Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện trong giải quyết quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
Nội chính - Ngày đăng : 13:57, 12/08/2022
Thực tiễn áp dụng pháp luật về giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn
Thứ nhất, đối với quyền về tài sản của vợ chồng trong trường hợp sống chung với gia đình.
Vấn đề này được thể hiện thông qua vụ án cụ thể sau: Anh A kết hôn với chị B vào năm 1989. Anh A xin ly hôn với chị B. Vợ chồng A, B tranh chấp nhà và đất trong khuôn viên 370m2. Anh A cho rằng toàn bộ căn nhà cấp bốn nằm trên đất diện tích nêu trên là của cha, mẹ anh A không phải của vợ chồng, nay ly hôn anh và chị B tự lo chỗ ở. Chị B cho rằng, đối với diện tích 370m2 mà anh A và chị B đang sử dụng thì ông C và bà D đã cho chị 231m2 sau khi kết hôn; năm 1990, vợ chồng chị mua thêm của xã E 139m2 đất vườn liền kề với thửa đất trên để tăng gia, nhưng vì vợ chồng chị không có tiền, nên ông D đứng ra mua đất và thanh toán tiền cho vợ chồng chị. Vợ chồng chị sử dụng đất ổn định, xây tường bao để tạo khuôn viên riêng, kê khai đất, hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước; do đó, chị yêu cầu được chia 120m2 đất sát ngõ vì chị không còn nơi ở nào khác. Tại bản án sơ thẩm xác định quyền sử dụng đất 370m2 đất tại xã E thuộc về ông C và bà D. Bản án phúc thẩm cho rằng diện tích 370m2 đất ở xã E là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của anh A và chị B.
Quan điểm của giám đốc thẩm, trong vụ việc nêu trên, đối tượng các đương sự tranh chấp là phần đất có diện tích 370m2, chị B cho rằng đây là tài sản chung của A và B nhưng anh A, ông C và bà D cho rằng không phải mà là của C và D. Phần đất này được hợp thành bởi hai phần đất là 231m2 có nguồn gốc là của cha mẹ anh B và phần đất có diện tích 139m2 do A và B nhận chuyển quyền sử dụng đất trong thời kỳ hôn nhân.
Đối với phần đất 231m2, vào thời điểm A và B kết hôn năm 1989 phần đất này thuộc quyền sử dụng đất của C và D do bà D (mẹ của A) đứng tên kê khai đất theo chỉ thị 299 và đứng tên tại Sổ mục kê năm 1984-1986. Mặc dù, về mặt pháp luật phải thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất nhưng trên thực tế có sự việc tặng cho là có thực. Bản án sơ thẩm cho rằng đây không phải là tài sản chung là không hợp lý, bản án phúc thẩm nhận định đây là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là đúng.
Còn đối với phần đất 139m2, theo lời khai của chị B thì do vợ chồng chị nhận chuyển nhượng nhưng không có tiền nên mượn cha chồng nhận chuyển nhượng và thanh toán. Sau đó, anh A đứng tên kê khai quyền sử dụng đất của mảnh đất nêu trên và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, vợ chồng A, B đã sử dụng đất ổn định, xây tường bao để tạo khung viên riêng. Bản án sơ thẩm nhận định đây là tài sản của ông C và bà D, chị B chỉ được trích công sức 50.000.000 đồng là không hợp lý, sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của A và B. Bản án phúc thẩm nhận định phần đất này hoàn toàn là tài sản chung của vợ chồng là không đúng, sẽ không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của ông C và bà D vì bản thân chị B thừa nhận rằng vì không có tiền để trả nên ông C là người đã trả tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên.
Từ đó cả bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm đã bị Chánh án TANDTC kháng nghị theo hướng hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Qua vụ việc nêu trên, pháp luật quy định vợ chồng có phần quyền trong trường hợp sống chung với gia đình nhưng không hướng dẫn cụ thể như thế nào là sống chung. Việc sống chung đó có nhất thiết ở chung thường xuyên một nhà hay không. Chính vì không quy định cụ thể nên trên thực tiễn có nhiều cách hiểu khác nhau khi xét xử.
Thứ hai, đối với tài sản của vợ chồng đưa vào kinh doanh.
Thực tiễn xét xử cho thấy, cách phân chia tài sản chung đôi khi có sự khác nhau. Tuy nhiên, nhiều bản án cũng không nhận định rõ có sự thỏa thuận bằng văn bản trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó theo như quy định tại Điều 36 Luật HNGĐ năm 2014. Bởi lẽ, khi đánh giá được vấn đề này thì sẽ đánh giá được việc thực hiện hoạt động kinh doanh có hướng tới mục đích chung của vợ chồng hay không cũng như làm cơ sở xác định công sức đóng góp của các bên khi phân chia tài sản, chính vì sự đánh giá chưa rõ ràng nên dẫn đến tranh chấp kéo dài.
Thứ ba, đối với nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Thực tiễn vẫn còn có cách xác định khác nhau về phạm vi khái niệm “nhu cầu thiết yếu của gia đình”và xác định giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình.
Luật HNGĐ năm 2014 chưa giải thích cho phạm vi áp dụng khái niệm “nhu cầu thiết yếu của gia đình” một cách rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng. Cụ thể, nếu giao dịch dân sự do một bên vợ chồng thiết lập không nhằm mục đích trực tiếp đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình mà chỉ để tạo ra những công cụ hỗ trợ cho việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu thì có phát sinh trách nhiệm liên đới của vợ chồng. Nói cách khác, trong trường hợp này, một bên vợ chồng có quyền đại diện cho bên còn lại để xác lập các giao dịch dân sự hay không?
Đối với trường hợp xác định giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình, khi xảy ra tranh chấp, các vụ án đều có nét tương đồng là hai vợ chồng đang sống ly thân, một bên vợ chồng không thừa nhận khoản nợ vay do bên kia tự mình xác lập và thực hiện, tuy nhiên, cách thức tiếp cận của các Tòa án là khác nhau.
Quan điểm cá nhân đồng ý với quan điểm cho rằng mặc dù vợ chồng ly thân nhưng đây vẫn là khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, bởi lẽ Luật HNGĐ năm 2014 không tồn tại chế định “ly thân”. Mặt khác, việc ly thân không phải là căn cứ để xác định nghĩa vụ liên đới của vợ chồng đối với giao dịch do một bên xác lập, mà phải dựa vào mục đích của việc xác lập giao dịch có phải phục vụ cho “nhu cầu thiết yếu” của gia đình hay không. Đồng thời, dù có ly thân, vợ chồng vẫn phải cùng nhau đáp ứng một số nhu cầu chung của gia đình như” chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục… đối với con cái.
Do đó, việc dựa vào vấn đề ly thân để từ đó nhận định việc thực hiện giao dịch không phải vì nhu cầu thiết yếu của gia đình như trường hợp thứ hai là chưa hoàn toàn hợp lý.
Thứ tư, đối với nghĩa vụ phát sinh từ việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng.
Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành đã quy định rõ về đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản để xác định chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng tài sản. Tài sản chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên cả vợ và chồng. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều trường hợp có những tài sản là tài sản chung của vợ chồng nhưng trong giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng chỉ ghi tên của một bên. Do đó, việc xác định người còn lại có được định đoạt đối với tài sản đó hay không cũng gặp nhiều khó khăn.
Theo quy định tại Điều 35 Luật HNGĐ thì việc định đoạt tài sản là bất động sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ, chồng nhưng không đề cập đến việc trong trường hợp vợ, chồng đang có nghĩa vụ đối với người thứ ba thì có cần sự đồng ý của người thứ ba khi vợ chồng định đoạt tài sản hay không.
Ngoài ra, cũng theo quy định tại Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014, việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng khi là: “Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 32 Luật HNGĐ năm 2014, trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó. Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Vậy, giả sử, gia đình đó có một khoản tiền lớn gửi trong ngân hàng, đứng tên một bên vợ hoặc chồng, lãi từ tiền gửi hiện đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình. Người đứng tên trên tài khoản tự mình xác lập giao dịch được coi là trường hợp giao dịch với người thứ ba ngay tình hay trường hợp phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Hay như trong trường hợp động sản có đăng ký quyền sở hữu khi định đoạt phải có sự đồng ý bằng văn bản của vợ, chồng. Nhưng, một gia đình có nhiều vàng, đá quý có giá trị lớn, phát sinh trong thời kỳ hôn nhân. Một bên đưa ra giao dịch với bên thứ ba, thì căn cứ theo quy định của Điều 32 Luật HNGĐ năm 2014 nêu trên, giao dịch đó có hiệu lực. Vậy, vấn đề bảo đảm quyền và lợi ích của bên kia sẽ như thế nào.
Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện
Một là, TANDTC cần hướng dẫn như thế nào là sống chung với gia đình.
Cơ sở lý thuyết hình thành giải pháp, để việc phân chia được tiến hành đúng thì việc đầu tiên là cần xác định khối tài sản chung của vợ chồng. Việc xác định đó cần tuân thủ những quy định của pháp luật về các căn cứ xác định tài sản chung và tài sản riêng, đặc biệt lưu ý đến Điều 61 Luật HNGĐ năm 2014 về chia tài sản trong trường hợp vợ chồng sống chung với gia đình. Trên thực tế việc “sống chung” cần được hiểu theo nghĩa rộng hơn không chỉ là phải trực tiếp ở chung nhà mà chỉ cần là thành viên trong hộ gia đình có quan hệ nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ như cung cấp chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc.
Từ các cơ sở nêu trên, tác giả kiến nghị TANDTC có văn bản hoặc án lệ hướng dẫn theo hướng “sống chung” không chỉ là việc vợ chồng (với tư cách là thành viên trong hộ gia đình) sống trực tiếp với gia đình bên chồng, vợ mà có thể có việc nuôi dưỡng, chăm sóc, chăm lo như chu cấp tiền nuôi dưỡng, quan tâm đến điều kiện sinh sống ở mức độ trung bình ở địa phương của cha mẹ thì sẽ làm phát sinh quyền tài sản của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình. Điều này là phù hợp với truyền thống tập quán của gia đình Việt Nam.
Hai là,Điều 36 Luật HNGĐ năm 2014 nên quy định rõ mục đích kinh doanh theo hướng trong trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về việc một bên đưa tài sản chung vào kinh doanh riêng thì người này có quyền tự mình thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung đó. Thỏa thuận này phải lập thành văn bản.
Mặt khác, bản chất của việc đại diện trong kinh doanh giữa vợ chồng không xuất phát từ việc tài sản dùng trong kinh doanh là tài sản chung hay tài sản riêng mà xuất phát từ việc cả hai vợ chồng thống nhất cùng nhau kinh doanh. Chính sự thống nhất về mặt ý chí này, cùng với đặc trưng của quan hệ vợ chồng là sự gắn kết trong mối quan hệ nhân thân và tình cảm, dẫn đến việc khi một bên trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh được ngầm định là đang đại diện cho bên còn lại. Đồng thời, nếu hiểu theo quan điểm tài sản đưa vào kinh doanh chỉ là tài sản riêng của vợ chồng là không hợp lý.
Ba là, khoản 1 Điều 30 Luật HNGĐ năm 2014 cần bổ sung quy định về đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập giao dịch dân sự vì nhu cầu thiết yếu của gia đình theo hướng vợ chồng không còn sống chung nhưng một bên thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì bên còn lại vẫn trách nhiệm liên đới.
Đối với những giao dịch dân sự nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình, một bên vợ chồng được tự mình xác lập giao dịch. Trong trường hợp này, bên vợ chồng xác lập giao dịch được xem là đang đại diện cho cả hai vợ chồng trong mối quan hệ đó. Việc đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của gia đình là vấn đề cơ bản nhất mà vợ chồng phải cùng nhau đáp ứng. Do vậy, việc một bên vợ chồng thực hiện các giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình được coi như một việc cần thiết và đương nhiên phải làm, không cần có sự đồng ý của bên còn lại.
Bốn là, Điều 35 Luật HNGĐ năm 2014 cần quy định việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng không cần phải có sự đồng ý của người thứ ba, nếu có tranh chấp về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng thì được giải quyết theo Điều 37 Luật HNGĐ năm 2014.
Kể từ thời điểm hôn nhân được xác lập sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, chính vì lẽ đó Luật HNGĐ năm 2014 đã quy định chế định về tài sản của vợ chồng, trong đó có quy định về việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng theo Điều 35 và nghĩa vụ chung của vợ chồng theo Điều 37, hai điều luật này có sự tách bạch nhau về bản chất. Cho nên, khi thực hiện quyền định đoạt về tài sản của vợ chồng thì pháp luật không có sự giới hạn phải có sự đồng ý của người thứ ba.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những mặt tác động tích cực cũng như những mặt còn hạn chế của pháp luật về giải quyết quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn, kết hợp với việc đề xuất, kiến nghị sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với vấn đề này làm tiền đề để xây dựng cũng như áp dụng thống nhất các chế định khác có liên quan.