Nhà chị ở gần ngôi trường mang tên anh; nơi cách vị trí anh hi sinh không xa, nơi mà trước đây anh chị mơ ước sau giải phóng sẽ về sống bên nhau trong ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn, ao cá… Thay vào đó, hôm nay là ngôi trường khang trang mang tên anh, giữa sân trường có bức tượng anh hùng liệt sĩ Nguyễn Kim Vang oai phong, bức tượng mà chị được mời tham gia mô tả hình ảnh của anh lúc anh còn sống. Hằng năm, chị đều cùng nhà trường và gia đình tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ người anh hùng Nguyễn Kim Vang. Thơ chị viết: “… Hoàn thành nghĩa vụ thiêng liêng/ Chiến công chói lọi lỡ duyên cũng đành/ Bảng vàng anh đã ghi danh/ Xin anh nhận chút lòng thành của em…”. Anh Vang bây giờ là của chung toàn xã hội, tình yêu đôi lứa giờ chuyển thành lòng thành kính thiêng liêng suốt đời khắc sâu vào xương cốt chị.

Chuyện tình trong chiến tranh thật bình dị mà cao đẹp, để lại những giá trị đạo đức, tinh thần vô giá. Để cho chúng ta, những người may mắn sống, may mắn lành lặng trở về, trong cuộc sống hòa bình, có đầy đủ vật chất tinh thần không nỡ một giây phút so đo khi tỏ lòng tri ân đối với những mất mát hi sinh của họ, xin kính dâng anh nén nhang và lời cầu nguyện an lành về nơi chín suối.

Anh hùng liệt sỹ CAND Nguyễn Kim Vang, sinh năm 1944, cấp bậc: Thượng úy, chức vụ: Chính trị viên đại đội An ninh vũ trang, Đảng ủy viên, Ủy viên Ban An ninh tỉnh Phú Yên. Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng tại thôn Kỳ Thọ, xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Sớm tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1954 - 1962 được Đảng và Nhà nước đưa ra miền Bắc học văn hóa tại Trường học sinh miền Nam; năm 1963 - 1966 học trường Sĩ quan Công an vũ trang; năm 1967 tình nguyện vào Nam chiến đấu tại Ban an ninh tỉnh Phú Yên.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Kim Vang đã không ngại hy sinh gian khổ cùng đồng chí, đồng đội mưu trí dũng cảm, chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc và đồng chí đã hy sinh ngày 26/1/1972 (tức ngày 11 tháng 12 năm 1971 âm lịch), tại thôn Liên Trì, xã Bình Kiến, thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên và đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng 3.

Nguyễn Bá Thuyết