Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước về Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới
Nội chính - Ngày đăng : 16:58, 06/09/2022
Tin từ Cổng TTĐT Quốc hội, dự buổi Lễ có đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc; lãnh đạo một số ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo tỉnh Ninh Bình...
Cách đây 50 năm về trước, ngày 16/11/1972, tại thủ đô Paris Pháp, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Từ đó đến nay, đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước này. Là thành viên của Tổ chức UNESCO từ năm 1976, chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế Giới từ ngày 19/10/1987.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh gia là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước. Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 08 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.
Quá trình tham gia Công ước, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và Di sản Thế giới nói riêng, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa. Từ Luật Di sản văn hóa được Quốc hội Việt Nam thông qua đến Nghị định của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã được xây dựng theo hướng tiệm cận với tinh thần của Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và mục tiêu Phát triển bền vững của UNESCO, cho thấy đây không chỉ là cơ sở nhận thức và quan điểm, mà còn tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản Thế giới ở Việt Nam.
Bước sang giai đoạn 2021 - 2025, hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO tiếp tục được củng cố khi việc hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm nâng cao năng lực quản lý và tăng cường mạng lưới các Khu Di sản Thế giới, đảm bảo tính phù hợp và tiếp tục đóng góp cho các chiến lược phát triển quốc gia, cũng như các chiến lược phát triển của địa phương.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định mối quan hệ đối tác giữa UNESCO và Việt Nam luôn được duy trì, phát triểnvà vận động cùng thời đại. Đồng thời đánh giá cao các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát huy đầy đủ tiềm năng của các công ước văn hóa của UNESCO.
Về những thách thức trong thời gian tới, Bà Tổng Giám đốc UNESCO cho rằng cần dung hòa giữa phát triển với bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa , coi đây làvấn đề có tính quyết định. Một thử thách khác cần phải vượt qua là biến đổi khí hậu, để đạt được mục tiêu chung bảo vệ 30% hành tinh vào năm 2030.