Xòe Thái - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Xã hội - Ngày đăng : 10:45, 04/02/2022

Xòe Thái là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, một điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Ngày 15/12/2021 Di sản nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

anh-1-xoe-thai-w700-h466.jpg

5.000 người trình diễn sáu điệu xòe cổ, tạo hình thành bông hoa ban và ruộng bậc thang, trong đêm khai mạc lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò (Yên Bái) tháng 9/2019

Đặc sắc các điệu xòe Thái

Đây là minh chứng cho một di sản văn hóa quý giá của người Thái có sức sống bền vững trong nhân dân. Nghệ thuật Xòe Thái hay còn có tên gọi khác là múa xòe, xe khăm khen, hay ít phổ biến hơn là mố, múa then, hát then, múa cầm tay... Xòe Thái biểu hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể dân chủ cao nên mọi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc mình. Mới đây, nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại càng thể hiện sức sống bền vững của loại hình nghệ thuật này.

UNESCO nhận định: "Xòe Thái phản ánh thế giới quan và vũ trụ quan của người Thái, được trình diễn vào dịp Tết, trong lễ hội, các cuộc vui, liên hoan. Xòe Thái dành cho mọi người, không kể tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người".

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, xòe Thái được công nhận là di sản văn hóa thế giới khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng.

Còn người Thái thì có quan niệm: "Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ". Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa, người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới.

anh-2-xoe-thai-w700-h466.jpg

Xòe Thái gắn liền với lễ hội, nghi lễ, sinh hoạt cộng đồng của người Thái. Trong ảnh là Hoa hậu Hoàn cầu Khánh Ngân giao lưu, học hỏi xòe Thái với người dân bản địa trong chuyến công tác tại vùng Tây Bắc

Nói về múa xòe từ thời xa xưa người ta đúc kết có 36 động tác xòe, có lẽ sớm nhất là xòe vòng (xóe voóng). Đến ngày nay, do nhiều yếu tố ngoại lai, được nhiều nhà nghiên cứu và thường hay tổ chức múa xòe nên tùy theo từng vùng miền, thể loại múa xòe đã và đang được các cấp, các ngành hết sức quan tâm, trở thành loại hình múa trong hoạt động cộng đồng rất phổ biến, nhân rộng.  

Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, trong kho tàng dân ca dân vũ của dân tộc Thái, xòe chiếm một lượng lớn và có một vị trí rất quan trọng. Người Thái múa xòe vừa thể hiện đời sống sinh hoạt, gắn bó cộng đồng, gắn bó với thiên nhiên, với tâm linh theo quan niệm âm dương ngũ hành xuất phát từ văn minh lúa nước, vừa thể hiện giá trị nhân văn, giá trị văn hóa sâu sắc. Xòe là biểu tượng văn hóa Thái góp phần gắn kết con người với con người, con người với trời đất một cách sinh động, đầy tính lãng mạn nhưng cũng đậm tính xã hội.

Qua những điệu xòe, người ta thấy được cuộc sống của xã hội người Thái từ thưở sơ khai cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng người Thái, có giá trị giáo dục đạo đức cho mỗi con người, góp phần khẳng định bản chất kiên cường bất khuất, dũng cảm khiêm tốn, sáng tạo, cần cù, hướng các thế hệ người Thái tới lý tưởng cao thượng, tới lối sống lành mạnh, tình cảm cao đẹp…

Ngoài các điệu xòe trong nghi lễ tín ngưỡng, các điệu xòe giải trí hay biểu diễn đều có ý nghĩa quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Sau những ngày lao động vất vả, múa xòe giúp con người thư giãn, vui vẻ, phục hồi sức khỏe, có thêm năng lượng để tiếp tục lao động, làm việc hiệu quả hơn.

Các điệu xòe Thái góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian của cộng đồng dân tộc Thái, tạo nên bản sắc văn hóa riêng cho cộng đồng người Thái, từ trang phục dân tộc đến các điệu múa, âm nhạc, lời hát, nhạc cụ và không gian văn hóa đi kèm... 

Không những thế, nghệ thuật Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu, gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe, sau đó là kết tinh hạnh phúc. 

Nghệ thuật xòe được sinh ra trong quá trình lao động của người Thái và dần trở thành chất liệu gắn kết các dân tộc trên vùng cao Tây Bắc. Có ba loại xòe: xòe vòng, xòe nghi lễ, xòe trình diễn. Trong đó, xòe vòng phổ biến nhất. Mọi người nối nhau thành vòng tròn, thực hiện các động tác múa cơ bản như: giơ tay lên cao, hạ xuống, nắm tay người bên cạnh và bước chân nhịp nhàng. Động tác đơn giản biểu trưng cho khát vọng về sức khỏe và hòa hợp của cộng đồng. Xòe nghi lễ và xòe trình diễn được gọi tên theo các đạo cụ như: xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa. Nhạc cụ phục vụ múa xòe là tính tẩu, kèn loa, khèn bè, trống, chiêng, chũm chọe...

anh-3-xoe-thai-w700-h455.jpg

Xòe Thái là tiết mục không thể thiếu trong các lễ hội, sinh hoạt văn hóa của đồng bào Thái

Để xòe Thái thêm sức sống đương đại

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc UNESCO ghi danh Di sản nghệ thuật Xòe Thái có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản: “Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với người Thái ở 4 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Yên Bái mà còn là niềm vinh dự tự hào chung cho cả dân tộc chúng ta. Điều này càng chứng minh sự đa dạng phong phú của kho tàng di sản đất nước, đồng thời cũng cho thấy nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc giữ gìn phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc. Việc gìn giữ giá trị văn hóa chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia về văn hóa và bảo vệ chủ quyền quốc gia bằng văn hóa”.

GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người đã nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật Xòe Thái cho rằng, để bảo tồn di sản này phải bắt đầu từ chính cộng đồng của di sản: “Mọi di sản phải được thực hành sống động tại cộng đồng. Đối với xòe Thái trước hết cần đầu tư phát triển các đội văn nghệ, các câu lạc bộ văn nghệ tại cộng đồng. Bởi ở đó không chỉ là họ biểu diễn mà còn giao lưu với nhau, giao lưu với các cộng đồng khác. Đó là cách để bảo tồn và quảng bá di sản đối với các cộng đồng rộng hơn”.

anh-4-xoe-thai-w700-h466.jpg

Chúng ta cần tiếp tục các phương án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản nghệ thuật Xòe Tháiđể nghệ thuật này thêm sức sống đương đại

Một trong những cách bảo tồn truyền thống hữu hiệu đã được khẳng định đó là tổ chức truyền dạy bởi các nghệ nhân cho cộng đồng và cho các thế hệ tiếp nối, cho các bản, các đội văn nghệ, các CLB cộng đồng. Cùng với đó, trong những năm gần đây, việc bảo tồn Di sản nghệ thuật Xòe Thái đã được gắn với phát triển kinh tế xã hội mà cụ thể là phát triển du lịch cộng đồng.

GS Bùi Quang Thanh nhận định rằng đây là một hướng đi đúng, là sự phát triển tất yếu của hình thức giao lưu văn hóa và khai thác giá trị văn hóa để phục vụ đời sống kinh tế, đó chính là kinh tế văn hóa. "Đây cũng là một cách tốt để di sản có sức sống trong đời sống đương đại. Tuy nhiên, muốn phát triển du lịch với xòe Thái thì phải coi trọng phát triển du lịch bền vững, phải tôn trọng bản sắc của xòe Thái, tôn trọng sáng tạo của cộng đồng bản địa trong từng tiết mục xòe chứ không chỉ làm theo ý thích của du khách".

Trong đề xuất các phương án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản nghệ thuật Xòe Thái, nhiều chuyên gia cũng đưa ra ý kiến là cần số hóa và thực hiện sản xuất các tài liệu nghe nhìn về thực hành di sản này và truyền tải trên môi trường số. Đây cũng là một cách bảo tồn cần được lưu tâm trong kỷ nguyên số ngày nay. Nhưng điều quan trọng nhất để bảo vệ các hình thức nghệ thuật biểu diễn truyền thống xòe Thái cần tập trung vào sự chuyển giao tri thức và kiến thức, các kỹ năng biểu diễn, sản xuất nhạc cụ.

Và đặc biệt, theo GS Bùi Quang Thanh, mấu chốt là cần quan tâm cụ thể đến đội ngũ nghệ nhân tại cộng đồng bởi thương hiệu đích thực của các làn điệu xòe dân gian đang nằm trong tay các nghệ nhân: “Di sản muốn tồn tại đúng bản chất thì thành phần nghệ nhân rất quan trọng. Chính quyền các cấp cần quan tâm đến nghệ nhân một cách rất cụ thể, thể hiện qua các cơ chế, chính sách ứng xử với nghệ nhân. Cần có những chính sách cho họ cả những vấn đề đời sống như bảo hiểm y tế, nhân thọ, kinh phí truyền dạy…”.

Với những giá trị về tinh thần không thể phủ nhận qua thời gian, nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống và lan tỏa tới nhiều cộng đồng khác xứng đáng với vị thế của một di sản được UNESCO ghi danh.

Thu Trang