Sơn La: Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xã hội - Ngày đăng : 19:01, 07/06/2021

Những năm qua, UBND tỉnh Sơn La bám sát sự chỉ đạo của trung ương về thực hiện hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huy động mọi nguồn lực đầu tư để đồng bào phát triển kinh tế, xã hội.

ba-con-nhan-dan-tai-huyen-yen-chau-lua-chon-san-pham-xoai-de-xuat-khau-w545-h332.jpg

Bà con nhân dân tại huyện Yên Châu lựa chọn sản phẩm xoài để xuất khẩu

Thực hiện Đề án kéo dài thời gian thực hiện Đề án theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025. UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Công văn số 4004/UBND-TH về việc kéo dài thời gian thực hiện đề án. Giao cho Ban Dân tộc tỉnh tham mưu thành lập Bộ phận Thường trực chỉ đạo, quản lý, giám sát thực hiện Đề án theo Quyết định 2152/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Mục tiêu Đề án được thực hiện từ giai đoạn 2020-2025 nhằm thu hút tối đa các tiềm năng nguồn lực quốc tế, đặc biệt là nguồn viện trợ không hoàn lại, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -2025.

Vận động, thu hút đầu tư quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dựa trên nhu cầu và thực tiễn, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, từng dân tộc, trên nguyên tắc bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, bảo vệ môi trường. Vận động hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân quốc tế hỗ trợ nâng cao năng lực cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi; công chức, viên chức thực hiện công tác dân tộc các cấp từ trung ương tới địa phương.

Đối tượng thu hút của Đề án là Chính phủ các nước, các tổ chức phát triển, các tổ chức quốc tế song phương, đa phương; các tổ chức Phi chính phủ (NGO), các cá nhân, doanh nghiệp ở nước ngoài. Đối tượng thụ hưởng của Đề án trực tiếp là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Các lĩnh vực ưu tiên của Đề án gắn với nội dung Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt của các hộ dân tộc thiểu số. Sắp xếp, quy hoạch, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc. Đầu tư phát triển giáo dục đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số; đầu tư nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Đầu tư phát triển cho nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Nguồn lực thực hiện Đề án từ vốn viện trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi từ các Chính phủ, các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGO và các doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài. Vốn đối ứng từ Nguồn ngân sách; cộng đồng, tập thể, cá nhân và của các doanh nghiệp ở trong nước. Tỉnh Sơn La tổ chức triển khai thực hiện, sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn vốn, tạo tiền đề cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Nguyễn Minh