Pò Hèn làng bích họa đẹp độc đáo rực rỡ giữa núi rừng biên giới Đông Bắc

Xã hội - Ngày đăng : 09:02, 23/01/2020

Ngạc nhiên, trầm trồ và yêu thích là cảm giác của mỗi du khách khi chiêm ngưỡng hơn 20 bức tranh vẽ trên các bức tường nhà đầy màu sắc, sống động tại xóm Họ Đặng của người Dao ở làng Pò Hèn, xã Bắc Sơn, TP Móng Cái.

anh-1-po-hen-khi-xuan-ve-1-w720-h456.JPG

Bông hoa “lạ” đẹp rực rỡ giữa núi rừng biên giới

Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, cách trung tâm thành phố Móng Cái 37 km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng an ninh, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Xã có 3 thôn (Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún Xã), gồm người Kinh, Dao, Sán Chỉ (dân tộc thiểu số chiếm 86,8%). Từ một khu dân cư hẻo lánh, xóm họ Đặng thôn Pò Hèn xã Hải Sơn đã trở thành một điểm đến hấp dẫn, với vẻ đẹp kỳ thú từ những bức họa trên tường nhà và cảnh sắc thiên nhiên hữu tình.

Nơi đây từng là chiến trường ác liệt trong cuộc chiến tranh biên giới 1979. Lịch sử qua đi, Pò Hèn đang hồi sinh mạnh mẽ và dang tay chào đón du khách ghé thăm quan. Bằng sáng kiến của Đoàn thanh niên thành phố Móng Cái cùng sự hỗ trợ của các đơn vị, những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao tại xóm họ Đặng thôn Pò Hèn xã Hải Sơn được khoác lên mình tấm áo mới đầy màu sắc nổi bật giữa núi rừng Đông Bắc, ai đã từng qua đây đều ví xóm Họ Đặng – Pò Hèn như bông hoa “lạ” đẹp rực rỡ giữa núi rừng biên giới Đông Bắc.

Chị Dương, Bí thư Đoàn thanh niên xã Hải Sơn cho biết: “Mới đầu khi thực hiện ý tưởng vẽ tranh trên tường, Đoàn thanh niên gặp rất nhiều khó khăn, vì người dân không đồng ý việc này. Nhưng “nước chảy đá mòn” lâu dần cộng với quyết tâm của mỗi cán bộ đoàn viên cũng như sự quan tâm của thành phố và chính quyền địa phương, chúng tôi cũng đã vận động được người dân vẽ tranh bích họa. Mới đầu chỉ có 1-2 gia đình đồng ý, nhưng sau đó chúng tôi vận động được cả xóm họ Đặng được vẽ tranh đẹp như thế này…”

anh-1-po-hen-khi-xuan-ve-4-w700-h466.jpg

“Làng bích họa” Pò Hèn như bông hoa “lạ” đẹp rực rỡ giữa núi rừng biên giới

Nhờ sự quyết tâm, kiên trì và nhẫn nại của các cấp chính quyền xã mà người dân đã đồng thuận một lòng xây dựng nên xóm Họ Đặng của người Dao đẹp như ngày hôm nay, trở thành điểm sáng trong du lịch của Quảng Ninh nói chung và thành phố Móng Cái nói riêng.

Đến xóm Họ Đặng làng Pò Hèn những ngày cuối năm, hình ảnh đầu tiên hiện hữu trước mắt mỗi du khách là mỗi một ngôi nhà trong thôn là một bức tranh sinh động khác nhau, mô tả cuộc sống sinh hoạt của bà con người dân tộc Dao nơi đây. Khi xuân về, bức tranh làng bích họa lại càng rực rỡ và độc đáo hơn vì khắp nơi ngập màu cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm… Điểm xuyến của màu cờ cùng với phong cảnh thiên nhiên và các bức bích họa tại Pò Hèn đã tạo nên bức tranh phong cảnh đặc sắc như muôn hoa nở rộ giữa núi rừng Đông Bắc.

anh-1-po-hen-khi-xuan-ve-3-w1000-h622.jpg

Kể về sự ra đời của ngôi làng này, ông Phùn Quốc Việt trường thôn Pò Hèn cho biết,“sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, có 15 hộ dân là người Dao, mang họ Tằng đến khu vực này và lập nên một xóm mới ở thôn Pò Hèn, nay là xóm họ Đặng. Tuy hầu hết người dân trong xóm đều mang họ Tằng, nhưng chính quyền và người dân trong xã đều gọi đây là xóm họ Đặng, có lẽ vì phát âm chữ Tằng và Đặng gần giống nhau.”

Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn thông tin thêm: “Cách đây hơn 2 năm, xã Hải Sơn triển khai xây dựng nông thôn mới, theo chủ trương của thành phố Móng Cái là đưa Hải Sơn thành điểm du lịch cộng đồng. Vì thế, chính quyền địa phương đã đầu tư hơn 700 triệu đồng để di dời chuồng trâu, bò ra xa nhà, làm vệ sinh toàn bộ thôn xóm. Ngoài ra, để tạo điểm nhấn cho xóm họ Đặng trong việc làm du lịch cộng đồng, chính quyền xã kêu gọi các hộ dân đồng ý vẽ tranh tường. Đến nay, toàn bộ xóm có khoảng hơn 20 hộ dân chấp nhận cho chính quyền vẽ tranh lên các bức tường xung quanh nhà. Dưới bàn tay của các hoạ sĩ được mời về, những bức tường rêu mốc nay đã trở thành những bức họa đẹp về con người và cuộc sống vùng đất nơi đây.”

Sẽ còn quay lại…!

Dẫn chúng tôi thăm quan “làng bích họa” trên những con đường bê tông sạch bóng, những người hướng dẫn viên du lịch thuần nông như ông Việt, chị Dương tự hào kể về cuộc sống của xóm họ Đặng và thôn Pò Hèn. “Ở đây chúng tôi hơn 90% là người dân tộc Dao, nên việc thay đổi một thói quen lâu đời là rất khó. Chúng tôi phải mất gần nửa năm trời đi vận động từng nhà để bà con đồng ý cho vẽ tranh. Giờ khách du lịch đến đông lắm, mỗi tháng các hộ dân cũng có thêm vài triệu đồng, tiền làm dịch vụ du lịch….”

Theo ông Việt, ngoài mùa màng, lên nương rẫy, người dân nơi đây gần như không có công việc gì khác. Nguồn thu từ du lịch như luồng gió mát làm thay đổi cả bản làng. Điện đường thôn xóm vào buổi tối sáng bừng. Trước đây 8 giờ tối là người dân tắt đèn, nay đồng bào thức muộn hơn nhờ có khách du lịch. Nhiều người dân còn nuôi con giũi (chuột rừng), lợn rừng, bán trà hoa vàng để phục vụ du khách kiếm thêm thu nhập ổn định cuộc sống gia đình...

anh-2-vu-van-son-chu-tich-ubnd-xa-hai-son-tro-chuyen-voi-nguoi-dan-w960-h692.jpg

Ông Vũ Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn trò chuyện với người dân

Pò Hèn những ngày xuân về, du khách đến đây không chỉ được nghe lại những câu chuyện lịch sử bi tráng, hào hùng, trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979, khi cả đồn biên phòng Pò Hèn với 45 chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc, trải nghiệm “làng bích họa” và cuộc sống của đồng bào các dân tộc địa phương. Mà còn được tham gia nhiều lễ hội đặc trưng của người dân tộc nơi đây như, ném khòn, bắn nỏ, kéo co, đi cà kheo, đẩy gậy, đánh đu,… Đặc biệt là bộ môn bóng đá nữ độc đáo được tổ chức vào mỗi độ xuân về thu hút đông đảo nhân dân và khách thăm quan trải nghiệm.

Ông Mễ Quang Vinh, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Sơn cho biết, “trước đây cả xóm họ Đặng lẫn thôn Pò Hèn rất ít người lui tới, nhưng từ khi người dân đồng ý vẽ tranh tường để làm du lịch cộng đồng, bộ mặt thôn bản đã hoàn toàn khác. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị UBND thành phố Móng Cái đầu tư hạ tầng tốt hơn nữa, để địa phương phát triển du lịch cộng đồng”.

anh-4-bo-mon-bong-da-nu-2-w951-h577.JPG

Về Pò Hèn khi xuân đến du khách được trải nghiệm bộ môn bóng đá nữ của các dân tộc địa phương 

Từ khi được vẽ tranh tường, xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn đã trở thành một địa điểm mới mà nhiều bạn trẻ không thể bỏ qua khi trải nghiệm các cung đường Đông Bắc. Bằng sự bình yên và tươi mới, nơi đây đã để lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong lòng các du khách. Đặc biệt khi nàng xuân ghé qua, xóm họ Đặng lại tấp nập hơn bởi những lễ hội độc đáo mang đậm bản sắc người dân tộc Dao, Sán Chỉ…. để lại nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau trong lòng các du khách, là điểm tham quan hấp dẫn dịp tết đến xuân về.  

Ngoài “làng bích họa”, tại xã Hải Sơn du khách còn có thể thăm thác nước Cao Lan; chụp ảnh tại cửa khẩu Pò Hèn, đài liệt sĩ Pò Hèn; ngắm cảnh hoặc mạo hiểm thì tắm sông Tràng Vinh. Du khách cũng được thưởng thức món cá suối, thịt ngan đen hoặc cà sáy (vịt lai ngan) hay mua về các sản vật địa phương như trà hoa vàng, khau nhục (thịt hầm với vị thuốc), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm…

V.Thu Trang