Trảy hội mùa xuân với lễ hội Tiên Công

Xã hội - Ngày đăng : 10:20, 31/01/2020

Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Hà Nam, Quảng Yên, Quảng Ninh - Mùa của lễ hội. Dù đi đâu, ở đâu con cháu Tiên Công cùng du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh đều nô nức về trảy hội Tiên Công.

1-w908-h681.jpg

Quang cảnh lễ hội Tiên Công

Lễ hội Tiên Công tổ chức vào dịp đầu Xuân, từ ngày mùng 4 đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội được nhân dân bảo tồn và phát huy giá trị hơn 300 năm nay.

Năm 2017, lễ hội Tiên Công được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Việc tổ chức lễ hội hàng năm, thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, “riêng có” của Quảng Yên, Quảng Ninh.

Để tưởng nhớ công ơn các Tiên Công đã có công quai đê, lấn biển lập làng, nhân dân toàn xã Phong Lưu, đảo Hà Nam đã lập miếu thờ ở thôn Cẩm La để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ 17 Tiên Công. Miếu Tiên Công từ đó đến nay, trở thành điểm du lịch tâm linh và là trung tâm tổ chức lễ hội.

Mở đầu lễ hội Tiên Công là lễ “Ra cỗ họ” hay còn gọi là “Lễ tế Tổ” được các dòng họ thờ Tiên Công tổ chức vào ngày mùng 4 tháng Giêng âm lịch đây là nghi lễ lớn nhất ở các từ đường thờ Tiên Công trong năm.

Ngày mùng 4 tháng Giêng, gia đình cụ Thượng có lễ vật đến từ đường họ nội và họ ngoại để kính cáo với Tiên Công và tổ tiên đã ban phúc ấm cho cụ Thượng được lên chiếu thọ.

Đồng thời kính báo cho Hội đồng gia tộc năm nay cụ được Thượng thọ và mời Hội đồng gia tộc đến nhà dự lễ mừng thọ. Lễ “Ra cỗ họ” là lễ cầu mong Tiên Công và tổ Tiên phù hộ cho cháu, con một năm mới an khang thịnh vượng.

Ngày mùng 5 Tết, con cháu trong gia đình có cha mẹ thượng Thọ chuẩn bị trang trí khuôn viên gia đình theo nghi lẽ truyền thống mừng Thọ; chuẩn bị trang phục áo gấm, khăn thêu chữ Thọ, gậy Thọ cho cha mẹ, chuẩn bị bàn ghế, cỗ bàn để ngày hôm sau, mùng 6 tháng Giêng làm Lễ mừng thọ cho cụ Thượng tại gia đình như một ngày hội đoàn tụ.

2-w615-h820.jpg

Đoàn rước trong lễ hội Tiên công

Ngày mùng 6 Tết, các gia đình không tổ chức đoàn rước cụ Thượng về miếu Tiên Công lễ tổ thì tổ chức đoàn chỉ đội lễ đưa cụ Thượng lên miếu lễ Tiên Công lễ tổ, truy ơn Tiên Công. Những gia đình có cha mẹ Thượng thọ có điều kiện sẽ cùng dòng họ và làng xóm tổ chức đoàn “Rước cụ Thượng” bằng võng đào về miếu Tiên Công lễ tổ, gọi là nghi lễ “Rước Thọ” “Rước người” cùng với công tác chuẩn bị lễ vật và các đồ nghi trượng, trang phục, đội nhạc lễ, kiệu võng đào cho đoàn rước được chuẩn bị từ hàng tháng trước khi diễn ra lễ hội.

Lễ hội Tiên Công đông vui và rực rỡ nhất là ngày “Chính hội” mùng 7 với nghi lễ “Rước người” độc đáo nhất trong cả nước, thể hiện sự ngưỡng vọng, tôn vinh các Tiên Công; các bậc cao niên; cụ “Thượng thọ”, mang đậm bản sắc văn hóa, của cư dân vùng cửa biển Bạch Đằng. Lễ hội còn có giá trị lịch sử về truyền thống quai đê, lấn biển lập làng lâu đời của dân tộc Việt Nam nói chung, thị xã Quảng Yên và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

Lễ hội Tiên Công với các nghi lễ “truy ơn” Tiên Công độc đáo, có giá trị tiêu biểu trong cả nước về truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhớ ơn tiên tổ; các nghi lễ, nghi thức mừng “Thượng thọ”; “lễ sống” “cụ Thượng”, tôn vinh, ngưỡng vọng các cụ ông, cụ bà tròn 80, 90, 100 tuổi.

3-w987-h615.jpg

Cụ Thượng được con cháu rước kiệu võng đào lên miếu Tiên Công

Nghi thức rước các “cụ Thượng” lên miếu Tiên Công lễ Tổ, là nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân địa phương, có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống đối với thế hệ trẻ, với con, cháu trong gia đình, dòng họ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngoài phần lễ độc đáo, phần hội cũng vô cùng phong phú và đặc sắc với nhiều hoạt động văn hóa; các trò chơi dân gian: chơi đu, chọi gà, cờ người, tổ tôm điếm, hát đúm, đấu vật, đắp đê… Trong đó đặc biệt là nghi thức cụ Thượng đắp đê và đấu vật mở đầu cho lễ hội.

Nghi lễ đắp đê và đấu vật của cụ Thượng trong lễ hội Tiên Công cũng là nét văn hóa độc đáo, tinh tế của những người Thăng Long đi khai canh mở đất, đến nơi đây vùng cửa biển Bạch Đằng trở thành truyền thống quai đê lấn biển, lập làng, giáo dục con cháu rèn luyện sức khỏe, đắp đê, làm thủy lợi, chống chọi với mưa bão, triều dâng bảo vệ xóm làng và từ đường hương hỏa của tổ tiên…

Xuân Canh Tý 2020 đang đến gần, du khách bốn phương hãy chuẩn bị hành trang về dự hội, để được chiêm ngưỡng những đoàn rước “cụ Thượng” với kiệu võng đào lộng lẫy, đi theo là cháu, con đề huề, cờ hoa rực rỡ, hân hoan như những đoàn rước kiệu Vua thời xa xưa và cùng tham gia vào các trò chơi dân gian đầy màu sắc của lễ hội Tiên Công nơi đây…

Trang Vân- Đình Dũng