Đặc sắc mô hình ẩm thực truyền thống từ đất sét

Xã hội - Ngày đăng : 10:40, 27/04/2021

Qua bàn tay tài hoa của nghệ nhân vẽ tranh 3D Nguyễn Tấn Đạt, những mẫu đất sét khô khan động.bỗng chốc “biến hóa” thành những món ăn đặc trưng của ba miền đất nước một cách chân thực và sống

h1-30-4-w500-h293.jpg

Qua bàn tay tài hoa của anh Nguyễn Tấn Đạt, những mẫu đất sét khô khan được biến hóa thành những món ăn truyền thống chân thật và đẹp mắt

Căn phòng nhỏ chừng 7-8 m2 ở giữa trung tâm TP.HCM là nơi trưng bày bộ sưu tập hơn 20 món ăn ngon ngày Tết cổ truyền người Việt bằng đất sét do anh Nguyễn Tấn Đạt sáng tạo, thực hiện. Các món ăn đặc trưng của ba miền Bắc – Trung – Nam được anh Đạt thực hiện tỉ mỉ, đẹp mắt, giống kích thước thật như: bánh chưng, xôi gấc, gà luộc, bánh tét, dưa hấu, thịt kho trứng, nem chả, cá lóc nướng…

h3-ga-luoc-304-w500-h351.JPG

Gà luộc

Anh Đạt chia sẻ, xuất phát từ người bạn ở nước ngoài không về quê ăn Tết được, muốn nhờ anh làm mô hình món ăn truyền thống người Việt gửi sang để dạy con cháu hiểu biết hơn về ẩm thực ngày Tết cổ truyền dân tộc. Bản thân anh Đạt cũng hiểu rõ được ý nghĩa quan trọng của mâm cơm ngày cuối năm, vừa là để tưởng nhớ tổ tiên vừa là cầu nối gắn kết tình cảm gia đình sau những ngày xa cách. Hơn nữa, năm qua, xảy ra đại dịch Covid-19 nên rất nhiều bà con xa xứ không thể về quê đón Tết đã tiếp thêm động lực cho anh Đạt tạo ra mô hình mâm cơm gia đình để lưu giữ giá trị truyền thống.

banh-tet-304-w500-h354.JPG

Bánh tét

Để làm ba mâm cơm ngày sum vầy gia đình, anh Đạt mất hơn 1 tháng để hoàn thiện. Theo anh, khâu khó nhất là chọn món tiêu biểu, đặc trưng của mỗi vùng miền. Do đó, trước khi bắt tay vào thực hiện, anh dành thời gian tìm hiểu lịch sử, văn hóa và các món ăn đặc trưng của ba miền Bắc – Trung - Nam. Nếu như ở miền Bắc có bánh chưng, gà luộc lá chanh, thịt đông thì miền Trung không thể thiếu bánh tét, nem chả, tré và miền Nam thì có thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt, dưa chua, củ kiệu…

ca-linh-304-w500-h342.JPG

Cá linh

Anh Đạt cho hay, công việc này tuy không vất vả nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, chăm chút và khéo léo. Mỗi món ăn làm từ đất sét mất khoảng 1-2 ngày mới hoàn thiện, qua nhiều công đoạn như tạo hình, sơn màu, phủ keo, xịt bóng...Để tạo hình món ăn chân thật nhất, anh chọn đất sét Việt phù hợp cả về chất lượng và giá cả. Theo anh, cái khó nhất làm món ăn từ đất sét là làm chủ chất liệu, khi khô hay mềm đều tạo ra hiệu ứng chất lượng, sáng tạo khác nhau.

h5-304-w500-h349.JPG

Mâm cơm truyền thống của người miền Nam có đầy đủ món thịt kho hột vịt, canh khổ qua nhồi thịt, dưa chua, củ kiệu

Tiếp theo là cách pha màu cho giống thật, bởi mỗi món ăn có một màu đặc biệt rất khó pha. Cuối cùng là chọn hình ảnh món ăn, làm sao nhìn vào người ta thấy thích thú, muốn thưởng thức.

"Hơn cả một tác phẩm dùng để trưng bày, tôi muốn lưu giữ giá trị truyền thống, mang văn hóa Tết Cổ truyền đến gần hơn với các bạn trẻ", anh Đạt chia sẻ.

Lê Nam