“Nơi cho nhau”, mái nhà chung của những người khuyết tật tài năng

Xã hội - Ngày đăng : 13:54, 20/01/2020

Không chỉ giúp những người khuyết tật có việc làm, tạo thu nhập ổn định cuộc sống mà từ lâu Trung tâm “Nơi cho nhau” tọa lạc tại quận Bình Tân, TPHCM đã trở thành mái nhà chung để những hoàn cảnh bất hạnh gửi gắm và chia sẻ tâm tư, tình cảm.

Sự đồng cảm và khát khao được sống, làm việc

Chúng tôi ghé thăm trung tâm vào một ngày cuối năm. Dù đã xế trưa nhưng tất cả nhân công vẫn đang tất bật làm việc, chỉ tay về phía xưởng, anh Đỗ Duy - Giám đốc dự án nói với giọng đầy thân tình: “Những nhân công đang làm việc ở dưới đó, có cả người khuyết tật”. Theo sự chỉ dẫn của một vài nhân viên, chúng tôi xuống xưởng và được xem tận mắt từng công đoạn để làm ra những trang sức hoàn kim, vật phẩm trang trí… mà lâu nay chỉ thấy qua tivi hay các phương tiện truyền thông.

Anh Duy cho biết, trung tâm có khoảng 14 - 15 nhân công làm việc xuyên suốt, vừa quan sát, tôi cố đưa mắt để tìm ra chân dung những người khuyết tật nhưng phải nhờ sự trợ giúp của quản lý Thắm, chúng tôi mới bắt đầu tiếp chuyện được với họ.

Lúc này, My Nah vẫn đang say mê với từng nét vẽ trên màn hình thiết kế, nhìn thoáng qua bề ngoài, chúng tôi cũng thầm đoán được tính cách và con người của chị, phóng khoáng và rất cởi mở, có lẽ đó cũng là bản chất của dân thiết kế. Tiếp chuyện với chị, sống mũi tôi bắt đầu cay cay khi chị kể về gia đình và những câu chuyện của bản thân. My Nah là con út trong một gia đình có 6 anh chị em, nhà nghèo lại đông người nên cuộc sống cứ chật vật, thiếu thốn mãi. Ở tuổi 18, chặng đường tương lai chỉ mới chập chững bắt đầu thì cô gái trẻ phải đón nhận những sóng gió của cuộc đời, chẳng bao giờ My Nah nghĩ sẽ mất mẹ và những anh em của chị cũng thế.

p1270793-w1000-h1500.JPG

Những người thợ say mê bên công việc

Thế nhưng, ông trời dường như vẫn muốn thử thách My Nah, nỗi đau cũ chưa nguôi thì mấy năm sau, cha chị lại đột ngột qua đời. Vừa kể tôi nghe, tay của My Nah vẫn bám chặt những nét vẽ nhưng lúc này nó có vẽ nguệch ngoạc hơn. Có lẽ cô đang cố miêu tả về đoạn đường ghập ghềnh, đầy rẫy gian truân mà mình đã trải qua.

Hiện tại được làm việc, cống hiến cho niềm đam mê là điều hạnh phúc lớn nhất của My Nah, khi nhắc đến ngôi nhà chung “Nơi cho nhau”, My Nah hào hứng kể về những người bạn cùng cảnh ngộ và cô liên tục nhắc đến những người thầy, người cô tại trung tâm. Đối với My Nah, đây không chỉ là nơi cưu mang, giúp cô ổn định cuộc sống mà bao dung hơn là một gia đình không có sự kỳ thị, khinh rẻ như những nơi mà cô từng tiếp xúc.

Trung tâm “Nơi cho nhau” có khoảng 7 người khuyết làm việc, mỗi người một số phận, hoàn cảnh riêng nhưng tất cả họ đều sống bằng sự chân thành và luôn cố gắng để trở thành những người có ích cho xã hội. Nếu đã từng ghé thăm mái nhà này, không ai có thể quên được hình ảnh chàng trai dùng đôi chân để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hoàn mĩ. Chúng tôi muốn nhắc đến Tây, chàng trai gốc Sài Gòn với khả năng vi diệu, dù bị cụt hai tay nhưng không vì thế mà cậu chán nản, thất vọng, ngược lại Tây luôn phấn đấu, sáng tạo hết mình vì tình yêu nghệ thuật.

p1270816-w1000-h666.JPG

My Nah, cô gái khuyết tật đầy tài năng

Trò chuyện với chúng tôi, Tây không giấu khỏi sự xúc động, sâu thẳm trong đôi mắt cậu còn khá nhiều điều khó nói. Có lẽ cậu vẫn thấp thỏm nỗi sợ hãi về vụ tai nạn năm ấy, vụ tai nạn đã cướp đi tương lai, hoài bão của một người trẻ đang ở tuổi khao khát, ước vọng. Tây kể, thời điểm đó cậu tưởng chừng không thể vượt qua, một người đang bình thường mà tự nhiên mất đi hai tay, sốc lắm nhưng vì gia đình, cha mẹ nên chỉ biết gượng cười, Tây ngậm ngùi.

Thế nhưng, sau những biến cố cuộc đời, Tây đã vực dậy tinh thần, tất cả được thể hiện qua những bức tranh mà cậu vẽ. Trong số những tác phẩm đó, Tây chia sẻ cậu thích nhất bức chân dung vẽ về bác Trịnh Công Sơn, không cần hỏi lý do nhưng ai cũng thầm nghĩ đó là hình tượng đã giúp Tây có được như ngày hôm nay. Nhiều năm gắn bó với mái nhà chung “Nơi cho nhau”, Tây đã có thêm nhiều mối quan hệ, đặc biệt, nơi đây đã hun đúc và đốt thêm ngọn lửa đam mê trong anh.

Một điều khá đặc biệt, không chỉ vẽ đẹp mà Tây còn có thể viết chữ bằng chân. Nhìn những nét vẽ trong các tác phẩm của cậu, ít ai biết rằng đây là kiệt tác của một con người không lành lặn, đã nhiều lần phải ngậm ngùi nhận lấy sự gièm pha, hắt hủi của xã hội.

Nơi gắn kết và chia sẻ yêu thương

“Nơi cho nhau” tọa lạc tại địa chỉ 1244, Quốc lộ 1A, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, là trung tâm được đạo diễn Lê Việt cùng nhóm doanh nhân tâm huyết mở ra để tạo việc làm cho người lao động, đặc biệt là những người khuyết tật. Nơi đây không chỉ là xưởng chế tác các hiện vật mà còn trở thành không gian để trưng bày những sản phẩm nghệ thuật như trang sức hoàn kim, vật phẩm trang trí, quà lưu niệm…

Với phương châm “Tận tâm cống hiến nhằm đáp ứng những gì khách hàng mong muốn”, từ lâu “Nơi cho nhau” đã trở thành địa chỉ đỏ được đông đảo doanh nhân, văn nghệ sĩ tin tưởng và yêu mến. Theo các nhân viên ở đây, trung tâm sản xuất các mặt hàng theo nhu cầu của khách hàng, không cố định về kích thước, mẫu mã mà luôn sáng tạo, tiếp thu những tinh hoa mới nhất của công nghệ.

Anh Đỗ Duy - Giám đốc dự án cho biết trước đây trung tâm thiên về sản xuất trang sức hoàn kim nhưng một năm trở lại đây, với mong muốn mở rộng và tạo thêm việc làm cho những người khuyết tật tài năng, “Nơi cho nhau” đã làm thêm những vật phẩm trang trí, quà lưu niệm đa dạng khác.

p1270873-w1000-h666.JPG

Đôi tay khéo léo của những người khuyết tật

“Hơn 1 năm gắn bó, điều làm tôi thấy vui nhất chính là những giá trị nhân văn mà “Nơi cho nhau” mang lại. Trong bối cảnh ngày nay, không phải nơi nào cũng chấp nhận cho những người khuyết tật vào làm việc nhưng trung tâm của chúng tôi đã làm được nhiều hơn thế”, anh Duy nói.

Hiện tại, trung tâm cưu mang rất nhiều hoàn cảnh bất hạnh, có những người không nghe, không thấy, có những người không lành lặn về thân thể nhưng họ luôn sống với một tinh thần lạc quan bởi đối với họ, ngày mai sẽ luôn có tia sáng và hy vọng. Đặc biệt chính sự gắn kết giữa những người bình thường và những người khuyết tật đã để lại dấu ấn đẹp cho những ai đã ghé thăm trung tâm.

p1270855-w1000-h666.JPG

Đôi chân tài hoa của Tây

Gắn bó với “Nơi cho nhau” từ những ngày đầu mới thành lập, anh Võ Thanh Cao không chỉ được biết đến là người thầy truyền lửa nghề mà hơn hẳn đó còn là người anh em, người bạn để cùng chia sẻ tâm tư tình cảm với những hoàn cảnh bất hạnh.

Xã hội vẫn còn rất nhiều những câu chuyện đẹp, hy vọng “Nơi cho nhau” sẽ tiếp tục phát triển và nâng tầm để có thể giúp đỡ thêm nhiều mảnh đời khó khăn trong xã hội, nhất là những người khuyết tật. Mong rằng ước mơ xây dựng cho riêng mình một căn phòng nhỏ để triển lãm, thể hiện năng khiếu nghệ thuật của Tây sẽ sớm thành hiện thực và những hoài bão của Quốc Đạt, Phạm Quý hay My Nah cũng nhanh chóng được thực hiện.

Kim Sáng