Ngôi đình Việt thờ bà Chúa Chiêm
Xã hội - Ngày đăng : 11:03, 24/07/2020
Đình làng Phú Mãn
Phục hồi ngôi đình quý
Đình làng Phúc Mãn, xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam vừa được xếp hạng là Di tích lịch sử, nghệ thuật cấp tỉnh. Sự kiện này là niềm vui lớn của dân làng Phúc Mãn, đánh dấu sự hồi sinh của ngôi đình sau bao nhiêu thăng trầm… Đình được xây dựng năm Tự Đức 28 (1875) theo kiểu chữ Đinh, tiền đường 7 gian, hậu cung 2 gian, kiến trúc theo kiểu giá chiêng. Trên các cấu kiện kiến trúc chạm các đề tài rồng, phượng, hoa lá khá tinh xảo.
Trong đình còn giữ được nhiều cổ vật quý giá. Trong hậu cung, chính giữa thờ bức tranh kính vẽ cảnh sông nước, lâu đài. Hai bên có hai tấm bảng sơn son thếp vàng rất tinh xảo, dân làng gọi là tấm “mạc”, cao hơn 60cm, rộng 45cm, phần trên chạm lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh là hoa văn đều thếp vàng, phần chân đế kiểu chân quỳ chạm hổ phù ngậm chữ thọ. Hai tấm mạc này liên quan đến một nghi lễ thờ bà Mỵ Ê, đó là đúng giờ Tý ngày 8 tháng Ba, đình tổ chức nghi lễ thiết đàn, thỉnh tướng, khai khuông điểm nhãn hình Chúa Chiêm, sau đó dâng mạc che ảnh bằng lụa. Có lẽ vì luôn có tấm mạc (màn) che này nên bảng gỗ được gọi là tấm mạc.
Hiện vật quý giá nữa hiện đang thờ tại đình Phúc Mãn là khám thờ cỡ lớn, sơn son thếp bạc chạm phượng và hạc, cùng bức đại tự đề “Hậu đức chí nhân”, phía trên chạm lưỡng long chầu nguyệt; Một bức hoành đề “Tiết liệt phương danh từ”; Một cuốn thư kiểu dáng độc đáo làm thời nhà Nguyễn khắc bài minh ca ngợi bà Mỵ Ê. Đây là những cổ vật thuộc về đền Ba Làng, sau khi phá dỡ đền người ta chuyển sang chùa. Năm 2015, đình được tu bổ, dân làng mới mang về đình. Đình cũng tiếp nhận được 6 đạo sắc phong từ triều Tự Đức đến triều Khải Định do nhà chùa lưu giữ nhiều năm qua. Ngoài ra, đình còn có bộ bát bửu và nhiều biển gỗ quý đề “Lịch triều phong tặng”, “Nguyễn triều phong tặng”, “Tiết liệt phương danh – Minh Mệnh niên chế phong”.
Nhìn ngôi đình vàng son rực rỡ, trang nghiêm, không ai ngờ nơi đây từng biến thành kho, thành xưởng sản xuất… Ông Phạm Đình Long - Bí thư Chi bộ thôn cho biết, giai đoạn năm 1950-1854, đình là nơi tập trung của du kích, của bộ đội; Giai đoạn 1954 -1965, đây là nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ và là lớp học cho học sinh cấp 1; Từ 1966 đến 1973, HTX dệt kim Sông Vị, Nam Định sơ tán về đình, đình trở thành xưởng dệt; Giai đoạn 1973 -1977, đình là trụ sở HTX nông nghiệp.
Ông Đỗ Đình Tiên – Thru nhang đình cho biết, từ năm 1987, đình được trả lại nguyên trạng cho làng Phúc Mãn. Trong mấy chục năm đó, tất cả đồ thờ tự dân làng mang gửi sang chùa. Không ai dám nghĩ có ngày đình được phục hồi tốt đẹp như hôm nay.
Năm 1995, dân làng sửa lại hậu cung, rước đồ thờ từ chùa để hương khói phụng thờ và 10 năm sau, năm 2015 dân làng mới huy động sức người sức của để tu sửa toàn bộ đình, từ thay thế những rui mè hư nát, đến lợp lại mái, lát nền, lát sân, làm lại những đồ thờ đã bị thất lạc.
Nhìn ngôi đình khang trang, những ngày hè đang tỏa ngát hương cau, ai ai cũng thấy vui vì đã phục hồi được ngôi đình gắn bó với các thế hệ dân làng gần 200 năm qua.
Cổng Đền Ba Làng
Bà Chúa Chiêm
Đình Phúc Mãn thờ ba vị thành hoàng là Đức Chúa Chiêm hoàng hậu Mỵ Ê phu nhân, Đức bản thổ Kỳ quân lâm Đô thống đại vương và Thuận Mỹ công chúa. Tuy nhiên, đến nay dân làng chỉ có giữ được thần tích về bà Chúa Chiêm.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Giáp Thân (1044), vua Lý Thái Tông mang quân đi đánh dẹp Chiêm Thành do vua Chiêm thần phục nhà Tống, bỏ lệ nộp cống cho nhà Lý suốt 16 năm. Vua Chiêm Thành đã dàn trận trước ở sông Ngũ Bồ để đợi quan quân nhà Lý. Lý Thái Tông bèn cho quân sĩ bỏ thuyền, lên đất liền. Quân Chiêm Thành thấy binh lính nhà Lý rất đông và oai nghiêm nên chưa giao chiến đã bỏ chạy. Vua cho quân đuổi theo chém đến 3 vạn quân Chiêm, bắt sống hơn 5.000 người, bắt được 30 con voi. Lý Thái Tông thấy máu đầy gươm giáo, xác chất đầy đồng, lấy làm thương xót mới hạ lệnh rằng: "Kẻ nào giết bậy người Chiêm Thành thì sẽ giết không tha".
Vua Thái Tông kéo quân vào thành Phật Thệ, bắt cung nữ của Sạ Đẩu, kén lấy người nào giỏi hát múa cùng vô số cung nhân, nhạc nữ đem về nước. Quân về đến Lý Nhân, triệu vợ của Sạ Đẩu là Mỵ Ê lên hầu vua. Mỵ Ê phẫn uất nên từ chối, lấy chăn quấn mình rồi nhảy xuống nước tuẫn tiết. Vua khen là người trinh tiết, phong cho Hiệp chính Hựu thiện phu nhân.
Sử chỉ viết ngắn gọn như thế nhưng đến Phúc Mãn, nghe chuyện dân làng và những dấu ấn còn để lại mới thấy câu chuyện ngàn năm trước còn rất sống động. Đặc biệt là làng có lăng mộ bà Mỵ Ê. Hiện nay lăng mộ như một ngôi đền nhỏ, trên mộ có ba chữ Nữ Trinh Liệt. Lăng mộ kiến trúc kiểu chữ Đinh, do mới được tu bổ nên không còn dấu vết cổ xưa.Theo dân làng, khi thi thể vương phi Mỵ Ê dừng ở bãi sông thì thành mộ thiên táng, sau đó ba làng Nam Cầu, Phúc Mãn và Lý Nhân đã lập miếu thờ bà cạnh phần mộ.
Di tích quý giá
Ở vùng đất Hà Nam có nhiều nơi thờ Bà Chúa Chiêm Mỵ Ê phu nhân, có nơi thờ cả vua Chiêm Sạ Đẩu nhưng Phúc Mãn có thể nói là điểm gốc, vì có lăng mộ bà Mỵ Ê, có những người dân Chăm sống tại đây để giữ mộ và thờ phụng bà. Cũng vì bà Mỵ Ê được tất cả các triều đại từ Lý, Trần, Lê đến Nguyễn sắc phong gia tăng mỹ tự, giao dân làng tiếp tục thờ phụng nên bà trở thành một vị phúc thần linh thiêng. Do đó, triều đình đã cho xây dựng một ngôi đền lớn tại đây, cách lăng mộ khoảng 500m để thờ bà Mỵ Ê. Đền có lệ ba năm quốc tế một lần, nghĩa là triều đình cử quan về cúng tế.
Ngôi đền có tên chữ là “Tiết liệt Phương danh từ”, tên nôm là Đền Ba Làng do triều đình giao cho ba làng Phúc Mãn, Lý Nhân, Nam Cầu cùng phụng thờ bà Mỵ Ê. Đây là ngôi đền có kiến trúc “ngoại quốc nội vương”, hậu cung 5 gian; Tòa thiêu hương 3 gian, 8 mái, tòa tiền tế 7 gian. Hai bên có tả hữu vu, mỗi dãy 12 gian. Qua khoảng sân rộng 5 sào là đến cổng ngũ môn “xây dựng như một tòa thành”. Phía trên có ba chữ Đồng Nhật Nguyệt, hàm ý tấm gương tiết liệt của thần sáng cùng mặt trăng, mặt trời.
Dân làng vẫn truyền tụng rằng đền rất linh thiêng, ai đi qua cũng phải bỏ mũ, xuống ngựa, vác cuốc, vác mai cũng phải bỏ xuống, đi nhanh qua đền. Nếu ai cưỡi ngựa qua đền thì bao giờ đến cổng thứ ba, ngựa cũng tự đập mặt vào cổng 5 cái rồi mới đi tiếp được. Tiếc rằng do nhận thức hạn chế một thời, nên năm 1967, ngôi đền bị phá, chỉ còn lại hậu cung và cổng ngũ môn. Đến năm 1990, hậu cung bị phá, chỉ còn lại cổng sừng sững cho đến nay. Trên nền đền, người ta cho xây dựng trụ sở UBND xã. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, UBND xã đã chuyển sang địa điểm khác.
Bây giờ nhận thức lại về lịch sử, văn hóa, người dân mới nhận ra rằng một báu vật của làng đã bị hủy hoại. Ngôi đền là một di tích, lịch sử văn hóa độc đáo, có ý nghĩa lớn về nhiều phương diện. Việc thờ phụng bà Chúa Chiêm Thành cho thấy tinh thần hòa giải, hòa hợp của dân tộc ta, cũng như đề cao phẩm hạnh của người phụ nữ.