Ý nghĩa của Tết Hàn thực đối với người Việt

Xã hội - Ngày đăng : 11:55, 14/04/2021

Ngày 3/3 âm lịch hằng năm có không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà còn có một ý nghĩa rất sâu sắc đối với mỗi gia đình Việt Nam.

Nguồn gốc Tết Hàn thực 

Giải thích theo nghĩa tiếng Hán thì “Hàn” là lạnh, thực là “thức ăn”. Tết Hàn thực là tết ăn những đồ ăn, thức ăn lạnh. Ngày tết truyền thống này diễn ra ở một số tỉnh ở Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và một số cộng đồng người Hoa trên thế giới.

Sự tích tết Hàn thực được lưu truyền rằng vào đời Xuân Thu (770 - 221), vua Tấn Văn Công nước Tấn từng sống lưu vong được một hiền sĩ Giới Tử Thôi theo phò đã giúp đỡ nhiều mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không oán giận gì, ông về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn. Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mồng 3 tháng 3 đến mồng 5 tháng 3 Âm lịch hàng năm).

tet-han-thuc-w2048-h1536.jpg

Tết Hàn thực bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng khi về Việt Nam tết Hàn thực (còn được gọi với cái tên thân thương là tết bánh trôi, bánh chay) đã được thuần Việt hóa và mang những nét, bản sắc của riêng người Việt.

Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Ánh Hồng, Phó Trưởng khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết: "Tên gọi của Tết Hàn thực nghe có vẻ bắt chước từ Trung Quốc nhưng không phải, mà khi vào Việt Nam, nó đã hợp nhất với tết bánh trôi, bánh chay, tết tháng 3 của người Việt. Bản thân ngày tết này cũng mang ý nghĩa và thể hiện rõ nét về đặc trưng văn hóa, lối sống, những khát vọng mơ ước rất riêng của người Việt. Chính điều này đã tạo nên sức sống lâu bền của ngày tết bánh trôi, bánh chay. Khác với Tết Hàn thực ở Trung Quốc - thường không đốt lửa trong 3 ngày và chỉ ăn đồ lạnh đã nấu sẵn trước đó, ở Việt Nam, người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường".

tet-han-thuc-w2048-h1536.jpg

Tết Hàn thực có ý nghĩa như thế nào trong đời sống người Việt?

Người Việt Nam từ lâu đã luôn giữ coi trọng chữ “hiếu”, vì thế ý nghĩa được mọi người biết đến nhiều nhất của Tết Hàn thực đối với người Việt đó là tấm lòng thành kính hướng đến ông bà, tổ tiên, những người đã khuất.

tet-han-thuc-w2048-h1536.jpg

Vào ngày này hằng năm, các gia đình thường xay bột gạo, đồ đỗ xanh làm bánh trôi bánh chay, hoặc nấu chè để dâng lên bàn thờ cúng gia tiên. Tuy nhiên hiện nay, do công việc bận rộn cũng như quy trình làm bánh trôi, bánh chay cũng không đơn giản mà nhiều gia đình chọn các loại bánh trôi, bánh chay, chè,… được bày bán sẵn, vô cùng thuận tiện và dễ dàng.

Bánh trôi, bánh chay là biểu tượng của nền văn minh lúa nước, bánh trôi được nặn từ gạo nếp thành viên nhỏ, hình tròn, ẩn mình trong lớp vỏ trắng tùy vào khẩu vị và sở thích của mỗi gia đình, có thể là nhân đường đỏ hoặc nhân đậu xanh, sau đó luộc trong nồi nước sôi, sau khi bánh chín sẽ nổi lên mặt nước thì vớt ra bát cùng với nước. Bánh chay thì lại là loại không nhân, được đặt lên đĩa, bên trên được rưới chút nước đường.

Hằng năm cứ mỗi dịp 3/3 âm lịch, bàn thờ của các gia đình đều được bày biện tươm tấp, mùi thơm từ hương, từ hoa, từ những đĩa bánh trôi, bánh chay rồi chè đỗ xanh,… là hình ảnh quen thuộc nhưng ở đó toát ra những ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, cao quý, đó là sự kết tinh của văn hóa dân tộc, là biểu tượng của nét đẹp “uống nước nhớ nguồn”, là thể hiện mong muốn được sum vầy, ôn lại kỷ niệm cùng con cháu trong gia đình.

Thu Hằng