Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”

Xã hội - Ngày đăng : 16:05, 13/11/2022

Ngày 13/11, Bộ Tư pháp và Trường Đại học Luật TP.HCM đã cùng phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam”.

Đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên tại Việt Nam về chủ đề pháp luật và trí tuệ nhân tạo nói chung, và cụ thể là thiết lập các quy định riêng rẽ về trách nhiệm pháp lý liên quan tới ứng dụng AI trong đời sống xã hội.

Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM; Bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp; PGS.TS Trần Việt Dũng - Trưởng Khoa luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP.HCM cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước…

Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. HCM nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các quy định của pháp luật,… đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của những đối tượng liên quan đến trí tuệ nhân tạo là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải phát biểu khai mạc Hội thảo

Hơn thế nữa, Bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp hy vọng rằng những thông tin, nội dung, những vấn đề trong buổi hội thảo hôm nay sẽ giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công việc trong việc kiến nghị với Thủ tướng, Chính phủ trong việc hoàn thành việc hoàn thiện thể chế liên quan đến các đối tượng lĩnh vực về trí tuệ nhân tạo.

Hội thảo được tổ chức thành ba phiên. Chủ đề phiên thứ nhất “Tổng quan về địa vị pháp lý của trí tuệ nhân tạo & trách nhiệm pháp lý dân sự liên quan đến trí tuệ nhân tạo” đã đưa ra các nội dung tham luận về: “Các nguyên tắc cho khung pháp lý điều chỉnh trí tuệ nhân tạo” của LS. Derek Ho - Cố vấn pháp lý về Bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân, Mastercard khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi và “Quyền sở hữu trí tuệ đối sáng chế liên quan đến AI và trách nhiệm sản phẩm từ kinh nghiệm pháp luật của Hoa Kỳ” của TS. Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trưởng Phòng Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Luật TP.HCM.

Hội thảo quốc tế _Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo_ Thực tiễn quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam_  thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả trong và ngoài nước

Đến với phiên thứ hai về chủ đề “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong một số lĩnh vực kinh doanh”, hai tham luận nhận được nhiều sự quan tâm, trao đổi sôi nổi là “Trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế và trách nhiệm bồi thường do cẩu thả tại Singapore” của GS. Gary Chan - Phó Hiệu Trưởng Đại học Quản trị Singapore (SMU) và “Trí tuệ nhân tạo và trách nhiệm dân sự: Trường hợp của phần mềm hỗ trợ quyết định và chẩn đoán y tế - Kinh nghiệm từ pháp luật Cộng hòa Pháp” của ThS. Nguyễn Phượng An - Giảng viên, Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM và ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy - Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Trường Đại học Luật TP. HCM.

Tại phiên thứ ba, Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh các vấn đề về trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu. Hai tham luận nổi bật trong chủ đề là “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong việc xử lý dữ liệu cá nhân - pháp luật Liên minh châu Âu và gợi mở cho Việt Nam” của TS. Trần Kiên - Giám đốc Trung tâm pháp luật so sánh, Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) và NCS. ThS. Hồ Minh Thành - Giảng viên, Trường Đại học Luật, Đại học Huế và “Trách nhiệm pháp lý liên quan đến Trí tuệ nhân tạo đối với bảo vệ dữ liệu và thông tin cá nhân: góc nhìn từ pháp luật Nhật Bản” của LS. Murata Tomonobu - Nishimura Asahi.

Bà Lê Thị Hoàng Thanh - Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp phát biểu tại Hội thảo

Tại mỗi phần thảo luận, mỗi vấn đề pháp lý được đề ra thông qua các bài tham luận đều được các chuyên gia, nhà nghiên cứu phân tích một cách toàn diện và sâu rộng về mặt nội dung lẫn khả năng áp dụng vào thực tiễn.

Hội thảo quốc tế “Trách nhiệm pháp lý trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Thực tiễn quốc tế và kinh nghiệm cho Việt Nam” đã làm rõ cũng như kiến nghị xây dựng khung pháp lý nhằm đảm bảo sự vận hành thuận lợi, tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội và đảm bảo lợi ích quốc gia. Không chỉ vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý cũng góp phần phòng tránh tình trạng bị động trước các vấn đề phát sinh từ ứng dụng trí tuệ nhân tạo từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và lợi ích của toàn xã hội.

Minh Hoàng