Kỳ vọng quy hoạch tích hợp phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Nội chính - Ngày đăng : 18:01, 01/08/2022
Báo cáo cho biết, thứ hạng PCI của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đang suy giảm. ĐBSCL năm 2021 có điểm PCI trung bình xếp gần cuối nước. Chất lượng lao động đang là điểm yếu cốt lõi của ĐBSCL. Nguồn lao động dồi dào đã mất đi do lao động trẻ di cư đến vùng Đông Nam Bộ, còn giá rẻ thì lại đi đôi với chất lượng thấp.
Trong giai đoạn 2017-2021, ĐBSCL có tốc độ tăng doanh nghiệp trung bình thấp nhất cả nước, chỉ ở mức 4,1%/ năm. Đóng góp của ĐBSCL cho công nghiệp chế biến - chế tạo của cả nước ngày một suy giảm. Nông thủy sản của ĐBSCL là thế mạnh nổi bật, song cả khâu chế biến và tiêu thụ đều phụ thuộc vào các đơn hàng nhập khẩu. Hạ tầng thương mại của ĐBSCL chưa hiện đại, so với cả nước chỉ có 9,4% số siêu thị và 11,6% trung tâm thương mại, trong khi chiếm tới 19,3% số lượng chợ (năm 2020), chủ yếu là chợ hạng 3.
Hạ tầng đường bộ là một điểm nghẽn cơ bản kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL. Vùng ĐBSCL chỉ có 6,7% chiều dài đường cao tốc cả nước. Giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò quan trọng ở ĐBSCL nhưng lại thiếu đầu tư trầm trọng với ngân sách đầu tư giảm từ 2-3% tổng ngân sách đầu tư giao thông trong giai đoạn 2011-2015 xuống chỉ còn 1,2% trong giai đoạn 2016-2020. Cho đến thời điểm này, ĐBSCL chưa có một cảng biển quốc tế thực thụ.
Báo cáo đánh giá, quy hoạch tích hợp nếu được thực hiện một cách trọn vẹn sẽ đem lại nhiều thay đổi quan trọng cho nền nông nghiệp cũng như cho toàn bộ sự phát triển của vùng ĐBSCL. Trong đó, ba nội dung lớn có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển nông nghiệp của ĐBSCL, đó là: Thứ nhất, định hình lại về tổ chức không gian sản xuất nông nghiệp. Theo đó, để đạt mục tiêu phát triển bền vững, trong đó tập trung vào nhiệm vụ định dạng lại hoạt động kinh tế, quy hoạch tích hợp đưa ra phương án tổ chức không gian mới cùng với phương án sử dụng tài nguyên nông nghiệp tự nhiên (nước và đất) một cách phù hợp với từng vùng và tiểu vùng, gắn chặt với nhiệm vụ cải thiện quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Căn cứ vào đặc trưng quan trọng về nước, sinh thái, các đặc điểm địa hình, địa mạo, và văn hoá xã hội, quy hoạch tích hợp chia ĐBSCL thành 36 tiểu vùng sinh thái - xã hội hay lưu vực sống. Phù hợp với tính “tích hợp”, quy hoạch tích hợp cũng đề xuất một cách thức tổ chức hoạt động kinh tế nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với phát triển đô thị và công nghiệp chế biến, và cả ba hoạt động này được tích hợp trong 8 trung tâm đầu mối phân bổ ở các vùng sinh thái trong toàn vùng ĐBSCL.
Thứ hai, phân bổ tài nguyên phù hợp với phương án tổ chức không gian vùng. Theo quy hoạch tích hợp, sẽ không có biến động quá lớn về phân bổ đất trong giai đoạn 2020-2030. Đến năm 2030, thay đổi diện tích lớn nhất là đất đô thị (tăng 160.080 ha) để phù hợp với quá trình đô thị hóa và chủ trương phát triển vành đai đô thị động lực. Thay đổi lớn thứ hai là về đất trồng lúa, giảm 88.560 ha, trong đó chủ yếu là diện tích trồng lúa nước. Thay đổi lớn thứ ba là về đất phát triển hạ tầng cấp quốc gia (+47.040 ha), trong đó khoảng 60% (27.820 ha) là đất giao thông. Trong quy hoạch tích hợp này, đất khu kinh tế không những không tăng mà còn giảm 5.060 ha, và sẽ không có diện tích đất nào được phân bổ để xây dựng khu công nghệ cao từ nay đến năm 2030.
Thứ ba, vai trò của nông nghiệp trong nền kinh tế tương lai của ĐBSCL. Quy hoạch tích hợp nếu được thực hiện sẽ tác động rất lớn đến sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và xã hội của ĐBSCL. Những hoạt động sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ và manh mún sẽ được giảm thiểu và thay bằng các hoạt động chuyên môn hóa theo định hướng thị trường hóa, công nghiệp hóa, và dịch vụ hóa nông nghiệp. Đa phần đất đai và các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ được chuyên nghiệp hóa và một bộ phận lớn nông dân sẽ trở thành công nhân có việc làm ổn định với các lưới an sinh xã hội tốt hơn. Quá trình phát triển sẽ theo hướng cân bằng hơn giữa ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Tuy nhiên, thực tế ở ĐBSCL, ưu tiên cao nhất của các địa phương vẫn là làm thế nào để tạo ra các hoạt động kinh tế và thu hút đầu tư. Cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn là lợi nhuận và sự sung túc về kinh tế chứ chưa phải là sự hòa hợp với thiên nhiên. Sự thiếu tương thích giữa mục tiêu và hiện thực tạo ra rất nhiều thách thức trong việc thay đổi quan điểm và ưu tiên phát triển của ĐBSCL trong một vài thập niên tới.
Báo cáo nhìn nhận, theo quy hoạch tích hợp, đường bộ sẽ tiếp tục là ưu tiên đầu tư trong 10 năm tới để đóng vai trò kết nối các phương thức vận tải khác, trong đó tập trung phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc, nâng cấp hoàn chỉnh mạng lưới quốc lộ, hình thành các trục động lực kết nối các trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối vận tải của vùng. Với đường thủy nội địa, nâng cấp một số tuyến đường thủy, cảng và bến thủy nội địa. Cảng hàng không vẫn tập trung ở 4 sân bay hiện hữu, với Cần Thơ là sân bay trung tâm cả về vận tải hành khách, hàng hóa, và logistics.
Theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics, vào năm 2020, ĐBSCL sẽ có một trung tâm logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha và tăng lên trên 70 ha vào năm 2030 với phạm vi hoạt động rất rộng, bao phủ 8 tỉnh và thành phố bao gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang.
Trong quy hoạch tích hợp, trung tâm đầu mối (TTĐM) được coi là một “khâu đột phá” về tổ chức phân bố không gian, tích hợp cụm liên kết công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ. Phù hợp với định hướng phân ĐBSCL thành 14 tiểu vùng, quy hoạch tích hợp đề xuất hình thành hệ thống 8 TTĐM bao gồm: TTĐM tổng hợp ở TP. Cần Thơ (gần cảng Cái Cui, Tân Phú); 4 TTĐM cấp vùng tại Bến Tre (gần KCN Giao Long, Châu Thành), An Giang (gần KCN Mỹ Thới, Long Xuyên), Kiên Giang (gần KCN Thạnh Lộc, Rạch Sỏi), và Cà Mau (gần cảng khí điện đạm Cà Mau, TP. Cà Mau); 3 TTĐM chủ yếu về logistics ở Đồng Tháp (gần KCN Trần Quốc Toản, Cao Lãnh), Hậu Giang (gần TP. Vị Thanh) và Sóc Trăng (gần KCN Trần Đề).