Chuyện về Anh hùng Núp và dấu ấn lịch sử của vùng đất kháng chiến
Xã hội - Ngày đăng : 15:43, 22/01/2020
Cổng vào làng kháng chiến Stơr
Mảnh đất “chôn chân” của quân xâm lược…
Anh hùng Núp, sinh ra và lớn lên tại làng Stơr, xã Nam, huyện An Khê nay thuộc xã Tơ Tung, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai. Từ nhỏ, cậu bé Núp đã sớm mồ côi cha, năm 15 tuổi phải đi phu cho Pháp nên đã sớm chứng kiến nhiều nỗi bất công, khổ đau của người dân dưới ách thống trị của thực dân và từ đó đã hình thành ý thức đấu tranh cách mạng của cậu bé Núp.
Mảnh đất yên bình, phía trước có suối Kzăc, phía sau có núi Ta gu sừng sững ôm lấy làng khiến cho nơi đây trở thành một địa điểm rất hiểm trở. Đội tự vệ trên 40 người lần đầu tiên được thành lập do chàng trai trẻ Đinh Núp chỉ huy, đã kết nối được sức mạnh trong nhân dân để giữ vững buôn làng.
Khi các địa điểm trọng yếu của Tây Nguyên lần lượt rơi vào tay thực dân Pháp, làng Stơr lọt giữa tầm ngắm vòng vây của địch và càng khó khăn hơn khi đói rét, bệnh dịch liên tục hoành hành. Ngày ngày, dân trong làng ăn củ rừng, đào rễ cỏ tranh đốt làm muối, dùng vỏ cây đóng khố và buộc váy để mặc. Lúc này, chàng trai Đinh Núp đã mất liên lạc với cấp trên nhưng luôn tin tưởng vào đường lối của Đảng, tin tưởng vào sự nghiệp đấu tranh.
Từ tháng 09/1950 – tháng 02/1951, thực dân Pháp đã tổ chức nhiều cuộc hành quân vây quét, đốt làng, phá rẫy, quyết loại bỏ bằng được dấu tích làng Stơr. Trước sức mạnh của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, Thôn trưởng Núp đã cùng dân làng Stơr bám đất, bám làng, bền bỉ đấu tranh bằng những vũ khí thô sơ với chiến thuật, chiến lược du kích vô cùng thông minh đã đánh bại nhiều cuộc càng quét. Làng Stơr đã trở thành “mảnh đất chết” đối với kẻ thù.
Du khách tham quan nhà lưu niệm anh hùng Núp
Nhân dân làng Stơr đã tìm mọi cách kêu gọi nhân dân các làng bạn cùng nhau đoàn kết, đứng lên chống giặc gìn giữ quê hương. Anh hùng Núp và làng Stơr đã trở thành huyền thoại trong lòng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên, trở thành biểu tượng cho một Tây Nguyên buất khuất. Đinh Núp là người Tây Nguyên đầu tiên được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, được bạn bè Quốc tế mến phục.
Tháng 05/1964, theo lời mời của Chủ tịch nước Cu Ba Phi-đen Cát-xtơ-rô, Ánh hùng Núp đã lên đường sang thăm đất nước xinh đẹp và hiền hậu này. Trên mảnh đất Cu Ba đầy nghĩa tình, Đinh Núp được đích thân người Anh hùng của châu Mỹ La tinh Chê-Ghê-Vara đón tiếp và dẫn đi tham quan cũng như gặp gỡ với nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước Cu Ba. Đặc biệt, Anh hùng Núp còn được Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô nhận làm anh em kết nghĩa trong sự vui mừng khôn xiết.
Sức sống mới trên vùng đất anh hùng
K’bang là một trong 5 huyện đầu tiên của cả nước được Chính phủ chọn làm điểm về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với xuất phát điểm thấp nhưng nhờ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó đi lên, đến nay toàn huyện đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế cũng như trình độ văn hóa. Chính quyền và người dân K’bang cùng chung sức đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Trên mảnh đất kiên cường và bất khuất, với ý chí tự lực tự cường đã tạo ra một sức sống mới một khí thế mới đã và đang tạo ra một K’bang vừa cổ kính vừa hiện đại. Vốn mang trong mình những nét đặc sắc về kiến trúc, điêu khắc, hội họa K’bang còn lưu giữ một kho tàng nhạc khí được chế tác bằng kim loại và nổi bật hơn cả là cồng, loại nhạc khí được biểu hiện tính cộng đồng, gắn bó với con người.
Lễ hội mừng lúa mới là một trong những lễ hội độc đáo nhất của quê hương Anh hùng Núp. Đây là lễ hội mang nhiều nét đặc trưng riêng có trong đời sống tâm linh của đồng bào Bahnar. Vào khoảng tháng 10, tháng 11 các gia đình Bahnar thường tổ chức ăn cơm mới tại gia. Đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, khi tất cả các hộ đều đã ăn mừng cơm mới của riêng mình và tuốt hết lúa rẫy thì làng sẽ chuẩn bị lễ mừng lúa mới chung tại nhà rông.
Nhiều cổ vật gắn với tên tuổi và giai thoại về người anh hùng và di tích lịch sử làng Stơr
Để tổ chức lễ mừng lúa mới, 1 cây nêu sẽ được dựng lên tại sân nhà rông. Lễ vật cúng gồm 1 con gà, ghè rượu được các gia đình đem đến, mẹt đựng cơm mới (còn gọi là cốm), bầu nước, bên cạnh dàn cúng còn có 1 cây đựng cốm (gọi là cây khal). Ý nghĩa của lễ hội để gửi lời thỉnh cầu của dân làng đến các vị thần linh để được ban cho đất tốt, lúa nhiều, mùa màng bội thu, đồng thời trao truyền cho thế hệ trẻ về tín ngưỡng cúng Yàng của dân tộc.
Không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên đã được UNESCO (Tổ chức văn hóa khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc) chính thức công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.
Hiện nay, nhằm bảo tồn, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và là điểm văn hóa du lịch của địa phương, UBND huyện K’bang cùng cơ quan chức năng đã trùng tu, tôn tạo phục dựng lại nguyên trạng làng kháng chiến Stơr. UBND tỉnh Gia Lai đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu lưu niệm Anh hùng Núp với tổng kinh phí xây dựng là 19 tỷ đồng. Làng Stơr đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa- Làng kháng chiến Stơr.
Anh hùng Núp đã đi xa nhưng trong tâm khảm của mỗi người dân, Anh hùng Núp luôn trường tồn mãi mãi, như cồng chiêng mãi ngân vang khúc khải hoàn và như sức sống mãnh liệt của vùng đất này.